Phụ nữ Gia Rai gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Bài và ảnh: Tuấn Anh Thứ tư, ngày 22/04/2015 07:00 AM (GMT+7)
Từ bao đời nay, truyền thống dệt thổ cẩm đã gắn bó mật thiết với người Gia Rai ở làng Kừ Đừ, thị trấn huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Gia Rai đã dệt nên những tấm khăn, chiếc áo hay bộ váy để dùng hàng ngày.
Bình luận 0

Với ước nguyện giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc mình không bị mại một, năm 2006 Bà Y Byưt đã thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Pơ Lan, nhằm tạo thêm thu nhập cho bà con lúc nhàn rỗi.

Về với làng Kừ Đừ, thị trấn Sa Thầy, chúng tôi chứng kiến cảnh chị em phụ nữ dân tộc Gia Rai đang cùng nhau ngồi bên nhà rông, hay một bên góc nhà của mình say sưa với khung dệt. Không những dệt để phục vụ nhu cầu gia đình, sản phẩm của các chị em còn nhập cho hợp tác xã để kiếm thêm thu nhập. Chính nhờ thế mà nghề dệt mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Gia Rai vẫn còn được lưu giữ được đến hôm nay.

Bà Y Byưt làng Kừ Đừ (55 tuổi) – Chủ nhiệm hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Pơ Lan, thị trấn Sa Thầy cho biết: Những người phụ nữ Gia Rai chúng tôi, dù ở trên nương rẫy nghỉ trưa, hay ở nhà chỉ cần có thời gian rảnh là họ dành cho việc dệt thổ cẩm. Để giữ được nét truyền thống của dân tộc không bị mai một và kiếm thêm thu nhập cho bà con, năm 2006 tôi đã thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Pơ Lan.

img
Bà Y Byưt đang dệt thổ cẩm - nghề truyền thống của dân tộc Gia Rai.

Với 20 triệu đồng mà vợ chồng tôi tích góp bao nhiêu năm, giờ đầu tư vào mua máy móc và sửa sang cơ sở ban đầu, chứ các thành viên chỉ góp mỗi người 100 ngàn đồng để làm quỹ cho hợp tác xã. Lúc mới thành lập cho tới giờ, hợp tác xã vẫn duy trì 20 thành viên, nhưng với tôi, bà con trong thôn đều là thành viên, nếu ai dệt xong tấm thổ cẩm nào đem đến tôi vẫn mua để họ có niềm tin và tình yêu với nghề dệt truyền thống.

Những đường nét hoa văn do người phụ nữ Gia Rai thêu trên mảnh vải thắm đượm tình yêu lao động, yêu quê hương, đất nước, đức tính cần cù như: hình ảnh đi làm nương rẫy, tục uống rượu cần, lễ hội đâm trâu, đi chơi tết…

Quy trình dệt thổ cẩm bằng thủ công của bà con tuy xù xì nhưng rất tốt và bền đẹp, nên các sản phẩm thường được ưa chuộng, xuất bán đi nhiều nơi. Nhiều sản phẩm thổ cẩm được bán ở các thành phố, các điểm du lịch. Sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công được chính các bà, các chị tạo nên từ những thanh tre, ống nứa, số lượng tuy không nhiều nhưng rất bền và đẹp.
img
Bà con thường xuyên tham gia lớp truyền, dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Chia sẻ với chúng tôi, Chị Y Thoát (30 tuổi) làng Kờ Đừ tâm sự: Trước đây, chủ yếu dệt thổ cẩm để dùng trong gia đình, nhưng từ khi có hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Pơ Lan các sản phẩm thổ cẩm còn được nhập cho hợp tác xã để kiếm thêm thu nhập. Khi trước để học nghề mình phải mất hơn 1 năm trời mới biết dệt đấy, nhìn vậy chứ để dệt một tấm khăn, bộ váy, áo…khó lắm. Không chỉ riêng có tay nghề cao là đủ, nó còn đòi hỏi người làm ra sản phẩm phải thật kiên trì, nhẫn nại...

Lúc xưa với quan niệm của dân tộc Gia Rai, người con gái trước khi về nhà chồng phải biết dệt và thêu thùa. Bằng chứng là những khi đi lên nương rẫy làm, để cọng được con sau lưng phải có những tấm khăn do mình tự dệt. Đó là nét đẹp trong bản sắc văn hóa của dân tộc Gia Rai, nên đến giờ vẫn được lưu truyền cho thế hệ sau.

Những năm gần đây, các cơ quan ban ngành rất quan tâm đến việc phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Gia Rai nói riêng. Còn tạo điều kiện cho bà con khôi phục lại các khung dệt, khuyến khích họ sử dụng các đồ dùng làm bằng hàng dệt thổ cẩm địa phương. Hàng năm, các huyện luôn tổ chức các cuộc thi tay nghề cho bà con, để nhằm khuyến khích các em học tập nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.                                                
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem