Nghề chiếu bóng lưu động: Nghiệp vận vào thân, ai nỡ bỏ...

Thanh Hà Thứ sáu, ngày 18/09/2015 08:15 AM (GMT+7)
Các đội chiếu bóng lưu động (CBLĐ) đã không còn ở thời kỳ đỉnh cao, công việc của họ giờ đây âm thầm hơn nhưng vẫn cần cho bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa. Trò chuyện với các anh, vẫn nghe những câu khẳng định chắc nịch: “Chúng tôi sẽ không bỏ nghề”...
Bình luận 0

Mỗi tháng 20 ngày biền biệt

Hơn nửa thế kỷ đồng hành cùng điện ảnh Việt Nam, các đội CBLĐ đã gánh trên vai trọng trách của người truyền tải thông tin, mang văn hóa nghệ thuật đến với vùng sâu vùng xa. Mặc dù hơn 10 năm trở lại đây, CBLĐ không còn ở thời kỳ huy hoàng như trước, bởi đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân đã được nâng lên... Tuy nhiên công việc CBLĐ chưa chấm dứt, những người làm CBLĐ vẫn cần mẫn lên đường với những chuyến đi xa xôi, vượt núi vượt đồi trong những ngày mưa  to, giá rét hay nắng gắt.

img

Đội chiếu bóng chuẩn bị phục vụ người dân bản Nà Đoong, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.  Ảnh: V.H

Gặp anh Nguyễn Văn Vinh- Đội trưởng đội CBLĐ Ba Vì (Hà Nội), mới biết anh đã hơn 30 năm gắn bó với nghề này. Là người cũng yêu điện ảnh nên anh rất thích và tham gia vào đội CBLĐ ngay sau khi giải ngũ. Cho đến giờ anh vẫn cảm thấy việc đưa điện ảnh đến với bà con là một điều hữu ích và cần thiết cho dù gặp rất nhiều khó khăn, khi tiền phụ cấp, chế độ bồi dưỡng không có. Về đời sống riêng, người làm nghề CBLĐ cũng chẳng ai có thể không thể chăm con, phụ giúp vợ bởi thường đi biền biệt 20 ngày mỗi tháng.

“Từ khi TV có hàng chục kênh phát sóng phim, các đội chiếu bóng không còn ở thời kỳ mà bà con háo hức chờ đợi đội chiếu về rồi í ới gọi nhau đi xem từ 15 giờ, dù 19 giờ mới chiếu. Nhưng tôi vẫn cảm thấy vui, thấy hạnh phúc với một công việc dù không mang lại lợi ích kinh tế nhưng vẫn mang đến những kiến thức, hiểu biết xã hội tới người dân”- anh Vinh tâm sự.

Mặc dù ít người xem hơn, nhưng khi đã đến bãi, khán giả vẫn rất thích thú. “Có cụ già khi xem phim “Những người viết huyền thoại” xong ra ôm chầm lấy tôi và bảo: “Con ơi, cụ xem phim này cụ mới biết bộ đội Cụ Hồ ngày xưa gian khổ thế nào”. Tất cả những điều đó khiến tôi xúc động vô cùng và cảm thấy đó là nguồn động viên cho anh em chúng tôi. Bởi thế công việc dù có khó khăn vất vả, ít lương, không có phụ cấp và thậm chí là không có lương tôi vẫn làm” - anh Nguyễn Vinh khẳng định.

Hiện đội chiếu bóng của anh Vinh có 6 người, mỗi năm phải đạt chỉ tiêu 180 suất chiếu, mỗi tháng sẽ chiếu từ 15 - 20 buổi. Mới tháng trước, đội của anh đã chiếu trọn vẹn cả 30 ngày, vì tháng này bà con còn bận gặt lúa và làm màu.

Không phụ cấp vẫn làm

Theo ông Trương Mạnh Hà- Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội, hiện tại lương của anh em đội CBLĐ được trả theo đúng mức lương cơ bản của Nhà nước, mà không có bất kỳ thêm phụ cấp hay chế độ bồi dưỡng nào, chính vì vậy mà họ không đủ sống. Rời khỏi công việc ai cũng phải kiếm thêm việc ở ngoài để làm, người thì về làm nông, người thì bán hàng tạp phẩm giúp vợ, người thì có cửa hàng sửa xe máy...

“Đời sống của những người làm nghề CBLĐ, thật lòng mà nói, nếu ai đó mà không yêu nghề sẽ không làm được. Những ngày trời nắng của mùa hè, thì 16 giờ trời nắng như đổ lửa, nhưng họ vẫn phải ra giữa sân đất hoặc sân bê tông để dựng máy chuẩn bị cho buổi chiếu tối hôm đó”- ông Hà nói. Rất nhiều phụ nữ trong đội CBLĐ đã phải bỏ hoặc chuyển nghề khác bởi vừa không đủ thu nhập nuôi gia đình, lại phải đi biền biệt suốt ngày tháng...

Anh Lương Triệu Tăng- Đội trưởng đội CBLĐ huyện Đồng Văn, Hà Giang cho hay, đội của anh có 3 người. Bình quân mỗi tháng phải chiếu được 15 buổi trên 3 xã, trong đó có những bản xa nhất của Hà Giang là Vần Chải, Lũng Thầu, huyện Đồng Văn. Anh Tăng đã gắn kết đời mình với CBLĐ được 31 năm. “Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm khi cùng cả đội đến bản xa nhất của Hà Giang để chiếu phim tuyên truyền. Nơi đó ô tô, xe máy không thể đến được, chúng tôi phải đi bộ mất cả tháng trời với trang bị không khác bộ đội đi chiến đấu, cũng phải mang chăn, màn, gạo, nước...

Khi đang chiếu phim hết xăng chạy máy nổ, tôi lại phải một mình trở lại huyện để gùi can xăng 20 lít lên. Có hôm trên đường đi gặp thời tiết xấu, phải nghỉ nhờ nhà người dân, họ sẵn sàng nhường cơm, thức ăn cho mình. Điều này khiến tôi xúc động và vô cùng hạnh phúc vì công việc của mình được bà con trân trọng” - anh Tăng tâm sự.

Những người làm nghề đều chung một nỗi niềm, trong thời hiện đại ngày nay, công việc của họ vẫn rất cần thiết bởi nó giúp cho bà con ở các bản làng, thôn xóm rất nhiều. Ví dụ như với những phim tài liệu về xây dựng nông thôn mới, về lao động sản xuất giỏi... bà con đã học tập được nhiều kinh nghiệm hay, áp dụng vào sản xuất. Mong muốn duy nhất của anh Tăng bây giờ là có thêm chế độ bồi dưỡng cho anh em. Hiện tại cả đội đi về thôn bản để phục vụ bà con nhưng không được trả tiền ăn hay đổ xăng, mà phải tự túc hoàn toàn. Nhiều khi ngẫm nghĩ, anh Tăng cũng không khỏi xót xa cho nghề, nhưng rồi lại an ủi mình  “đây là cái nghiệp vận vào thân, không thể bỏ được”. 

  Ông Trương Mạnh Hà cho biết: “3 giờ chiều đi đến 1- 2 giờ  sáng mới về đến nhà. Những ngày trời nắng của mùa hè, thì 16 giờ trời nắng như đổ lửa, nhưng họ vẫn phải ra giữa sân đất hoặc sân bê tông để dựng máy chuẩn bị cho buổi chiếu tối hôm đó”. 

Ông Trần Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai: Nên tăng gấp đôi ngân sách

Đời sống của đội chiếu bóng lưu động quá vất vả, cứ 3 ngày họ phải đi chiếu, những dịp lễ, tết họ sẽ phải đi liên tục đến 20 ngày trong tháng đó. Tiền lương thì ít, chế độ phụ cấp thêm khi họ đi chiếu không có. Tôi nghĩ cần tăng kinh phí đội chiếu bóng lưu động  từ 200 triệu đồng lên 400 triệu đồng/năm, đồng thời trang bị thêm cho đội chiếu bóng lưu động ở vùng cao máy quay phim, cách dàn dựng phim đơn giản, đồng thời đội chiếu bóng lưu động cần bổ trợ những phim tuyên truyền như phim tài liệu, phim điện ảnh bằng cách lồng tiếng dân tộc ở mỗi vùng...

Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Hoạt động gắn kết cộng đồng

Tôi nghĩ ý nghĩa công việc của những đội chiếu bóng lưu động mang đến với bà con không chỉ là phim ảnh giải trí mà còn là những kiến thức về giáo dục, y tế, văn hóa bên ngoài làng bản, thôn, hay của dân tộc họ. Ngoài ra, những buổi chiếu phim đó còn là sự gắn kết những người dân vùng, bản đó với nhau, nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất hữu ích và thiết thực, thay vì nhà nào biết nhà đấy, thanh niên thì không có gì giải trí, dẫn đến tụ tập gây mất trị an. Các đội chiếu mang lại nét văn hóa đẹp và rất văn minh cho các vùng quê.

Ông Trương Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội: Mong mỏi chế độ tốt hơn

Trung tâm chúng tôi đã có văn bản kiến nghị với Sở VHTTDL Hà Nội, Bộ VHTTDL xin tổ chức thêm hai đội nữa mới đủ các đội để đi chiếu bóng lưu động trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chúng tôi đang chờ thông tư mới của Bộ VHTTDL về chế độ chính sách cho những người chiếu bóng lưu động. Hiện nay những người làm chiếu bóng lưu động chỉ có đúng phần lương cứng còn không có bất cứ chế độ bồi dưỡng hay, phụ cấp nào. Điều chúng tôi mong mỏi là Nhà nước sẽ có chế độ đãi ngộ để nâng cao đời sống của những người chiếu bóng lưu động.

Hà Thanh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem