Nghệ sĩ Việt và ảo tưởng đỉnh cao

Chủ nhật, ngày 11/11/2012 13:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngô Thanh Vân và lời tự nhận mình đã đạt đến đỉnh điểm của diễn xuất khi nhận vai diễn trong phim Lửa Phật đã khiến dư luận bức xúc. Dường như, ngày qua ngày, nghệ sĩ Việt càng trở nên tự tin và ngạo mạn.
Bình luận 0

Đó là điều thật khó có thể chấp nhận khi trở thành người của công chúng

“Đỉnh điểm của diễn xuất”

Trả lời câu hỏi có phải Lửa Phật sẽ giúp chị lấy lại biệt danh “đả nữ” của vài năm trước, Ngô Thanh Vân đã không ngại ngần tự khen: “Bao nhiêu năm qua, qua biết bao bộ phim, mọi người đã biết khả năng diễn xuất cũng như tài nghệ hay cái duyên của tôi với điện ảnh như thế nào. Tôi cũng không phải chỉ là “đả nữ” mà còn đi xa hơn trong những bộ phim khác”. Và tiếp ngay sau đó là một phát ngôn đã khiến fan của điện ảnh dậy sóng: “Hiện tại, tôi đã đạt đến đỉnh điểm của diễn xuất”.

img
Ngô Thanh Vân chỉ biết nhìn xuống mà chưa bao giờ nhìn lên

Ngô Thanh Vân chưa bao giờ bị xếp vào hạng nghệ sĩ bất tài. Chị tài năng khi là một quản lý của boyband, điều hành một dự án từ thiện cho trẻ em bị bệnh tim, gây dấu ấn trong nhiều vai diễn, theo đuổi con đường nhạc dance khi còn quá mới mẻ ở Việt Nam.

Chỉ cần vào google, bao nhiêu lời khen tặng dành cho chị vẫn còn đó, nhưng “tự sướng” bằng những phát ngôn kiêu căng có lẽ còn quá xa lạ với văn hóa Việt, và đặc biệt là thể hiện Ngô Thanh Vân chỉ biết nhìn xuống mà chưa bao giờ nhìn lên.

Trước chị, sau chị, ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ có tài năng, nhưng hiếm khi tuyên bố những câu xanh rờn như vậy. Có lẽ, đây sẽ là minh chứng rõ ràng nhất để lý giải vì sao trong nhiều năm qua, dù xinh đẹp, dù tài năng, Ngô Thanh Vân chưa bao giờ trở thành một hình mẫu nghệ sĩ của công chúng.

Trước Ngô Thanh Vân, không hiếm nghệ sĩ đang tự tạo những ảo giác về bản thân. Sống trong sự quan tâm của giới truyền thông, sự “săn lùng” của nhiều trang báo mạng, sự hâm mộ của khán giả, những ánh hào quang ảo của giới showbiz, nhiều nghệ sĩ Việt vì thế ngày càng tự tin quá đà, thậm chí ảo tưởng về tên tuổi và giá trị của mình.

Các nghệ sĩ với các phát ngôn gây sốc, lắm chiêu trò luôn là đối tượng của các trang báo giải trí, bởi chính điều này sẽ mang lại cho trang mạng các lượt xem của người đọc. Cứ phát ngôn sốc, nổ tanh bành thì tần số xuất hiện và độ lan truyền thông tin càng cao. Người đọc quan tâm nhiều, ánh flash chớp nhóa ở các event chĩa vào họ chưa hẳn xác định giá trị thực tế của nghệ sĩ. Thế nhưng, nhiều nghệ sĩ vẫn dựa vào đó để mà tự mê hoặc chính mình.

Không ai gọi mình là số 1 thì mình tự nhận vậy

Đàm Vĩnh Hưng từng là một ví dụ điển hình. Anh từng dám tuyên bố rất liều lĩnh là muốn trở thành một “huyền thoại âm nhạc của Việt Nam” hay “Không đề cử tôi vào danh sách của giải Cống hiến là một sai lầm của nhà tổ chức”. Thậm chí có lần anh còn mạnh miệng “Đám cưới của Hưng sẽ lớn nhất nước, nếu được, sẽ truyền hình trực tiếp trên tivi để chia sẻ niềm vui với khán giả cả nước”.

img
Đàm Vĩnh Hưng muốn trở thành "huyền thoại âm nhạc"

Người càng rèn luyện nhiều để tài giỏi hơn mỗi ngày thì càng ít dám thể hiện bản thân bởi họ đủ tỉnh táo để biết “ngoài trời còn có trời”. Chỉ có những người được tung hô và có được sự thành công đỉnh cao nhờ những chiêu trò thì mới dám có những phát ngôn hoang tưởng như vậy.

Và sự ảo tưởng về giá trị của anh lên cao khi anh đã có lần tuyên bố “đóng cửa” báo chí trong một thời gian. (Tuy nhiên, sự thật là chỉ hai tháng sau, anh lại mời báo chí đến để cung cấp thông tin mới).

Không chỉ dừng lại vài gương mặt nổi bật, nghệ sĩ xứ Bắc như Vượng “râu” cũng từng gây sóng gió. Vượng “râu” không ngại ngần cho rằng: “Ai đứng thứ nhất tôi không biết, nhưng dám khẳng định, Vượng "râu" là số 2, bên cạnh Chiến Thắng ở đất Bắc này. Cái đó tôi đã kiểm chứng. Rạp Tháng 8 Hải Phòng, Rạp 3/2 Nam Định… năm nào cũng mời Vượng "râu" diễn khai rạp, tuy nhiên nhận lời hay không là một vấn đề khác”.

Trong khi đó, một nghệ sĩ xứ Bắc là Lê Minh Sơn, nhạc sĩ nhé, chứ không phải “điếm rẻ tiền” (lời tự giới thiệu của anh) còn bạo gan hơn “27 tuổi đã có những show riêng, điều mà nhiều nhạc sĩ cả đời cũng không làm được. So với các nhạc sĩ trẻ, là tôi ngồi chiếu trên chứ.

Cái vóc của tôi là viết về quê hương đất nước chứ không phải quanh đi quẩn lại cái mấy cái thứ vớ vẩn. Ngoài ra, ở Việt Nam, nếu tôi nhận là tay guitar số 2 thì không ai dám nhận mình là số 1 cả. Nếu tôi có “hoắng” lên, nhận mình là số 1 thì không ai dám nhận mình là số 2 cả, vì khoảng cách khá xa”.

Điều gì đã khiến họ, những nghệ sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ, vốn phải nên thầm lặng cho sự sáng tạo nghệ thuật lại trở nên coi trời bằng vung, khoác lác quá đà cho dù tài năng cũng được công nhận ở một góc độ nào đó? Đối với nhiều nghệ sĩ, xuất hiện trên những trang báo mạng và đĩa lậu tràn ngập là thể hiện đẳng cấp và sự thành công. Có phải hào quang giả tạo làm họ ngụp lặn trong đó và chết đuối lúc nào không hay?

Câu chuyện về sự ảo tưởng, có lẽ, chính những nghệ sĩ trong cuộc sẽ trải nghiệm từ cuộc đời của mình. Cho dù những tấm gương đi trước sẽ chẳng bao giờ phai mờ. Lời thú nhận của Việt Trinh sau nhiều năm tháng trốn chốn thị phi đã khiến nhiều người suy nghĩ “Trước kia, tôi từng “chảnh”, kiêu ngạo vì mọi thứ tôi đạt được dễ dàng quá, giờ tôi biết tôi đang ở đâu”… Và thực sự, nếu biết sớm “tôi đang ở đâu” thì đời nhiều nghệ sĩ không phải quá điêu tàn.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem