Leng keng tàu điện vọng hồn xẩm xưa

Thứ ba, ngày 04/06/2013 14:15 PM (GMT+7)
Người hát xẩm giấu dưới bộ dạng tả tơi, nghèo khó một trái tim nghệ sĩ đích thực, một tài năng kể chuyện thiên phú. Với khả năng ứng khẩu tuyệt vời, xẩm không dừng lại ở một nghề mưu sinh mà đã trở thành một loại hình nghệ thuật diễn xướng độc nhất vô nhị trong nền văn hóa dân tộc.
Bình luận 0

Xẩm tàu điện, niềm vui ca hát của phố hội Thăng Long

Ngắm những bức ảnh hai màu đen trắng về một Thăng Long - Hà Nội xưa, người ta không thể nào quên những chuyến tàu điện đông đúc, nhộn nhịp xuôi ngược băm sáu phố phường. Những chuyến tàu hành trình ngắn, đến rồi đi, leng keng rộn rã trong thập niên chín mươi đã trở thành không gian diễn xướng, khởi sinh, nuôi dưỡng và phát triển một loại hình nghệ thuật đường phố mới vô cùng độc đáo: Xẩm tàu điện. Những gánh xẩm từ các vùng quê xa vì mùa màng thất bát, chiến tranh loạn lạc đưa đẩy trôi dạt về nơi thị thành. Họ những muốn tìm một không gian sinh tồn mới để sống và hát. Người hát xẩm xuôi theo những chuyến tàu điện đi từ phố nọ đến phố kia, mưu sinh bằng cách bán tiếng đàn, tiếng hát kiếm chút tiền của khách thập phương.

img
 

Bến xe điện Bờ Hồ nằm ngay đầu đại lộ Francis Garnier ngày ấy (ngày nay là phố Đinh Tiên Hoàng), đều đều chở khách ngược xuôi quanh Hà Nội, đã trở thành địa chỉ quen thuộc đặc trưng văn hóa của người dân Hà thành. Trong cái náo động của đời sống chốn nội đô, một tiếng xẩm vang lên như chạm vào cõi lặng tâm hồn người Hà Nội. Cái tên "xẩm tàu điện" bắt đầu từ chính môi trường nó sống và phát triển như vậy…

Người hát xẩm giấu dưới bộ dạng tả tơi, nghèo khó một trái tim nghệ sĩ đích thực, một tài năng kể chuyện thiên phú. Đa phần trong số họ đều là những người mù. Dù không thể nhìn thấy nhưng họ có khả năng ứng khẩu vô cùng tuyệt vời. Chỉ nghe thấy câu chuyện của đôi trai gái qua đường, người hát xẩm có thể ngẫu hứng sáng tạo nên một khúc nhạc bình dị mà rung động lòng người. Xẩm không dừng lại ở một nghề mưu sinh mà đã trở thành một loại hình nghệ thuật diễn xướng độc nhất vô nhị trong nền văn hóa dân tộc.

Xẩm có rất nhiều làn điệu, xẩm chợ, xẩm thập ân, xẩm tàu điện… Cái độc đáo, nét riêng biệt giữa xẩm tàu điện và các thể loại xẩm khác có lẽ là mối duyên nợ của nó với chốn phố hội Thăng Long xưa. Những bài xẩm như "Ba sáu phố phường", "Vui nhất Hà thành" dẫn lối cho người ta tìm vế với bóng hình một Hà Nội của những năm tháng không thể nào quên.

Liệu có thể đưa xẩm xưa trở về từ cõi nhớ?

Trước sự chuyển giao của hai thời đại, hát xẩm cũng rơi vào hoàn cảnh chung của sân khấu truyền thống, đang dần bị mai một và đi vào quên lãng. Nhưng không phải vì vậy mà sức sống của xẩm bị dập tắt. Nó vẫn có thể cháy lên nếu xã hội chung tay mang nó trở về từ quá khứ.

Năm 2005, Trung tâm Phát triển nghệ thuật Việt Nam thành lập, với tiêu chí đầu tiên là khôi phục, tìm lại vị trí cho xẩm trong nền văn hóa - nghệ thuật đương đại. Cuộc hành trình ấy bắt đầu bằng việc tập hợp những nghệ nhân hát xẩm của những thập kỉ trước.

Họ là thầy Thao Giang, thầy Khang, Xuân Hoạch, Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Hạnh Nhân, những con người nắm giữ linh hồn của bộ môn nghệ thuật diễn xướng dân gian độc nhất vô nhị này. Đoàn nghệ sĩ tìm về các chiếu xẩm ở Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, những nơi đã từng là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển loại hình hát xẩm. Các buổi biểu diễn xẩm cổ thu hút rất nhiều người thưởng thức, và không chỉ thế các băng đĩa về xẩm cũng được đông đảo quần chúng đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình.

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan tâm sự, chị cảm thấy hạnh phúc và vững lòng khi những buổi diễn ở sân xẩm chợ Đồng Xuân hay khu phố cổ Hà Nội có đông khán giả đến xem, trong đó có không ít khán giả trẻ cũng như khách du lịch nước ngoài.

Theo Đời sống gia đình

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem