Ngập đầu nợ thuế DN ngành xây dựng

Thái Bình Thứ ba, ngày 28/03/2017 19:05 PM (GMT+7)
Cuối quý I, Cục Thuế Hà Nội đăng tải công khai lại các DN nợ thuế, phí tính đến 31.1.2017. Trong đó, danh sách lần này của cơ quan Thuế điểm lại những đơn vị đã bị "chỉ mặt" suốt 2 năm gần nhất (2015-2016). Đáng chú ý, các "con nợ" khủng đa phần đều hoạt động chính (hoặc liên quan) ở lĩnh vực xây dựng.
Bình luận 0

img

Một góc trụ sở công ty CP Tập đoàn điện tử Công nghiệp Việt Nam

Quán quân về nợ thuế, phí thuộc về Công ty CP Tập đoàn điện tử Công nghiệp Việt Nam (75,524 tỷ đồng trong số tổng cộng hơn 2.203,7 tỷ đồng của 262 đơn vị). Được biết, Công ty CP Tập đoàn điện tử công nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm, linh kiện điện tử, điện dân dụng, các loại máy móc và thiết bị văn phòng; Xây dựng các công trình giao thông, công trình kỹ thuật dân dụng; Kinh doanh máy vi tính, các thiết bị điện tử viễn thông, đồ dùng gia đình,..

Còn nhớ, giữa năm 2016, đơn vị này đã nổi lên trong danh sách "chúa Chổm" nợ tiền thuê đất bị Cục Thuế Hà Nội vạch mặt chỉ tên. Cụ thể, danh sách công khai đợt VI năm 2016 nhắc tới 13 dự án nợ tiền thuế đất (hơn 35 tỷ đồng). Trong đó, Công ty CP Tập đoàn điện tử công nghiệp Việt Nam nợ hơn 2 tỷ đồng tại vị trí đất 444 đường Bạch Đằng – đây chính là trụ sở của công ty.

Tháng 11.2016, vẫn là Công ty CP Tập đoàn điện tử công nghiệp Việt Nam bị cơ quan Thuế gõ đầu. Lần này, đơn vị bị liệt vào danh mục 67 đơn vị nợ thuế, phí thuộc hàng “chây ì” kéo dài ở mức độ khủng: nợ tới 74,611 tỷ đồng – xếp thứ 2 chỉ sau Công ty CP Tập đoàn Quang Minh (trụ sở số 1 đường Thanh Niên) với khoản nợ suýt soát 79,5 tỷ đồng...

Tương tự về mức nợ khủng lẫn thời gian nợ kéo dài, là Công ty CP Cơ khí và xây dựng Viglacera (gọi tắt là Cơ khí xây dựng Viglacera). Thuộc "họ" Viglacera, DN này đứng thứ 3 trong danh sách nợ mới nhất (quy mô nợ ngót 58 tỷ đồng). Không quá nổi bật trong giới làm nghề xây dựng (cụ thể là xây lắp dân dụng, sản xuất VLXD), nhưng Cơ khí Xây dựng Viglacera từng được chú ý bởi cung cách trả nợ thuế rất "chống chế".

Cụ thể, giữa năm 2015, sau nhiều lần bị cơ quan chức năng nhắc nhở, Cơ khí Xây dựng Viglacera chỉ nộp vỏn vẹn 11,3 triệu đồng cho tổng số nợ hơn 50 tỷ đồng với cơ quan Thuế Hà Nội (!)

img

Coma 18 vẫn đang cậy nhờ "phao cứu sinh" VIDEC để hoàn thiện những dự án dang dở

Tiếp tục trường hợp của Công ty CP Đầu tư phát triển kỹ nghệ và xây dựng Việt Nam (Techconvina). Đơn vị này hiện khoác núi nợ thuế phí ngót 44,5 tỷ đồng tính đến 31.1.2017. Vốn nổi danh bằng thương hiệu Techconvina từ những năm 2010, đơn vị hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Tư vấn xúc tiến đầu tư; Thi công, xây lắp các công trình Công nghiệp, Nhà cao tầng, Sân Golf, Khu resort và nhà ở dân dụng; Chăm sóc toàn bộ nhà máy; Cung cấp giải pháp, thiết bị nhà thông minh…. Tham chiếu từ website của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho thấy vài thông số cơ bản về DN như sau: Vốn điều lệ 90 tỷ đồng; Số lượng phát hành: 90.000.000 cổ phần; Đăng ký kinh doanh lập ngày 20.1.2005. Đầu tháng 12.2016, Techconvina đứng thứ ba (khoản nợ hơn 43 tỷ đồng) trong tốp 67 DN nợ thuế phí chây ì kéo dài mà Cục Thuế Hà Nội công khai danh tính.

Coma 18 cũng rất đáng chú ý. Theo công bố DN nợ thuế phí mới nhất của Thuế Hà Nội, Coma18 nợ ngót 33 tỷ đồng. Lịch sử gần nhất cho thấy, Coma 18 từng ẩn hiện vai trò phân phối, hợp tác tại khu đất dự án HACC1 Tower (nay là Time Tower Lê Văn Lương) giai đoạn 2014-2015. Đặc biệt, thời điểm tháng 8.2015, bằng nhiều bằng chứng tài liệu thu thập được, cho thấy chiêu trò "bán hàng khi chưa đủ điều kiện pháp lý" tại dự án này.

img

Sau khi giải quyết êm thấm những lình xình ở Riverside Garden, ông Trần Đức Huế vẫn chưa thể hiện rõ vai trò "lèo lái" tại cỗ máy èo uột Coma 18

Năm 2015, kết quả sản xuất kinh doanh lỗ (-38,383 tỷ đồng) được lý giải bởi nước cờ sai của Coma18. Đơn cử, ở dự án Westa (Hà Nội), ban đầu công ty chủ trương xây chung cư cao cấp, giá thành cao. Nhưng sau đó, công ty đã xin điều chỉnh chia nhỏ căn hộ để phù hợp với nhu cầu thị trường – chi phí đầu tư tăng.

Năm 2016, Coma18 thể hiện bộ mặt “èo uột” trên hầu khắp các hoạt động kinh doanh – sản xuất – đầu tư. Tại ĐHĐCĐ 2016 (21/6) của COMA18, theo báo cáo của Ban kiểm soát COMA18, năm 2015, công ty ghi nhận doanh thu dự án nhà ở Westa 58,736 tỷ đồng, lợi nhuận gộp xác định là (-4,894 tỷ đồng). Ngoài ra, COMA18 ghi nhận công nợ tạm ứng lớn (trên 24 tỷ đồng) và nợ nội bộ cao. Đến 31.12.2015, công ty còn nợ thuế tới 35,8 tỷ đồng, có nguy cơ bị phạt do nợ đọng thuế và truy thu thuế.

Chưa hết, “hầu hết các dự án của công ty đều có tổng mức đầu tư lớn, đầu tư dở dang như KCN Kim Thành – Hải Dương, KCN Nhuận Trạch – Hòa Bình và KĐT Nam Dương nhưng do thị trường BĐS và tài chính khó khăn, công ty đã chủ động hoãn, giãn tiến độ để phù hợp với chủ trương của Chính phủ, nhu cầu của thị trường, đồng thời tìm kiếm đối tác chiến lược để hợp tác”. Riêng đối với dự án Westa, dự án không đáp ứng đúng tiến độ do khó khăn về vốn. Dư nợ vay dự án đến 31.12.2015 ghi nhận rất cao, tạo áp lực nặng nề về vốn thi công cũng như trả nợ vay ngân hàng.

Cuối tháng 6.2016, một sự kiện mang tính bản lề với COMA18 diễn ra: TGĐ của công ty CP Đầu tư thiết kế và Xây dựng Việt Nam (VIDEC) trở thành tân Chủ tịch HĐQT của COMA18 nhiệm kỳ 2016-2021. Được biết, ông Trần Đức Huế (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VIDEC) tham gia vào HĐQT COMA18 với tư cách là cổ đông lớn sở hữu 16% vốn COMA18. Gần như ngay lập tức, nhân tố mới đến từ VIDEC đã cụ thể hóa bản báo cáo thực hiện đầu tư 2015 và kế hoạch đầu tư 2016 của COMA18 tại kỳ ĐHĐCĐ. Đặc biệt, các dự án quy mô khủng trong lĩnh vực KCN, hạ tầng của COMA18 hứa hẹn tìm được “dòng vốn mới”...

Lạ rằng, gần 1 năm được "lèo lái" bởi bàn tay của ông Huế - một người rất thành công ở VIDEC với 2 dự án tại quận Thanh Xuân (Star Tower và Riverside Garden), Coma18 vẫn ngoi ngóp trong danh sách nợ đầm đìa với cơ quan chức năng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem