Lừng danh sơn nữ “bản gái tiến vua” ở Bắc Giang

Thứ sáu, ngày 14/11/2014 07:00 AM (GMT+7)
Bản Mậu, xã Tuấn Mậu (Sơn Động - Bắc Giang) nằm heo hút bên sườn tây dãy Yên Tử linh thiêng. Men theo con đường gập ghềnh đá sỏi, chúng tôi tìm về đây để nghe những huyền tích, những câu chuyện xưa cũ và hiểu thêm những giá trị văn hóa có tự lâu đời của bản làng người Dao xung quanh câu chuyện về bản "gái tiến vua" và thực mục sở thị vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" của những sơn nữ lừng danh một thuở.
Bình luận 0
Mỗi làng quê Việt Nam đều mang đặc trưng, nét văn hóa vùng miền và thậm chí là một sự kỳ lạ mà chỉ nghe thôi cũng thấy tò mò. Đó là "bản gái tiến vua" ở Bắc Giang, với câu chuyện kỳ dị về hòn đá ai đi qua cũng "nứng", là làng quê ngay tại Hà Nội mà khách dự đám cưới không cần thiệp mời cũng không mừng phong bì hoặc một ngôi làng người đàn ông được phép lấy nhiều vợ... 
img Ông Hoàng Đức Dương- người có nhiều năm nghiên cứu giá trị lịch sử văn hóa ở bản Mậu.
Bí mật hòn đá âm dương

Để tìm hiểu về lịch sử cũng như truyền thuyết về "bản gái tiến vua", chúng tôi tìm tới ông Hoàng Đức Dương (SN 1944- CLB Trúc Lâm Thi Ca của huyện Sơn Động), là người có nhiều năm nghiên cứu những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ở bản Mậu.

Tương truyền, cái tên "bản gái tiến vua" có từ thời Phật hoàng Trần Nhân Tông, những tháng năm Phật Hoàng xuống tóc lên Yên Sơn xuất gia lập nên thiền phái Trúc Lâm. Khi đó trong triều đình có rất nhiều quan lại không phục với quyết định đó của nhà vua. Họ bèn nghĩ ra một kế, đó là dùng các cung tần mỹ nữ đẹp nhất, được vua sủng ái nhất đưa lên núi, những mong đức vua hồi tâm chuyển ý.

Nhưng ý nhà vua đã quyết là không gì lay chuyển được. Ngài ra lệnh cho các cung tần mỹ nữ xuống núi, trở về quê hương sinh sống và truyền lại ngôi cho thái tử. Biết được ý định của nhà vua, các người đẹp dắt nhau lủi thủi xuống núi. Người thì trở về quê hương lập gia đình, người thì lang thang các vùng khác để lập nghiệp, có người quy y cửa Phật. Trong số đó, một số người nặng lòng với nhà vua bèn kiếm mảnh đất ngay chân núi Yên Tử để sinh sống. Thời gian cứ thế trôi đi, các cung tần mỹ nữ dưới dãy Yên Tử cũng lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Cứ như thế, hàng trăm năm sau, nơi bản nghèo này vẫn còn lưu lại biết bao con cháu của những cung tần một thời.

Cũng theo tương truyền, cách đây hàng trăm năm ở bản Mậu có một đôi trai tài gái sắc đem lòng yêu nhau. Nhưng thật trớ trêu, vì xinh đẹp cô gái đã được tiến vua, chàng trai ở lại thương nhớ người yêu. Chàng lên khu vực núi Lái Am ngồi khóc và chết tại đó. Cô gái sau khi bị tiến vào cung cũng ngày đêm nhớ thương người yêu, khóc đến hỏng một con mắt. Nhà vua đến thăm, biết chuyện và cảm động trước mối tình của đôi trai gái, đã cho cô trở về quê đoàn tụ với người yêu. Về đến quê nhà, biết tin người yêu nhớ thương mình và mất, cô gái đến khu Lái Am. Thương nhớ người yêu, cô ngồi khóc nhiều ngày đêm và cũng mất tại đây. Nước mắt của cô hòa vào nước mắt của chàng trai thành con suối, người dân gọi là suối Rọng Gà. Nơi hai người hẹn hò và khóc thương nhau đến chết đã mọc lên một cây đa to, trên cây đa có một cây si bám rất chặt, tượng trưng cho đôi trai gái quấn quýt bên nhau không rời. Người dân đã lập đền thờ và đặt tên là Lái Am, nhưng nơi đây giờ chỉ còn là phế tích.

"Từ lòng đất khu vực Lái Am chảy ra một dòng nước trong veo, mát lạnh, cạnh đó có một tảng đá với hai mặt lõm hình thuyền đối xứng nhau, một bên to một bên nhỏ nằm cạnh dòng suối, người đân bản Mậu gọi là hòn đá đĩ hay hòn đá âm dương. Phía hạ nguồn dòng suối chảy qua, người bản Mậu có đào một cái giếng dùng cho việc sinh hoạt hàng ngày. Nguồn nước đó bắt mạch từ Lái Am, những bà mẹ nào muốn con cái trở nên xinh đẹp thì thường xuyên tắm gội và dùng nước ở mạch giếng này. Tuy nhiên, năm 2009, hòn đá bị nước lũ cuốn trôi ", ông Dương cho biết.

Xoay quanh những câu chuyện kỳ bí về hòn âm dương, như khi qua khu vực này những đôi trai gái đều có nhu cầu cao về mặt sinh lý, người dân nơi đây lý giải, hòn đá âm dương, hay đá "nứng" là cách gọi phiếm chỉ vì hình dáng của hòn đá giống bộ phận sinh dục nữ, nhưng cái tên thô quá nên nhiều người gọi lái đi. Chuyện những đôi trai gái đi qua hòn đá đều "nứng" là do muốn lên núi hay xuống núi đều phải lội qua nơi này. Đó là quãng suối đẹp, nước trong mọi người thường dừng lại nghỉ ngơi, rửa mặt trò chuyện tạo ra cho con người sự hưng phấn nhất định.

Tương truyền, thiếu nữ trong bản chỉ cần ra giếng tắm gội là làn da trở nên mịn màng, trắng nõn và thơm phức ngất ngây, mái tóc mượt mà, đen nhánh thả dài. Phép màu nhiệm này chỉ dành riêng cho những cô gái của bản Mậu, còn những người con gái ở bản khác, làng khác đến tắm cũng không "đẹp" lên được. Chính vì thế, ngày xưa con trai bản Mậu không lấy được con gái bản, ấm ức họ hò nhau làm thịt một con chó đen lấy tiết đổ xuống giếng và lấp bỏ giếng để gái làng không được dùng, trở nên xấu xí, không lấy được trai ở các làng khác mà phải lấy trai trong bản.
img Trịnh Thị Tuyết đạt giải Người đẹp thân thiện tỉnh Bắc Giang năm 2012.
và “biệt tài” của người đẹp nghiêng nước nghiêng thành

Nói về những người con gái xuất thân từ bản Mậu tham gia các cuộc thi người đẹp, cán bộ xã Tuấn Mậu cho biết, ở các xã của huyện Sơn Động cũng có nhiều người đẹp đi thi, nhưng đạt giải và giải cao thì bản Mậu là nhiều nhất.

Trịnh Thị Hương (SN 1983), từng là sinh viên trường đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội. Năm 2007 Hương tham gia cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam và đạt danh hiệu Người đẹp Hoa cúc, ngoài ra Hương còn đạt được nhiều giải thưởng tài năng: Giải Nhì đẩy tạ tỉnh Bắc Giang, giải Nhất chạy 100m, giải A bài hát dân tộc Dao... Tự bươn chải để học xong đại học, xinh đẹp, nết na, Hương trở thành niềm tự hào của người Dao bản Mậu.
Lối sống thành thị đang du nhập ồ ạt vào bản Mậu

Anh Bàn Văn Thành cho biết, bản Mậu có trên 100 nóc nhà, cùng với sự đổi mới của tỉnh của huyện, bản Mậu cũng thay đổi từng ngày, con em bản Mậu ra ngoài đi học đi làm cũng rất đông. Lối sống thành thị đang du nhập ồ ạt vào bản Mậu khiến nhiều cô gái trẻ người Dao bị "nhiễm", từ trang phục đến mái tóc, cách sinh hoạt. Nhiều người dân lo lắng, các cô gái nếu không đủ bản lĩnh giữ mình thì lại vướng vào lời cảnh báo “hồng nhan đa truân”.

Trò chuyện với chúng tôi về làng gái đẹp tiến vua, bà Bàn Thị Duyên (SN 1949) không giấu được niềm tự hào. Bà cho biết, đã được nghe rất nhiều sự tích về nguồn gốc làng gái đẹp, trong đó nhiều điều chưa có cơ sở kiểm chứng. Nhưng theo bà, con gái Dao ở bản Mậu da trắng, môi đỏ, xinh xắn, có nhiều nét thanh tú là được thừa hưởng từ người mẹ và cũng có thể là dùng nguồn nước từ dãy núi Yên Tử.

"Tôi có 8 người con, trong đó có 6 người con gái. Tất cả đã lập gia đình và theo đánh giá của người trong bản thì các con gái nhà tôi đều thuộc loại "chim sa cá lặn". Đặc biệt, những năm 90 của thế kỷ trước, người bản Mậu chúng tôi tự hào về cô Bàn Thị Giảng cũng lọt vào Top 10 hoa hậu vùng núi phía Bắc đấy", bà Duyên cho biết.

Chị Bàn Thị Hải, 43 tuổi nhưng nhìn chị vẫn toát lên vẻ đẹp của một sơn nữ vùng cao, da trắng, nụ cười tươi. Chị chia sẻ, lấy chồng năm 1991, sinh được một trai một gái, cô con gái cả Trịnh Thị Tuyết (SN 1993) hiện đang là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự- Bắc Giang. Năm 2012, Tuyết tham gia Hội thi Người đẹp Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất và đạt giải Người đẹp thân thiện.

"Em gái tôi cũng tham gia cuộc thi sắc đẹp ở tỉnh và đạt giải cao. Năm rồi cháu Tuyết cũng tham dự cuộc thi của tỉnh và đạt giải. Đây cũng là một sự khẳng định cho truyền thuyết miền gái đẹp từ xa xưa", chị Hải nói trong niềm tự hào.

Theo cụ Triệu Tiến Linh, là trai bản Mậu, nhưng cụ lấy vợ tận Quảng Ninh vì cái duyên nó không bén ở gần. Chia sẻ về cái đẹp của con gái trong bản, cụ cho biết: “Cái đẹp thì nhìn rõ ra bên ngoài rồi như da trắng, môi hồng, tóc đen... nhưng còn cái duyên ngầm của con gái bản Mậu thì phải thật tinh tế mới biết, nó thể hiện ở sự khéo léo trong giao tiếp, lịch thiệp và đặc biệt là uống rượu rất giỏi", cụ Linh cho biết.

Còn nữa...
(Theo NĐT)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem