Nếu là tôi, tôi có đạp đổ cổng trường?

Thứ ba, ngày 15/05/2012 13:10 PM (GMT+7)
Dân Việt - Mấy ngày hôm nay, báo chí liên tục đưa thông tin và hình ảnh cánh cổng trường THCS Thực nghiệm (Liễu Giai, Hà Nội) bị đạp đổ bởi nhiều bậc cha mẹ khát khao tìm một “suất” học tử tế cho cho con. Tôi không thể không đặt câu hỏi: “Nếu là tôi, tôi có làm như thế không?”
Bình luận 0

Tôi có 2 con nhỏ, cả 2 đứa năm nay đều vào đầu cấp cấp (1 cháu vào lớp 1, 1 cháu vào lớp 6) nên chọn trường đang là vấn đề làm tôi đau đầu. Cháu năm nay vào lớp 6 thì từ hồi lớp 1, tôi cho học trường tiểu học gần nhà (ở Hà Đông). Trường này hồi con tôi vào học còn khá sập xệ, giờ đã xây dựng khang trang nên về cơ bản chỗ chạy nhảy chơi đùa cho các cháu cũng thoải mái.

img
 

Điều đáng nói nhất là cách dạy và học, nó có lẽ cũng là đại diện tiêu biểu cho cách dạy áp đặt và bắt trẻ con tư duy theo lối học vẹt. Bao trùm lên tất cả, tôi cảm thấy cả giáo viên và trẻ đang bị sức ép quá lớn của bệnh thành tích, vốn là căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục.

Từ khi con tôi viết những chữ đầu tiên, viết những bài văn đầu tiên, khi liên lạc với cô giáo, tôi thường nghe cô phàn nàn con tôi viết xấu quá, chậm quá (!), trong khi lẽ ra việc của cháu tới lớp là học chữ, và quá trình học thì phải từ chậm tới nhanh. Sau đó là những bài văn, ban đầu cháu còn viết những chữ cháu thích, những hình ảnh ngộ nghĩnh và chân thật.

Ví dụ như: “mẹ em cao lớn, tóc ngắn (…). Mỗi khi em nghịch, mẹ thường quát rất to”. Thì bài văn sau tả mẹ, con tôi viết: “mẹ em mắt tròn đen láy, tóc dài”. Tôi hỏi: “Con tả mẹ nào đấy?”, thì được trả lời: “Đây là bài văn cô hướng dẫn làm. Các bạn khác cũng viết thế”. Rồi bài viết tả mùa xuân, mùa hạ… bài nào cũng bắt đầu bằng câu: “Trong 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, em thích nhất là mùa… “- kết thúc là: “Em rất yêu mùa…”.

Ở nhà, tôi hoài công hướng dẫn cháu viết những bài văn cháu thích, thậm chí tả mùa hè, bố cháu còn dừng rất lâu trước cây phượng vĩ, cây bằng lăng để cháu quan sát kỹ và tả. Rồi những chuyến đưa cháu đi chơi ngoại ô, cho quan sát con gà, con vịt, trâu bò, cánh đồng lúa… để cháu có những khái niệm, hình ảnh. Nhưng vào bài văn của cháu, nhiều điều đó biến mất hết, thay vào đó là những bài viết vô hồn 6-8 câu, giống hệt nhau.

Vậy mà những bài viết ấy lúc nào cũng được 9,10 điểm (trong khi những bài viết chân thật, cô toàn bắt viết lại, hoặc được 5,6 điểm). Tôi vẫn nói với con tôi, tôi thích điểm 5, điểm 6 mà chân thật, còn hơn điểm 10 mà nói dối, thì cháu bảo: “Không viết thế, không đựơc học sinh giỏi đâu mẹ ơi”.

Kỳ kiểm tra giữa kỳ vừa qua, cô giáo thảng thốt gọi điện cho tôi, thông báo con tôi là 1 trong 3 bạn có điểm kiểm tra thấp nhất lớp. Tôi nghe tưởng điểm 1,2, và chưng hửng khi cô nói: “Con chị có 3 điểm 8, 1 điểm 9. Nếu thi học kỳ mà thế này thì không đạt học sinh giỏi đâu”.

Cuối năm, năm nào con tôi cũng đạt học sinh giỏi, đi họp phụ huynh cô giáo rất tự hào: “năm nay lớp ta 80-90% bạn đạt học sinh giỏi, đứng nhất khối, nhất trường. Các lớp khác thì a,b,c…”. Có góp ý với cô, cô còn nhìn tôi như người hành tinh khác (với hàm ý: tôi dạy con chị đạt học sinh giỏi mà chị vẫn không hài lòng à?). Các phụ huynh khác thì có người không để ý, có người tặc lưỡi cho qua (như tôi)

Từ quá trình học của con, tôi cảm thấy thương xót cho thế hệ trẻ, bị triệt tiêu sự sáng tạo, cảm nhận (vốn rất cần thiết trong quá trình phát triển nhân cách), bị dạy nói dối (với những bài viết phi thực tế). Nếu bố mẹ quan tâm thì con còn có chút lĩnh hội từ các kênh giáo dục khác, nếu bố mẹ mặc kệ nhà trường, thì không rõ trẻ sẽ lớn lên như thế nào?

Cho nên, với đứa con thứ 2, tôi không muốn con đi vào “vết xe đổ” của đứa thứ nhất. Tôi muốn con tôi viết được những bài văn chân thật, hồn nhiên- dù bài văn đó thế nào cũng phải được tôn trọng. Tôi muốn con tôi hiểu giá trị của điểm 2-3 (từ những bài toán sai, bài viết lạc đề chẳng hạn, để cháu học những bài học về sự sai lầm) chứ không chỉ lừa phỉnh nhau bằng những điểm 9, điểm 10. Tôi muốn con tôi được học mà chơi, phát triển các năng khiếu, sở trường của cháu. Với mong muốn như vậy, có lẽ môi trường như ở trường THCS Thực nghiệm là khá phù hợp.

Tuy nhiên, nếu là tôi, tôi không đứng ở trong đám đông ấy - đám đông cố giành những cơ hội (được cho là dạy tốt, học tốt) ít ỏi cho con mình. Tôi sẽ đứng ở phía các bậc cha mẹ mong muốn có một nền giáo dục bình đẳng với mọi trẻ em, muốn mô hình học tốt được nhân rộng. Nhưng có vẻ như sự mong muốn này của tôi quá xa vời!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem