Ngang nhiên xâm hại di tích: Mất di tích vì... ai cũng có quyền

Bùi Mỵ (thực hiện) Thứ bảy, ngày 10/10/2015 08:01 AM (GMT+7)
“Ai cũng có quyền nhất định trong việc ứng xử với di tích, kết quả chỉ lãng đi một chút là di tích bị biến đổi. Các nhà hảo tâm, người trụ trì luôn có xu hướng phá tan di tích cổ và xây mới hoàn toàn” - nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng trao đổi với PV NTNN.
Bình luận 0

Theo Sở VHTTDL TP.Hà Nội, trên địa bàn có 2.000 di tích được xếp hạng. Tuy nhiên, trong số đó có đến hơn 400 di tích đang bị xâm hại với nhiều hình thức khác nhau. Theo ông, những số liệu thống kê trên nói lên điều gì?

- Tôi chưa nắm được cụ thể con số hơn 400 di tích trên tổng số 2.000 di tích ở Hà Nội đang bị xâm hại. Tuy nhiên, thực chất của việc xâm hại di tích có nghĩa là tình trạng di sản không còn được tôn trọng, gìn giữ nguyên giá trị như nó trong quá khứ. Việc xâm hại ở đây tất nhiên là nói về con người dù vô ý hay hữu ý làm hỏng di tích truyền thống, ngoại trừ các yếu tố tự nhiên.

img

Cây đa trong khuôn viên di tích đình và chùa La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) được công nhận cây di sản quốc gia bị xe cộ, hàng quán của người dân che lấn. Ảnh: Bùi Mỵ

Theo những gì tôi quan sát, hầu hết các đình, đền, chùa ở Hà Nội đã bị sửa chữa không theo quy hoạch và khuôn khổ cũ, phần lớn được phá đi xây mới, cũng như cái cũ và cái mới chồng chéo lên nhau trong cùng một kiến trúc. Bên cạnh đó là tình trạng người dân lấn đất di tích để ở, trộm cắp đồ thờ, tượng Phật và ngay cả bản thân những người trông nom các di tích cũng đã tu sửa nó theo kiểu làm mới. Có thể lấy ví dụ điển hình là chùa Lý Quốc Sư (phố Lý Quốc Sư) và chùa Bà Đá (phố Nhà Thờ).  Những ngôi chùa cổ này vốn rất đẹp và thanh nhã, không có gì liên quan với việc mở rộng hiện tại.

Thực chất, có thể nói 100% các di tích đang bị xâm hại ở các mức độ khác nhau, nặng thì như chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), nhẹ thì như chùa Trấn Quốc (đường Thanh Niên). Ta có thể thấy hàng loạt đình, đền, chùa ven hồ Tây đã và đang được “tân thời hóa” hoàn toàn.

Vậy theo ông, việc di tích bị xâm hại bắt nguồn từ cách quản lý  thiếu hiệu quả hay từ nguyên nhân nào khác?

-Bảo vệ di sản văn hóa truyền thống và hoạt động tín ngưỡng hiện tại vốn không có giải pháp thích hợp. Việc bảo vệ luôn có xu hướng giữ nguyên tình trạng quá khứ, nhưng để bảo tồn đúng như thế không dễ và chúng ta cũng không đào tạo thợ thuyền am hiểu việc trùng tu mà chỉ tuyển tự nhiên thợ từ các làng nghề, kinh phí trùng tu cũng hạn hẹp.

Phân cấp quản lý di tích thì chồng chéo. Sở VHTTDL, Bộ VHTTDL, ban di tích địa phương, người tu hành trực tiếp sống trong di tích… ai cũng có quyền nhất định trong việc ứng xử với di tích. Kết quả chỉ lãng đi một chút là di tích bị biến đổi.

Điều chúng ta lạ lùng nhất là sự đối xử di sản văn hóa của các nhà hảo tâm, người trụ trì luôn có xu hướng phá tan di tích cổ và xây mới hoàn toàn. Người ta đặt cái danh vọng cá nhân và khoe khoang công đức của mình lên trên các giá trị văn hóa truyền thống.

Nhiều khi các di tích bị xập xệ, thậm chí có nguy cơ sập đổ, bị xâm lấn đến mức độ nghiêm trọng thành “sự đã rồi” thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Vì vậy, hầu như các di tích chỉ được “tiếp sức” khi đã chẳng còn gì?

- Chúng tôi từng nói nhiều về vấn đề này trên các phương tiện truyền thông là vai trò của người tu hành chỉ nên giới hạn ở thực hiện tín ngưỡng chứ không được quyền sở hữu di tích. Các di tích phải là các bảo tàng sống được nhà nước bảo vệ, gìn giữ càng nguyên vẹn càng tốt, phải được nhà nước quản lý, tu sửa.

Nhưng do sự quản lý tài chính trùng tu có nhiều bất cập, nhất là việc huy động nguồn vốn xã hội, những người hảo tâm không hề muốn đem tiền cho cơ quan trùng tu để họ tu sửa, mà không biết đồng tiền được sử dụng thế nào.

Kết quả là vốn xã hội, do xã hội tự làm dẫn đến sự mới hóa các di tích. Và không phải cơ quan trùng tu của Bộ VHTTDL không có vấn đề gì. Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến tình trạng đổi mới lấy cũ vẫn diễn ra từng phần trong quá trình trùng tu.

 Thực tế, những di tích chưa được xếp hạng có phần “thiệt thòi” hơn những di sản đã được công nhận. Vậy theo ông cần phải làm gì để bảo vệ, lưu giữ di sản văn hóa vật thể nói chung và những di sản có giá trị ngay cả khi chưa “định vị”?

-Theo tôi, tất cả các di tích cổ, dù ở quy mô nào cũng phải được xếp hạng và bảo vệ ngay. Không thể kéo dài tình trạng di tích cấp quốc gia được chú trọng, di tích cấp địa phương thì tha hồ xâm hại. Mặt khác, cần mở trường đào tạo việc trùng tu, thợ trùng tu. Phía Giáo hội Phật giáo cần chính thức yêu cầu các thành viên của mình tôn trọng di sản cho nguyên bản với giá trị ban đầu.

Xin cảm ơn ông!

Ông Đỗ Văn Thúy- Trưởng phòng VHTT huyện Hoài Đức (Hà Nội): Phân cấp để sát sao di tích

Trên địa bàn huyện chúng tôi có 427 di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng, với các di tích chưa được xếp hạng sẽ được giao về xã quản lý. Vì vậy các xã, thị trấn có những ban quản lý di tích riêng. Ngoài ra còn có các ban khánh tiết của thôn xóm được các người cao tuổi thành lập để bảo vệ di tích được sát sao hơn. Nói như vậy không có nghĩa là huyện khoán trắng mà có sự phân cấp để các đơn vị có trách nhiệm vì di tích nằm trên địa bàn các xã.

TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Để dân tham gia quản lý di sản

Cần phải tạo ra cơ chế riêng để cho người dân tham gia vào việc quản lý di sản. Bởi coi thường ý kiến của người dân trong công tác trùng tu là sai lầm phải trả giá rất đắt, thậm chí bây giờ và sau này không thể khắc phục được. Những giá trị di sản chúng ta đang có được xuất phát từ người dân. Hãy để người dân có sự đóng góp cụ thể để họ thấy được trách nhiệm cần phải giữ gìn vốn quý.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Bài học nhiều nhưng chưa rút kinh nghiệm

 Các vụ xâm hại di tích bây giờ rất nhiều nhưng chúng ta vẫn chưa rút ra được kinh nghiệm. Lỗi do nhiều phía nhưng lớn nhất là do sự nới lỏng quản lý ở các cấp chính quyền để cho vị trụ trì, thủ từ, ban quản lý di tích… tự ý làm những việc chưa được phép hoặc không được phép đối với di tích. Một lý do nữa là khâu thủ tục hành chính còn nhiều bất cập.

An Lương (ghi) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem