Lễ cầu an của người Khmer ở miền Tây Nam bộ

Hai Miệt Vườn Thứ bảy, ngày 21/03/2015 11:00 AM (GMT+7)
Sau khi gặt hái xong, khoảng một đến hai tháng trong mùa hạn, trước tết Chuôl Chnam Thmay, đồng bào Khmer Nam bộ tổ chức đám làm phước, dân gian còn gọi là lễ cầu an.
Bình luận 0
Có nhà nào khá giả trong phum đứng ra đại diện để quyên góp tiền gạo của bà con trong vùng. Sau đó, người ta chọn một khoảng ruộng lúa của ai đó để dựng lều chuẩn bị làm. Lều dựng khá rộng, ở gian chính là bàn thờ Phật được đặt một cách trang trọng. Phía trước đặt nhiều vật cúng làm từ những trái dừa xung quanh cắm nhiều bông hoa, hái từ vườn nhà. Những thúng đựng gạo, nếp, dừa khô, cũng được chuẩn bị làm lễ cúng. Ngoài xa, có dựng sân khấu tạm để đoàn Dù kê hát giúp vui.
img
Lễ cầu an của người Khmer (ảnh tác giả)
Từ chiều vị Achar cùng những bậc cao niên ra mé ruộng mang theo hộp đựng vật cúng cầu lễ Neak Tà. Đêm làm phước cả trai, gái, trẻ già đều tham gia. Mỗi nhà thường có một hai người vào bàn thờ Phật cùng các sư sãi tụng kinh cầu mong cho xóm làng được bình yên. Sau hồi kinh mọi người lạy Phật rồi quay sang trò chuyện, vui chơi. Sau đó, lại quay lại tiếp tục đọc kinh cầu phước.
img
Lễ vật trong đám làm phước (ảnh tác giả)
Bên ngoài thanh niên, trẻ con tham gia các trò chơi dân gian, vui như hội. Hết canh một, đoàn Dù kê bắt đầu hát những vở tuồng trích từ các giai thoại về Đức Phật Thích Ca hoặc những câu chuyện dân gian như Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông, …

Tùy theo khả năng mà bà con đóng góp, ít tiền thì làm ít đêm, nhiều tiền thì làm nhiều đêm. Cho đến buổi sáng ngày cuối thì dâng cơm cho sư sãi, mọi người cùng ăn cơm chung vui và buổi lễ chấm dứt.

Nghi lễ câu an thường diễn ra từ phum này đến sóc khác, với mục đích cầu mong cho mọi gia đình bình an, vụ mùa tới sẽ bội thu. Đây cũng là lúc mọi người tham gia vui chơi sau những ngày vất vả trên đồng ruộng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem