Chuyện cặp vợ chồng nghèo cưu mang bà già neo đơn suốt 20 năm

Tống Huyền Thứ hai, ngày 30/03/2020 09:43 AM (GMT+7)
Đó là câu chuyện về tấm lòng vàng của những người còn nhiều khó khăn nhưng sẵn sàng đưa tay giúp đỡ mảnh đời nghèo khó hơn mình. Biết về họ là dịp để mỗi chúng ta sống chậm lại, suy nghĩ và cảm nhận nhiều hơn cuộc sống xung quanh đầy yêu thương này.
Bình luận 0

Xuất phát từ trụ sở UBND xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) khi mặt trời đã gần đứng bóng, tôi theo chân đoàn công tác của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam huyện đến nhà bà Lường Thị Phanh (dân tộc Thái - là người già có hoàn cảnh neo đơn tại bản Bơn) để trao quỹ hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết.

Ngồi sau "con ngựa sắt" vượt qua con đường đất quanh co trên những triền núi do ông Mùa A Thái, Chủ tịch UBMTTQ xã cầm lái, dưới cái nắng trưa gay gắt của một ngày cuối tháng ba, tôi mới cảm nhận được phần nào nỗi khó khăn vất vả của cán bộ, nhân dân sống và làm việc tại nơi đây.  

img

Bà Lường Thị Phanh (ngồi giữa) trong tình yêu thương của vợ chồng anh Lò Văn Thành và chị Lò Thị Vẻ - những người đã cưu mang, đùm bọc bà suốt 20 năm qua.

Đi hơn 15km đường rừng gập ghềnh toàn đá, hết cheo leo rồi lại thăm thẳm, vượt qua nhiều dòng suối cạn trơ, đầy đá cuội... chúng tôi ngược một đoạn dốc cao mới dừng lại trước ngôi nhà nhỏ mới làm.

Đón chúng tôi là các đồng chí bí thư, trưởng bản, công an viên và đại diện các tổ chức đoàn thể của bản Bơn - xã Tà Hộc. 

img

Dừng xe để nghỉ, nhìn xuống con đường mòn như sợi chỉ vắt vẻo dưới chân núi, tôi không hình dung ra được đó chính là con đường chúng tôi vừa đi qua.

Điều làm tôi cảm động đến rơi nước mắt không chỉ là hoàn cảnh của bà Lường Thị Phanh - người được nhận quỹ hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, mà còn là tấm lòng nhân ái, sẻ chia, yêu thương, đùm bọc của vợ chồng anh Lò Văn Thành (SN 1975) và Lò Thị Vẻ (SN 1976). Hai vợ chồng này đã cưu mang bà Phanh suốt 20 năm qua.

img

Cái lán nhỏ (bên cạnh ngôi nhà mới làm) là nơi ở của bà Lường Thị Phanh trước khi được tặng nhà đại đoàn kết.

Ông Lò Văn Bóng - Bí thư chi bộ bản Bơn cho biết: "Từ lâu lắm rồi vợ chồng bà Phanh đã được vợ chồng anh Thành, chị Vẻ đón về ở cùng. Chồng bà Phanh đã mất lâu rồi, chỉ còn lại mình bà. Nhà anh chị ấy nghèo lắm, gia đình sống bằng hạt lúa, hạt ngô làm được trên nương. Gia đình anh Thành cũng thuộc diện nghèo. Đất ít, nương rẫy khô cằn vì thiếu nước, trồng cây gì, nuôi con gì cũng kém hiệu quả, nên cái ăn của gia đình anh chị như người dân trong bản, đủ ăn là tốt rồi. Đã thế chị Vẻ lại ốm đau, bệnh tật suốt (bị mắc bệnh về thần kinh), nằm viện từ xã, huyện đến tỉnh rồi về bệnh viện trung ương đến mấy năm trời, vừa rồi đỡ bệnh một chút nên nay mới có mặt ở nhà".

img

Anh Lò Văn Thành và bà Lường Thị Phanh  - người phụ nữ neo đơn mà vợ chồng anh Thành đã cưu mang suốt 20 năm qua.

Khi tôi lại gần hỏi chuyện, vợ chồng anh Thành tỏ ra ngại ngùng. Được các cán bộ đoàn thể, chính quyền của bản động viên, anh mới mạnh dạn chia sẻ: "Vợ chồng tôi lấy nhau năm 2000, lúc đó chưa có con cái gì. Thấy ông bà không có con cái, lại ốm đau, vợ chồng tôi thương quá nên bàn với nhau đón ông bà về ở cùng. Nhưng do kinh tế còn khó khăn mà phong tục của chúng tôi không được ở cùng nhà, nên vợ chồng tôi nhờ sự giúp đỡ của anh em trong gia đình và trong bản mỗi người giúp một tay làm cái nhà trong đất vườn nhà tôi để ông bà ở. Lúc ăn uống thì ông bà ăn cùng chúng tôi, khi tối đến sang lán ngủ. Cứ như thế, vợ chồng tôi hàng ngày chăm sóc cho ông bà 20 năm qua".

img

"Từ khi ông mất, bà buồn lắm, khóc suốt. Vợ chồng tôi thương lắm", anh Thành nói.

Khi được hỏi về việc lo cái ăn cái mặc của gia đình và lo cho cả ông bà, anh Thành nói: "Những năm trước vợ chồng tôi cùng hai đứa con và ông bà là 6 người ăn. Mỗi năm gia đình tôi trồng lúa thu được 40 bao thóc, đủ thóc ăn trong vòng nửa năm. Còn lại gia đình tôi trồng ngô bán để mua thêm gạo cho đủ ăn. Như anh chị thấy đấy, cuộc sống gia đình tôi và cả bản đều rất vất vả. Không chỉ nhà tôi đâu, mà người dân trong bản đều sống nhờ vào nương rẫy. Hạt thóc, hạt ngô trồng ở nương đem về, con gà, con vịt thì tự nuôi được một ít, rau đi vào rừng kiếm cái măng, rau rừng… cái ăn từ đấy mà ra. Lúc vào mùa được ăn no, lúc giáp hạt lại ăn đói. Chúng tôi cũng muốn trồng trọt nhiều, nhưng không làm được vì bản chúng tôi cao, thiếu nước, đến nước sinh hoạt còn thiếu, đường đi lại thì khó khăn".

img

Ông Mùa A Thái - Chủ tịch UBMTTQ  xã Tà Hộc trao phần tiền mà một doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã đã gửi tặng bà Lường Thị Phanh.

Ông Mùa A Thái, Chủ tịch UBMTTQ xã Tà Hộc cho biết: "Toàn xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 70%. Bản Bơn lại là một trong những bản nghèo và đường đi lại khó khăn nhất trong xã. Có những năm được mùa ngô, dân bản muốn bán rẻ cũng ít thương lái nào dám vào mua vì đường đi lại quá khó khăn, nguy hiểm, chi phí vận chuyển quá cao, còn những năm mất mùa thì dân bản khổ lắm".

Cùng đoàn công tác của UBMTTQ VN huyện Mai Sơn thực hiện xong thủ tục trao nhận kinh phí hỗ trợ làm nhà cho bà Lường Thị Phanh, trong sự chứng kiến của đại diện xã, bản và vợ chồng anh Thành - người đang giúp đỡ, cưu mang bà, điều làm tôi nhớ mãi là những cái nắm tay không muốn rời, những lời nói chân thành, mộc mạc của vợ chồng anh Thành, chị Vẻ và bà con nơi đây dành cho đoàn công tác: "Chúng tôi cảm ơn Đảng, nhà nước và các cán bộ nhiều lắm. Không có sự giúp đỡ, hỗ trợ như này thì dù có thương bà Phanh đến mấy chúng tôi cũng không thể đủ sức để giúp bà làm được căn nhà kiên cố như thế này".

img

Ông Lê Xuân Hưng - Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Mai Sơn, thay mặt đoàn công tác của huyện, cảm ơn tấm lòng của vợ chồng anh Thành dành cho bà Phanh trước khi chia tay.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem