Về nơi một thời ngọc trai cho cả vốc, lẫn trong cháo

Nguyễn Sơn Hải Thứ tư, ngày 20/05/2015 08:43 AM (GMT+7)
Thật khó tin là có thời kỳ ngọc trai nuôi ở Quảng Ninh là món quà có thể “cho hàng vốc”, vậy mà giờ đây, ngọc trai nuôi đã trở thành sản vật quý giá được bán ở những kinh đô thời trang có tiếng.
Bình luận 0

LTS: Các món ăn, nông sản, đồ dùng quê kiểng nhưng trở thành đặc sản, sản vật độc đáo nuôi sống cả làng nghề, xuất khẩu ra nước ngoài với dấu ấn đậm nét Việt đã giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú, nhiều ngôi làng trở nên thịnh vượng. Cách thức để xây dựng một món quê trở thành sản nghiệp một cách chuyên nghiệp như thế nào? Người dân cần những “bà đỡ” nào để những món quà quê giàu ý nghĩa, giàu giá trị văn hóa, ẩm thực được biết đến ở trong vào ngoài nước. Đã từng có những “sản vật nên nghiệp lớn” nhưng rồi lại lụi tàn, bài học ra sao? Hãy cùng đọc chuyên đề “Quà quê nên nghiệp lớn” của NTNN để tìm lời giải đáp.

Ngọc trai lẫn trong… cháo

Nói về ngọc trai Cô Tô, ông Cao Tuy - nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Quảng Ninh, một chuyên gia về biển kể: Năm 1967 - 1969, Quảng Ninh đã xây dựng trại nuôi cấy ngọc ở quần đảo Cô Tô do chuyên gia Trung Quốc và Viện Nghiên cứu hải sản Việt Nam giúp đỡ, hướng dẫn về mặt kỹ thuật. Tại đây đã sản xuất được những viên ngọc tròn có đường kính 7-8mm có màu sắc đẹp như trắng bạc, phớt hồng, xanh ngà. Song do điều kiện chiến tranh, chưa có thị trường, nghề nuôi trai, cấy ngọc ở Quảng Ninh bị mai một.

img
Nuôi trai lấy ngọc tại Vân Đồn (Công ty CP Ngọc trai Hạ Long). (ảnh: I.T)

“Tôi còn nhớ, những năm ấy về công tác ở Hợp tác xã Ngư nghiệp Chiến Thắng ở quần đảo Cô Tô- đơn vị đã từng được đón Bác Hồ đến thăm- chủ nhiệm hợp tác xã bấy giờ đưa cho tôi một vốc ngọc trai: "Đây là những viên ngọc trai nuôi ở Cô Tô". Rồi anh chép miệng: "Nhưng chẳng biết làm gì. Bán chẳng ai mua"- ông Tuy kể.

Đúng là thời kỳ ấy, ngay cả nhẫn vàng cũng ít người đeo, hoặc giữ vàng tích trữ, huống chi là ngọc trai. Ông Tuy mở ngăn kéo bàn làm việc của chủ nhiệm thấy nhiều viên ngọc trai lăn lóc, ước chừng gần ống bơ sữa bò, nhưng chẳng ai để ý. Tuy không lấy viên ngọc trai nuôi, nhưng nhiều người lại rất thích mang về cho gia đình 5-10 viên ngọc trai tự nhiên, mà mỗi viên chỉ nhỏ bằng nửa hạt gạo, lấy được khi mỗi buổi sáng ăn cháo trai để… làm thuốc.

Năm 1992, việc nghiên cứu nuôi trai lấy ngọc được tiếp tục trở lại, lần này các chuyên gia chọn quần đảo Hang Dơi, Nhiên Tân huyện Vân Đồn nuôi trai cấy thử nghiệm. Công ty Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Trung ương liên doanh với huyện đảo Vân Đồn là đơn vị đầu tiên nhập công nghệ kỹ thuật Nhật Bản nuôi trái cấy ngọc trên vùng biển Bái Tử Long. Sau 2 năm tổ chức nuôi cấy ngọc trai, năm 1994 công ty liên doanh đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm. Thu hoạch đợt đầu được 24kg ngọc trai, tương đương với gần 50.000 viên ngọc. Sau chọn lọc, phân loại có tới 80% số sản phẩm đạt từ loại 3 đến loại 1, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, cho hiệu quả kinh tế cao.

Thử nghiệm của Công ty Dịch vụ nuôi trồng thủy sản T.Ư đã giúp xác định được điều kiện, môi trường vùng biển Quảng Ninh đặc biệt là vịnh Hạ Long và Bái Tử Long có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi cấy ngọc trai. Năm 1992 - 1994, công ty này tiếp thu công nghệ nuôi trai cấy ngọc tiên tiến của Nhật Bản, và đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề vững vàng, làm cơ sở hạt nhân cho việc phát triển nghề nuôi trai cấy ngọc ra toàn tỉnh.

Những người gắn bó với ngọc trai

Quan điểm

Ông lwaki -đại diện Công ty Ogowa Nhật Bản
  Vùng biển Quảng Ninh có nhiều eo vịnh tốt là nơi quần tụ của nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là các loài nhuyễn thể (Molasca) trong đó điển hình là các loại ngọc  (P.Martensii, P.Maxima, P.Penguin, P.Magratijera). Nhưng phù hợp với vùng biển Quảng Ninh là loại ngọc trai Pinetada Mantensii, hay còn gọi là trai Mã Thị theo tiếng Trung Quốc”. 
Ông Ogura Masuo, một chuyên gia về ngọc trai nổi tiếng của Nhật khi đến Hạ Long đã bị vùng đất này quyến rũ tới mức thay mặt tập đoàn nuôi trai cấy ngọc có truyền thống của Nhật (Công ty Komatsu Pearl) quyết định liên doanh với Công ty Xuất khẩu thủy sản II, nuôi trai cấy ngọc trên vịnh Hạ Long. Ông Ngô Duy Thực- Giám đốc Công ty Xuất khẩu thủy sản II làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Ogura Masuo làm Giám đốc. Một thời gian sau, chính ông Ogura Masuo đã gọi con trai là Takahiro đến vịnh Hạ Long làm việc để sau này kế nghiệp ông.

 

Kể từ đó, các công ty nuôi trai lấy ngọc ở Vân Đồn, Cô Tô bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Các trại nuôi trai lấy ngọc trên bè nổi hoặc phao dây được mở ra. Trai nhốt trong lồng và thả lồng trong bè. Bè nuôi trai có 2 loại- bè tre và bè gỗ, những vật liệu rất sẵn có ở Quảng Ninh. Trai 2 năm tuổi có thể cấy ngọc và phải chọn thật đều để sau này thu hoạch sản phẩm ngọc trai đồng đều. Nhân ngọc làm bằng nhựa tổng hợp, hoặc vỏ các loài nhuyễn thể để chế tạo nhân ngọc, song nhân ngọc tốt nhất hiện nay là loại nhân được chế tạo từ vỏ trai cóc nước ngọt (Lamprotula).

Quảng Ninh hiện có 8 đơn vị nuôi trai cấy ngọc ở vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long bao gồm: Công ty Thái Bình Dương, Công ty Trai ngọc Phương Đông, Công ty TNHH Toàn Thắng, Công ty liên doanh TNHH Hạ Long. Xí nghiệp Hải Ninh. Công ty Xuất khẩu thủy Quảng Ninh. Trung tâm Hỗ trợ phát triển Vân Đồn… Các đơn vị, công ty nuôi trai đều liên doanh với Nhật Bản hoặc trực tiếp nhận công nghệ nuôi trai cấy ngọc tiên tiến của Nhật Bản. Mỗi đơn vị, công ty có hàng trăm công nhân có tay nghề vững vàng, trong đó có từ 60-70% là kỹ thuật khá.

Tôi hỏi một nữ công nhân trẻ, quê ở Vân Đồn làm nghề cấy ngọc được 3 năm. Cô gái trẻ cho biết, mỗi ca cô đặt được 500 - 560 viên ngọc. Cô giải thích: "Cấy ngọc đòi hỏi tay nghề của người thợ phải chính xác, đặt chệch một chút, mô tế bào không bọc được viên nhân, nhân ngọc sẽ vô giá trị, không tạo thành được viên ngọc". Nhờ có đội ngũ công nhân kỹ thuật này mà trai đạt tỷ lệ ngậm ngọc khá cao 60%. Thu hoạch có từ 80-85% ngọc đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Vậy là từ vốc ngọc cho không “không ai lấy”, ngọc trai nuôi ở Hạ Long đã tìm được thị trường. Hiện mỗi năm Quảng Ninh đã xuất khẩu từ 10-15 triệu viên ngọc, thu về lượng ngoại tệ lớn. Ngọc trai Quảng Ninh đã xuất hiện trong các bộ sưu tập trang sức lớn ở Nhật Bản và châu Âu.

Từ việc phải nhập khẩu giống trai, tới nay 8 công ty nuôi trai lấy ngọc ở Quảng Ninh đã đảm bảo việc cung cấp con giống cho địa phương và xuất khẩu hơn 10 triệu con trai giống sang Nhật Bản và các nước khác.
Ngoài ngọc trai, trai lấy ngọc còn cung cấp vỏ trai là nguyên liệu cho kỹ thuật khảm trai. Thịt trai và cơ trai có hàm lượng dinh dưỡng cao (protit 56%, gluxit trên 30%, lipit trên 10%). Ngoài ra từ thịt và ngọc trai có thể làm ra nhiều loại thuốc quý hiếm- miễn dịch, hạ huyết áp, chống viêm nhiễm, bỏng, bệnh đường ruột, đau mắt, kem xoa mặt… 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem