Nhớ hình bóng cây rơm sau nhà!

Út Tẻo Chủ nhật, ngày 22/03/2015 07:00 AM (GMT+7)
Ở miền Tây Nam bộ, rơm lúa mùa khô và ngả màu vàng đặc trưng của vùng đất xứ phèn mặn. Sau khi xúc lúa vô ví trong bồ, người ta bắt đầu bó rơm rồi dùng chiếc đòn xóc bằng tre, vót nhọn hai đầu, đem những bó rơm ấy chất thành đống lớn phía sau nhà hay ở góc sân gần mé ruộng. Dân gian gọi đó là những cây rơm.
Bình luận 0

Người miền Tây Nam bộ ngày trước có tập quán canh tác lúa mùa, mỗi năm một vụ. Tháng Tư, tháng Năm gieo mạ, rồi tháng Sáu tháng Bảy nhổ mạ cấy lúa. Đến tháng Chạp hay ra giêng mới gặt hái. Lúa bó chất thành những cà lang (cà lang là những đống lúa bó chất có thứ tự lớp lang đàng hoàng), rồi sau đó dùng trâu đạp hoặc dùng sức người đập lúa bằng tay.

Lúa hột rụng xuống, rơm phải kỳ công giũ cho sạch, đợi ra giêng công việc tương đối rảnh rang, người ta bắt đầu bó rơm rồi dùng chiếc đòn xóc bằng tre, vót nhọn hai đầu, đem những bó rơm ấy chất thành đống lớn phía sau nhà hay ở góc sân gần mé ruộng.

img
Cây rơm quê nhà (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Cứ mỗi buổi chiều ta xế bóng, các bà, các mẹ ra rút rơm về chụm nấu bữa cơm chiều. Xứ này, có món cá lóc nướng trui đã trở thành “thương hiệu” của nghệ thuật ăn uống. Cá lóc nướng trui thì chỉ có nướng bằng rơm lúa mùa mới quện đủ hương vị đậm đà của nó. Ngày đông tháng chạp rút rơm nướng bánh phồng vào mỗi sáng sớm cũng là thú vui tao nhã.

Cũng từ cây rơm ấy, khi trời đà ngã bóng, trẻ con trong xóm tụ tập nhau lại đùa giỡn, thi nhau nhảy từ trên cao xuống. Rơm rất êm, mềm nên chẳng sợ đau. Khi thì các em chui vào đống rơm để trốn các bạn. Có câu chuyện kể thú vị thế này: Một người cương quyết hứa với bạn mình rằng “ai đó có khảo tra gì tui (tôi) cũng không nói bạn trốn trong đống rơm đâu”!

Các bà mẹ rút rơm bó thành những cây chổi nhỏ nhắn. Chổi rơm dùng để quét dọn bàn thờ, quét ở bếp nấu ăn. Thứ chổi bó chặt bằng rơm ấy xài cả năm như chơi.

Các cụ ông lại rút rơm dấn thành những con cúi. Con cúi bện bằng rơm giống như cách quấn tóc của các cô gái ngày nay. Con cúi để giữ lửa, để làm phương tiện đi đêm khi cần.

Đặc biệt hơn cả, cây rơm chính là nơi dự trữ thức ăn không thể tốt hơn cho trâu, bò. Những này bận việc, mấy đứa trẻ chăn trâu chỉ việc rút rơm khô về bỏ vào chuồng là xong.
img
Hình bóng văn hóa miền quê với cây rơm vàng (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Xưa, nhà này cách nhà kia cả một quãng đồng vắng, không thể gọi nhau khi hữu sự. Nhiều khi có chuyện gì cần sự giúp đỡ của xóm làng, người ta lại rút rơm đốt làm ám hiệu. Thấy lửa, người ta kéo đến trợ giúp cho gia chủ.

Đến tháng mưa dầm, cây rơm cũng gần hoàn thành sứ mệnh của đời nó. Dưới chân, nước mưa đọng lại làm rơm mục. Và cũng từ đây nấm rơm tự nhiên mọc lên. Bữa ăn sáng ngoài mớ rau tập tàng, ít bông bí rợ, thế nào người dân quê cũng kiếm vài cái nấm rơm về nấu canh, …

Ngày nay, khi bà con nông dân đã luân canh chuyển vụ. Cuộc sống cũng đã thay đổi nhiều bởi nền kinh tế thị trường dần thay cho kinh tế tự túc, tực cấp nên hình ảnh cây rơm cũng đã dần vắng bóng ở thôn quê miền Tây sông nước. Nét đẹp văn hóa một thời vẫn âm vang đâu đó trong kí ức, …
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem