Về Tịnh Biên nhớ ăn bánh canh Vĩnh Trung

Bài và ảnh: Ba Cần Thơ Thứ sáu, ngày 30/01/2015 12:28 PM (GMT+7)
Đúng hẹn lại lên, cứ vào những ngày lễ hội lớn, chúng tôi - 4 phượt thủ - thường cùng nhau tổ chức một chuyến “du lịch bụi” lên núi Cấm thưởng ngoạn cảnh non nước hữu tình, cũng như khám phá những món ăn dân dã đặc trưng vùng biên cương của Tổ quốc.
Bình luận 0
Trong sổ tay “địa chỉ đỏ” của mỗi người, chẳng biết có “đồng khí tương cầu” không, mà trong sổ tất cả mọi người đều ghi món “Bánh canh Vĩnh Trung” là điểm nhấn; kế đến là các món khác như: mắm thái, mắm lóc, khô bò, khô rắn, và các sản phẩm từ trái thốt nốt (đường, bánh thốt nốt)..v.v…

Xuất phát từ Cần Thơ, đến trưa khoảng 12 giờ chúng tôi đến Tri Tôn. Dừng xe nơi chợ xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên – An Giang) nghỉ ngơi và ăn uống. Đập vào mắt chúng tôi lúc này là 2 bên đường hàng quán san sát, trong đó có nhiều bảng hiệu “Bánh canh Vĩnh Trung” khiến mọi người hoa cả mắt không biết điểm nào ngon nhất mà tạt vào!. Cuối cùng, cả bọn “thử thời vận” vào quán có cái tên nghe thật gợi cảm đối với cánh đàn ông là “Bánh canh Vĩnh Trung - Mỹ Tiên”.
img
Tô bánh canh Vĩnh Trung thơm lừng với màu sắc hài hòa và bắt mắt.

Sau khi an tọa, cả bọn kêu 4 tô. Đợi khoảng 10 phút, chủ quán vui vẻ và nhanh nhẹn mang ra đặt ngay ngắn trên bàn, kèm các phụ liệu: giá sống, hẹ tương xay, nước tương, nước mắm, ớt băm, trái trúc (*) xắt miếng để ra dĩa.

Cảm nhận ban đầu khi nhìn tô bánh canh phối hợp rất hài hòa các màu sắc. Màu trắng đục mềm mại của những cọng bánh canh, của cá lóc luộc; màu xam xám của thịt bò viên, màu vàng của những lát chả cá, trộng thật bắt mắt!. Tất cả hòa quyện sóng sánh trong tô nước dùng màu trắng trong; điểm xuyết vào đó là màu xanh của lá hành xắt nhuyễn, màu trắng nõn của đầu hành như mời gọi. Mệt nhoài vì đường xa cộng với bụng đói cồn cào vì quá trưa khiến chúng tôi không ai cưỡng được cơn thèm và  thưởng thức ngay!.

Dùng muỗng múc viên thịt bò đưa lên miệng nhai chậm rãi…Vị ngọt thơm, dai của thịt, cay cay của tiêu hạt thấm đẵm mọi giác quan…Tiếp đến, gắp cọng bánh canh trắng mềm mại cùng miếng thịt cá, chả cá nhai tiếp, cảm nhận được một hương vị ngọt, dai, béo đặc trưng  của bánh, của cá không lẫn vào đâu được. Cuối cùng, múc muỗng nước dùng “húp” một cái, thật là “danh bất hư truyền!”…

Sau khi thưởng thức xong và tính tiền, chúng tôi không quên lời cám ơn chủ quán về món ăn tuyệt vời nầy, và qua đó nhờ chủ quán chia sẻ cách chế biến.

“ Khi nói đến món bánh canh, có người nghĩ ở đâu thì cũng vậy mà thôi, không có gì khác nhau. Duy theo tôi (lời chủ quán) – nếu thưởng thức qua ở nhiều địa phương khác, chúng ta sẽ thấy bánh canh nơi đây có sự khác biệt. Đó là các nguyên liệu được chọn lọc một cách nghiêm cẩn, và có những bí quyết riêng để đảm bảo chất lượng: Bột bánh được làm từ một thứ gạo đặc sản (gạo Nàng Nhen, của người Khmer vùng Bảy Núi), chất lương cao vì lúa được trồng trên vùng bán sơn địa; nước làm bánh là nước giếng đào nên sợi bánh có độ dai, ngọt tự nhiên; cọng bánh hình dẹp, dai không lẫn với những nơi khác (hình tròn). Riêng nước dùng (nước súp) hầm từ xương heo, khô mực và tôm khô.v..v..(không dùng bột ngọt). Cá là cá lóc đồng “chính hiệu” thịt dai không nhão, tanh như cá lóc nuôi; còn thịt bò Châu Đốc thì “khỏi phải chê” nổi danh cả nước, bò viên nguyên chất không pha tạp…”
 

Vậy bạn còn chần chờ gì, hãy tham gia “tour” du lịch Châu Đốc (An Giang) để thưởng ngoạn những di tích lịch sử, phong cảnh hữu tình; qua đó khám phá món bánh canh Vĩnh Trung, và các đặc sản của vùng Thất Sơn huyền bí nầy!.

(*) Trái trúc: (còn gọi là Chúc?). Đặc sản ở Tri Tôn, hình dáng giống như trái chanh, da sần sùi như trái cam sành, có vị chua thanh, và mùi thơm rất đặc trưng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem