Thinh không sáo diều... ru ký ức

Thứ tư, ngày 25/12/2013 20:32 PM (GMT+7)
Những trưa hè lộng gió, trời xanh cao vời vợi, hay những đêm trăng thu rải ánh vàng xuống những triền đê, những cánh đồng cò bay thẳng cánh, tiếng sáo diều vẫn vi vu thổi như ru giấc cho người quê vất vả một “nắng hai sương”.
Bình luận 0
“Quê hương là cánh diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng…”

Câu thơ tuyệt vời của nhà thơ Đỗ Trung Quân luôn gợi lại cho bao người con xa nhà nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình mà lòng không khỏi bùi ngùi, khắc khoải mỗi khi nghe ca khúc “Quê hương” được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc. Và cánh diều như vẫn luôn trong giấc ngủ của bao miền ký ức ấy.

Thú chơi diều sáo không kén chọn lứa tuổi
Thú chơi diều sáo không kén chọn lứa tuổi

Những ngày còn bé, được theo các chú các bác đi thả diều sáo có lẽ là một trong những lần ấn tượng nhất nhưng cũng “liều lĩnh” nhất của thời quàng khăn đỏ. Bởi sự hiếu kỳ, choáng ngợp trước những con diều to khủng khiếp và ánh mắt cũng như đôi tai luôn ngóng lên trời để ngắm con diều tung cánh và lắng nghe những âm thanh mê hoặc của tiếng sáo như vang mãi thinh không, và cũng thường xuyên bị những trận đòn của mẹ bởi cái sự nghiêng ngóng đó.

Vài chục năm về trước có ít người chơi diều sáo lắm, cũng bởi điều kiện cuộc sống còn khó khăn, lao động quần quật, chạy ăn từng bữa nên mấy ai có đủ thời gian và tiền bạc để tham gia thú chơi tao nhã này. Phần nữa là nguyên liệu hồi đó khá hiếm, cốt diều bằng tre đực thì không thiếu, nhưng vải bọc và đặc biệt là dây thả là những thứ hàng khó kiếm, chưa kể bộ 3 sáo bằng gỗ mít đúng là một vật gia bảo truyền đời.

Ngày trước, các cụ nhà mình chọn những cây tre dài, chẻ nan dọc rồi cuộn lại, luộc nên, sau đó xoắn lại đến khi có được sợi dây nan vừa ý lại phải mang ngâm tẩm, gác bếp để xông khói… Muốn làm được vài chục mét dây nan phải mất cả năm trời chuẩn bị, đó là chưa nói đến diều. Phải chọn một cây tre đực mọc giữa bụi lâu năm, tuỳ kích cỡ và trọng lượng của bộ sáo để tính toán độ dài của diều.

Thường thì những con diều gánh bộ sáo nhỏ 3 chiếc dài khoảng 2,5-3m, con diều nào dài tầm 4m thường của các nghệ nhân bởi làm ra nó không hề đơn giản. Chọn được cây tre dài đã khó, sau đó là công đoạn vót khung sao cho khung to tròn ở chính giữa và thuôn nhọn về hai đầu. Dùng dây buộc chính giữa, giơ lên cao để lấy thăng bằng như đòn cân, nếu bên nào võng xuống phải vót tiếp tới khi nào cân thì thôi.

Hai thế hệ cha và con cùng đam mê chơi diều sáo.
Hai thế hệ cha và con cùng đam mê chơi diều sáo.

Với hai thanh khung như vậy, buộc chặt hai đầu rồi buộc một thanh ngang chính giữa, dùng dây níu hai đầu vào thanh ngang tạo độ cong cho cánh. Người thích diều cánh lá roi thì độ cong cánh vừa phải, diều cánh lá bầu thì thanh ngang hơi dài hơn và độ níu dây cánh cũng căng hơn. Công đoạn tiếp theo là bọc diều, thường là bằng vải thô quét hắc ín, giấy quét nhựa thông, sau đó cắm chiếc sáo khoét bằng gỗ mít lên lưng diều là cả làng đã có thể nghe tiếng o…o, u…u… vi vu, thanh thoát trên lưng trời.

Ngày nay, do vật liệu đa dạng nên công nghệ sản xuất sáo diều cũng đơn giản hơn. Nào ống nứa, ống nhựa làm thân sáo, miệng sáo làm bằng gỗ, bằng đồng với một tuýp keo là người chơi đã có thể chế ra những bộ 7 sáo, 5 sáo với âm thanh tuỳ thích. Vật liệu bọc diều cũng phong phú hơn: Bạt nylon, vải, giấy đủ loại… dây diều bây giờ cũng không thiếu, dài bất kể. Đã vậy, nhiều tay chơi còn gắn cả đèn nhấp nháy lên diều nhưng phần khung diều vẫn phải sử dụng vật liệu không thể thay thế: Tre đực.

Dọc các triền đê ven sông Hồng giữa hai tỉnh Thái Bình, Nam Định, giữa cái xanh ngút mắt của những cánh đồng lúa trải dài tới chân trời hay ven những con sông quê quanh co hiền hoà, du khách sẽ cảm nhận được chất nghệ sĩ lãng mạn của người dân nơi đây. Từ Vũ Thư, Tiền Hải (Thái Bình) cho đến Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thuỷ, Hải Hậu (Nam Định), trên bầu trời là hằng hà sa số những cánh diều to nhỏ các cỡ.

“Ngày trước các cụ chỉ chơi diều vào mùa hè, mùa thu, còn bây giờ là thả quanh năm, cột diều vài ngày ngoài cánh đồng là chuyện thường xuyên vì có ngồi ở nhà nghe tiếng sáo vẫn biết diều của mình còn “đậu”. Chỉ khi trời giông bão mới thu diều về chứ mưa gió trung bình thì cứ kệ bởi không có tiếng sáo diều cứ cảm giác thiếu thế nào ấy”- anh Trần Xuân Tùng (ở thôn Ngọc Tiên, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư)- đang chuẩn bị đưa một chiếc diều dài 3,6m cõng trên lưng duy nhất một cây sáo bầu có đường kính to cỡ phích nước lên bầu trời- tâm sự.

Còn theo anh Đoàn Văn Cứu - người sản xuất diều sáo ở thôn Tam, thị trấn Chợ Chùa (huyện Trực Ninh, Nam Định), vài năm gần đây phong trào chơi diều sáo nở rộ một phần bởi hàng năm có tổ chức những lễ hội thi diều của tỉnh và khu vực, ngoài ra còn do hình ảnh và âm thanh của chiếc diều sáo từ bao đời nay đã gắn chặt vào tiềm thức của người dân.

Và cũng với 2 câu thơ, nhà thơ Võ Quảng đã nói về miền ký ức của mình khi ông ví:

“Diều như chiếc thuyền

Trôi trên sông Ngân…”

Có thể nói, từ bao đời nay, hình ảnh cánh diều no gió và tiếng sáo vi vu giữa lưng trời luôn in đậm trong tâm hồn người Việt. Xa quê, nhưng đâu đó trên đường thiên lý, ai đó lại bất chợt nhớ nhà đến nao lòng khi thoáng nhìn thấy mảnh trăng non mà ngỡ cánh diều ngày thơ ấu.
Chu Hồng Châu (Chu Hồng Châu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem