Thú tiêu khiển của một số vị vua ở Việt Nam

Lê Thái Dũng Thứ năm, ngày 17/04/2014 14:51 PM (GMT+7)
Các vị vua ở Việt Nam thời phong kiến, ngoài những lúc thiết triều còn dành thời gian để tiêu khiển, giải trí trong những thú vui mà mình ưa thích, thậm chí có người còn rất giỏi và đam mê một số môn chơi...
Bình luận 0
Dưới đây là sở thích của một số vị Hoàng đế nước Nam.

1. Bố Cái Đại Vương thích đấu vật

Bố Cái Đại Vương tên thật là Phùng Hưng, ông là vị vua trong thời kỳ chống Bắc thuộc, ở ngôi 7 năm thì mất vào năm Tân Mùi (791). Từ nhỏ ông và hai người em là Phùng Hải, Phùng Dĩnh đã được rèn luyện võ nghệ, khi trưởng thành cả ba đều là những người có sức mạnh phi thường, nghĩa khí và can đảm.

Đấu vật (Tranh dân gian Đông Hồ)
Đấu vật (Tranh dân gian Đông Hồ).
Mặc dù có sức khỏe nhưng không vì thế mà Phùng Hưng chểnh mảng việc rèn luyện thể lực Theo dã sử thì ông rất ham mê đấu vật, từ khi chưa lên ngôi đã tham gia các lò vật trong vùng, lúc lên làm vua vẫn hăng say với môn vật như một thú giải trí lại có ích trong việc giữ gìn, nâng cao sức khỏe bản thân và cổ vũ tinh thần thượng võ cho quân sĩ.

2. Đinh Tiên Hoàng thích chơi thả diều

Tuy xuất thân trong gia đình võ tướng nhưng từ nhỏ đã hòa đồng vào cuộc sống bình dân nên Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) rất yêu thích các trò chơi dân gian, trong số đó ông ham nhất là thả diều.

Khi lên làm hoàng đế, ở ngôi vị chí tôn đứng đầu thiên hạ nhưng sở thích thuở ấu thơ vẫn còn nguyên. Sử sách không ghi chép chuyện này nhưng dã sử, giai thoại và cả những địa danh nay vẫn còn đã cho biết điều đó. Thích thả diều và dạo chơi các nơi thôn dã quanh kinh đô Hoa Lư.

Một hôm đang đi thuyền thả diều trên sông thì diều của vua bị đứt dây, bay tới địa phận làng Trung Trữ (nay thuộc xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, Ninh Bình). Đinh Tiên Hoàng liền đi thuyền rồng đến đó tìm diều và thăm thú. Thuyền của vua đỗ dưới một chân núi, núi đó vì thế được gọi là núi Thuyền Rồng, còn nơi cánh diều rơi xuống là một bãi ruộng gọi là ruộng Diều Tha (có thuyết nói rằng địa danh này liên quan đến chuyện Cao Biền cưỡi diều giấy đi phá phong thủy nước Nam bị dân dùng tên bắn rơi).

3. Lê Đại Hành thích câu cá

Vị vua sáng lập nhà Tiền Lê là Lê Đại Hành thì có sở thích câu cá, theo dã sử trong một buổi tiệc tiếp sứ Tống, sự bình dân tự nhiên của vua khiến đại diện của “thiên triều” kinh ngạc khi ông bỏ mũ, vén cân đai áo mão rồi đi chân đất cầm cần câu lội xuống hồ câu cá; mỗi lần giật lên được một con cá là ông cùng quần thần reo hò ầm ĩ, rồi vừa uống rượu vừa ca hát

Trong bài sớ trình lên vua Tống sau khi đi sứ Giao Châu năm Canh Dần (990) trở về, Tống Cảo cũng đã thuật lại chuyện này. Ở mục “Giao Chỉ truyện” của bộ sách “Tống sử” có đoạn viết:

“Lê Hoàn đi chân đất cầm gậy tre lội nước xâm cá. Mỗi khi trúng một con thì tả hữu hai bên đều hò reo nhảy múa. Phàm khi yến hội, những người vào dự tiệc đều phải cởi đai áo, mũ mão. Hoàn thường mặc áo hoa văn sặc sỡ hoặc áo màu đỏ, mũ thì lấy trân châu làm trang sức, có khi tự mình hát “khuyến tửu ca” (khúc ca mời rượu), không một ai có thể hiểu lời của bài hát”.

4. Lê Long Đĩnh thích xem đua thuyền

Tục đua thuyền có từ lâu trong văn hóa Việt, mang đậm tính tín ngưỡng cầu nước, cầu mưa và biểu dương sức mạnh. Đến thời Lê Đại Hành, ông đã đưa tục đua thuyền trở thành một thú giải trí khi “bày lệ vui đua thuyền, về sau thành lệ thường”.

Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, Lê Đại Hành là “người tổ chức, phát huy và khơi mở nhiều truyền thống quý báu của văn hóa dân tộc” và kể từ khi thành lệ thường, đua thuyền rất cuốn hút dân chúng cho đến vua quan, trong đó có Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh.

Khi chưa lên làm vua, Lê Long Đĩnh được phong vương, trấn giữ đất Đằng Châu (nay thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên), do ham thích xem đua thuyền nên ông thường tổ chức các hoạt động này và hay dùng thuyền đi dạo chơi trên sông, như trong sách “Việt điện u linh” có nói tới.

5. Lý Cao Tông ham mê các trò phương thuật


Không chỉ là người ham mê săn bắn và du ngoạn, Lý Cao Tông là vị vua thích xem các tiết mục biểu diễn thuộc mọi loại hình. Vì thế ông thường cho mở các lễ hội lớn để xem múa hát, đánh đu, vật cầu...

Đặc biệt Lý Cao Tông là người rất thích các trò phương thuật, nghe nói ai có tài gì ông đều bắt đến biểu diễn để mua vui hoặc xem có pháp thuật gì lạ không. Có lần vua sai mang hổ ra để cho một nhà sư đến từ Tây Vực (Trung Á ngày nay) làm phép giáng hổ, lần khác cho một sủng thần là Nguyễn Dư trổ tài trị sấm, cho viên quan là Trần Túc làm phép thuật để dâng nước …

6. Lê Thánh Tông thích đi vi hành

Có lẽ trong lịch sử Việt Nam hiếm có vị vua nào đi vi hành nhiều như Lê Thánh Tông, ông thường mặc quần áo dân thường hóa trang lúc thì là một anh học trò nghèo, lúc lại thành một công tử, một nhà buôn… đi khắp nơi trong kinh thành, có khi ra ngoại ô đến các thôn trang, làng mạc để xem xét tình hình, tìm hiểu đời sống của dân chúng.

Trong dân gian lưu truyền nhiều câu chuyện, giai thoại kể về những lần vi hành của Lê Thánh Tông, từ việc viết hộ câu đối cho gia đình nghèo của bà bán, người làm nghề hót phân, thợ nhuộm cho đến chuyện làm quen, giúp đỡ các cống sĩ, nho sinh ở trường Giám.

Thậm chí có lần kết bạn với cả một tên trộm có biệt danh là “Quận Gió”, nhờ đó phát hiện ra việc viên quan coi kho ăn cắp tiền bạc trong ngân khố quốc gia. Những giai thoại về các cuộc vi hành của Lê Thánh Tông biểu lộ lòng tôn kính của người dân đối với vị vua anh minh, tài giỏi này.

7. Lê Uy Mục thích xem… lính đánh nhau

Là một người hiếu sát, tàn bạo nên Lê Uy Mục bị gán cho biệt danh “Qủy vương” (vua Qủy), ông vua này giết người bừa bãi, từ cung nữ, đại thần cho đến bà nội, các chú bác, anh em trong hoàng tộc cũng không từ.

Với bản tính ưa bạo lực, vì thế sở thích của Lê Uy Mục cũng rất bạo lực, ông thường sai binh lính, nhất là lính thuộc hai ty Ngự tượng, Ngự mã (cai quản voi, ngựa của vua) đấu sức với nhau bằng cách cầm gậy đánh nhau cho vua xem, lấy đó làm trò vui, có khi thích chí liền ban thưởng tiền bạc cho họ.

8. Minh Mạng thích sưu tầm sách

Là vị hoàng đế thông minh, ham đọc nên Minh Mạng rất thích sách vở, mỗi lần xuất cung hoặc vua đi đâu đó, thị vệ hầu cận đều mang theo một số cuốn sách để vua đọc. Ông còn có lập một “thư viện” riêng chứa hàng ngàn cuốn sách quý mua từ phương Bắc hoặc thu thập được trong dân gian.

Để tập hợp thêm nhiều cuốn sách quý, sách lạ, vua Minh Mạng còn ra chiếu chỉ cho thần dân ai có sách hay dâng lên vua sẽ được ban thưởng. Trong chuyến ra Bắc năm Tân Tị (1821), nhiều quan chức, danh sĩ đã đến yết kiến và hiến sách, như trường hợp “Tham bổ học sĩ Phạm Qúy Thích, sinh đồ xã Đan Loan là Phạm Hổ đều đến bái yết.

Vua hỏi sách lạ quý. Qúy Thích tâu rằng chỉ có sách Tứ thư, Ngũ kinh. Phạm Hổ đem dâng sách Lê gia văn phái và sách Hiến chương loại chí” (Quốc sử di biên).

Trong sách “Châu Phong tạp thảo” của mình, Phạm Đình Hổ cho biết: “Nay có lệnh chỉ cho tìm kiếm, thần xin kính cẩn vâng mệnh, lục lọi sách cũ cất giữ trong nhà, có được quyển nào sẽ dâng tiến… Ngày mồng 6 tháng 11, đệ trình đạo biểu tiến dâng các sách Lê triều hội điển 2 quyển, Bang giao điển lệ 1 quyển…, giao cho quan Tổng trấn chia ủy cho các viên thư lại sao chép để tiến lãm”.

9. Vua Tự Đức chơi đầu hồ cực giỏi

Đầu hồ là một trong các trò chơi tiêu khiển ưa thích của vua quan, hoàng thân và giới quyền quý thời Nguyễn, nó đòi hỏi sự khéo léo nhưng cũng là cách để rèn luyện tinh thần.

Trò chơi đầu hồ
Trò chơi đầu hồ
Đầu hồ được hiểu là “đầu” nghĩa là ném, “hồ” là cái bình. Chơi đầu hồ là ném cái thẻ cho lọt vào trong miệng bình một cách gián tiếp qua một tấm ván.

Khi chơi, người chơi cầm thẻ là những thanh gỗ nhỏ thanh mảnh có thể uốn cong, đàn hồi, được vót thon ở giữa, một đầu tròn, một đầu dẹp với bề ngang rộng. Ở một khoảng cách nhất định người chơi cầm thẻ dùng ngón tay tạo độ nhún, sức bật tính toán cự ly rồi cho thẻ bung ra khỏi tay rơi xuống miếng ván rồi dội ngược lên để rơi vào miệng chiếc bình.

Theo sử sách triều Nguyễn, vua Tự Đức là người không chỉ thích chơi mà còn chơi rất giỏi môn giải trí cung đình này, nhất là sau những lúc tập trung trí óc để giải quyết việc triều chính, vua thường chơi trò đầu hồ để thư giãn tâm trí. Ngay cả khi vua đã mất, tại điện Hòa Khiêm trong khu vực lăng Tự Đức có thờ theo ba cái đầu hồ cùng một số dụng cụ kèm theo mà thuở còn sống ông rất yêu thích.

Ngoài đầu hồ, vua Tự Đức còn có nhiều sở thích khác trong đó ông ham mê nhất mang súng đi săn thú, bắn chim tại một số khu rừng ngoại thành Huế như rừng Thuận Trực hoặc có lần ra tận Quảng Trị đi săn.

10. Đồng Khánh mê nghe hát tuồng

Giống như nhiều vị vua triều Nguyễn, Đồng Khánh rất thích nghe hát tuồng (hát bội), cũng vì quá ham mê đến nỗi nhà vua đã dùng tên các nhân vật trong vở tuồng “Vạn Bửu Trình Tường”, một vở mà ông yêu thích để đặt tên cho các cung nữ theo tên các vị thuốc như: Đại Hoàng, Nhân Sâm, Cam Thảo..v..v..

Ngoài vở tuồng nói trên, các vở “Quần trân hiến thụy” của Nguyễn Bá Nghi, “Từ quốc lại vương” do Đào Tấn sáng tác cũng được vua Đồng Khánh thích thú và thường cho biểu diễn để nghe tại nhà hát Duyệt Thị Đường trong Tử Cấm thành.

Điều đặc biệt thú vị là con ông (tức vua Khải Định sau này) cũng mê tuồng nhưng vì không muốn xem phụ nữ biểu diễn trên sân khấu nên đoàn tuồng ngự Thanh Bình chỉ toàn các diễn viên nam giới. Gặp các cảnh cần có vai đào thì nam diễn viên phải hóa trang, đóng giả nữ, chính vì thế đoàn tuồng cung đình thời Khải Định có nhiều nghệ nhân nam đóng vai đào rất giỏi.

11. Thành Thái thích đánh trống chầu

Vua Thành Thái cũng là một người say sưa với nghệ thuật tuồng và là một tay trống tuồng tài ba. Giai thoại kể rằng, nghe nói có một người đánh trống tuồng rất giỏi nên Thành Thái cho gọi ngay vào cung biểu diễn cho vua xem, thấy người này trổ tài đúng như lời đồn, vua liền ban thưởng và thú thật với triều thần rằng người đó đánh trống giỏi hơn cả vua.

Vì mê tuồng, vua Thành Thái nhiều khi trực tiếp cầm trống chầu trong các buổi diễn; ông còn biết đánh giá các diễn viên có tài, những đào, kép giỏi, được vua ban thưởng tiền bạc mà có người còn được phong tước hiệu, ông Nhưn Đá được phong là “Thế thượng vô song”, ông Quyền Ngữ được phong là “Bích nhãn chi”… Thành Thái còn là Hoàng đế duy nhất của triều Nguyễn đã lên sân khấu diễn tuồng, đóng trò. Nhà vua từng thủ vai Thạch Giải trong vở “Xảo Tống”.

12. Vua Duy Tân thích đánh bài “lú”

Thuở nhỏ vua Duy Tân thích chơi bài lú với chị em hoặc cung nữ, đây là trò chơi một thời rất phổ biến ở kinh đô Huế, còn gọi là đánh bạc “me” hoặc trò “Tam, túc, yêu, lượng”. Khi chơi, một người lấy bát úp đặt đồng xu bên trong cho người chơi đoán mà đặt cửa, “tam, túc, yêu, lượng” là 4 cửa của trò này.

“Yêu” là đặt để một trự tiền, tiền bằng đồng xu; “lượng” là đặt để hai trự tiền, “tam” là đặt để ba trự; “túc là bốn trự hay nhiều hơn thì cũng mỗi bốn trự trừ đi còn là ra số trên hoặc lấy tay nắm bốc thì gọi là “lú”.

Duy Tân còn rất thích cưỡi ngựa, dù có một chiếc xe hơi luôn thường trực sẵn ở Đại Nội nhưng chỉ khi nào ra khỏi thành vua mới dùng còn những khi rảnh rỗi hoặc vào buổi chiều cuối tuần, ngài thường cưỡi ngựa đi khắp nơi trong thành, đến tận các cửa như Nhà Đồ, Thượng Tứ… Ngoài ra có một sở thích khác của vua Duy Tân đó là âm nhạc, ngài thích nghe cổ nhạc do ban nhạc Đại Nội hòa tấu.

13. Bảo Đại thích cưỡi voi đi săn

Vua Bảo Đại có rất nhiều sở thích như chơi golf, tennis, đá bóng … trong đó có thú săn bắn, điều đặc biệt là mỗi khi đi săn ông thường cưỡi voi. Những cánh rừng ở Tây Nguyên thuộc địa bàn các tỉnh Đắc Lắc, Buôn Mê Thuột, Lâm Đồng… vua đều đặt chân đến. Thỉnh thoảng ông ra miền rừng núi Quảng Trị, Quảng Bình để săn bắn.

Vua Bảo Đại cưỡi voi đi săn (Ảnh tư liệu)
Vua Bảo Đại cưỡi voi đi săn (Ảnh tư liệu)
Mỗi lần đi săn, việc chuẩn bị tiến hành rất chu đáo nhưng số người theo tháp, phục vụ vua gồm người nấu ăn, lái xe, lính thị vệ… chỉ hơn 10 người. Vua Bảo Đại mê săn bắn như điếu đổ, nhiều lần rời kinh thành để tìm thú vui tiêu khiển ở chốn núi rừng, có lần đi săn ở tận cả tháng mới về.

Biết vua thích đi săn bằng voi nên một vị tù trưởng tên R’leo K’num ở Buôn Đôn đã tặng cho ông một con voi trắng (bạch tượng) quý hiếm để cưỡi khi đi săn và còn lập cho vị vua này một đội voi săn “Hoàng gia Bảo Đại”. Ở Buôn Liên, huyện Lắc (tỉnh Đắc Lắc) còn có cả một bãi đất rất rộng được chọn làm nơi chăn thả, huấn luyện đàn voi cả trăm con của vua, trong đó có những con được Bảo Đại rất quý, đặt tên là Roi Chim, Bạc Ất, Buôn Con…

Là một người bắn giỏi nhưng Bảo Đại không bao giờ săn bắn voi, ông nói rằng con voi có nghĩa, nó chỉ giúp người mà không bao giờ hại người vì thế vua chỉ bắn chim muông và thú rừng như hổ, hoẵng, min (một loại bò rừng)… mà thôi.

XEM THÊM
>> Vua Bảo Đại và chuyện những người tình trong cuộc
>> Vua Bảo Đại và những trận đánh ghen vương giả
>> Gặp tác giả chiếc mũ đi săn cho vua Bảo Đại
>> Chuyện ông vua mỗi đêm một người tình, không thể thiếu
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem