Nghỉ lễ: Tự tổ chức vui chơi, vừa vui vừa rẻ

Thứ năm, ngày 02/05/2013 06:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các gia đình, các nhóm bạn... trên nhiều vùng trong cả nước tự tổ chức các tour du lịch; người dân ở nhiều nơi tổ chức “ăn đụng” linh đình vừa vui, vừa rẻ.
Bình luận 0

Vừa rẻ vừa vui

Gia đình anh Hà Hoài Nam, trú tại đường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, Hải Phòng thuộc diện “có điều kiện” đã cùng với 10 gia đình bạn bè thuê một chiếc xe giường nằm đi Đà Nẵng để nghỉ lễ.

img
Khách du lịch tại Hội An

Anh Nam chia sẻ: “Chúng tôi hầu hết là gia đình trẻ, có con nhỏ nên việc thuê hẳn chiếc xe giường nằm để đi du lịch xa là sự lựa chọn hợp lý vì không sợ phải chen chúc hay lỡ chuyến như đi tàu, xe khách ở ngoài. Phòng đã đặt, xe cũng đặt trước nên không phải chịu cảnh chặt chém..”.

Quảng Nam: Du khách tăng gấp 4 lần ngày thường

Ngày 1.5, bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và Du lịch TP. Hội An, cho biết: “Từ ngày 28.4 đến 1.5, lượng khách đến TP.Hội An tăng gấp 4 - 5 lần so với ngày thường. Tính đến ngày 1.5 đã có 32.300 du khách quốc tế và trong nước đến Hội An. Riêng khách đi Cù Lao Chàm trong những ngày lễ là 8.500 khách, tăng gấp 4 lần so với ngày thường. TP.Hội An có hơn 4.300 chỗ lưu trú cho du khách, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trong những ngày lễ, một số du khách đã chọn dịch vụ ở nhà dân.

Ông Nguyễn Công Hường - Trưởng ban Quản lý khu di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết, trong những ngày lễ vừa qua, khu di tích và du lịch Mỹ Sơn đón trên 4.850 lượt du khách trong nước và quốc tế, tăng trên 50% so với ngày thường.

Cùng sợ cảnh chen chúc, chặt chém như gia đình anh Nam, chị Nguyễn Thị Hương ở xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) tổ chức thuê xe cho gia đình đi Đồ Sơn (Hải Phòng) trước ngày nghỉ lễ. Những ngày nghỉ lễ, chị và gia đình tổ chức nấu ăn chung vui.

Chị Hương cho biết: “Vào những dịp lễ, Đồ Sơn và Cát Bà thường đón một lượng khách khá đông nên giá cả có thể đắt gấp 2-3 lần so với ngày thường. Đi vào ngày 28, 29.4, các điểm vui chơi không chen chúc xô bồ, lại được hưởng dịch vụ tốt hơn”.

Sự lo xa của chị Hương không phải là vô lý bởi đúng ngày 30.4, 1.5, Đồ Sơn tổ chức khai mạc “Liên hoan Du lịch Đồ Sơn biển gọi 2013”, tình trạng cháy phòng, đội giá đã xuất hiện. Nơi có niêm yết giá thì treo biển hết phòng. Những nhà nghỉ ở khu vực sâu thì giá cũng không dưới 2 triệu đồng/phòng/ngày đêm.

Tại khu nhà ở ven đồi Khu III, gần khu du lịch quốc tế Hòn Dáu, tuy không phải là biệt thự cao cấp nhưng mức giá lên lới 3,5 triệu đồng/phòng. Nhiều du khách không tìm được chỗ nghỉ nên kế hoạch phải thay đổi.

Góp tiền ăn đụng

Đó là thực tế “tưng bừng” ở một số vùng thuộc huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), Ba Vì (Hà Nội), Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Trước dịp nghỉ lễ, gia đình ông Nguyễn Đức Bằng (xã Châu Sơn, Ba Vì, Hà Nội) cùng 4 gia đình họ hàng tổ chức “đụng” 1 con lợn khoảng 70kg.

Ông Bằng cho biết: “Giá thịt lợn hơi hiện đang rất thấp, chỉ khoảng 34.000 - 35.000 đồng/kg. Nếu thịt 1 con lợn chia ra, giá thịt chỉ ở mức 60.000-65.000 đồng/kg, chưa kể bộ xương, lòng. Chúng tôi rủ nhau đụng lợn, vừa giúp bà con tiêu thụ lợn hơi, vừa tiết kiệm chi phí”.

Việc đụng lợn này, theo đánh giá của ông Bằng là “khiến cho ngày lễ thêm vui” vì các gia đình được tụ họp với nhau, con cái ở xa cũng về chung vui. “Thay vì đi chơi xa vừa mệt vừa bị chặt chém, chúng tôi rủ nhau về các vùng quê chơi. Tôi thấy đây cũng là cách làm hay, vì trẻ con được đắm mình trong không khí quê, thoát ly khỏi máy tính, điện thoại...”- ông Bằng nói.

Ông Lê Hồng Phong - Bí thư Đảng ủy xã cũng thừa nhận thực tế này, trong ngày lễ 30.4, 1.5, trong xã có ít nhất 15-20 nhà tổ chức đụng lợn. “Họ nuôi lợn sạch trong vòng 5-6 tháng rồi tính ngày tổ chức mổ ăn chung. Ngày lễ nhiều khách tới chơi nên họ mổ lợn, vừa tiết kiệm, vừa được ăn lợn sạch”- ông Phong chia sẻ.

Gia đình anh Trần Vũ Tài - bộ đội Bộ Tư lệnh Quân khu III ở quận Kiến An, Hải Phòng tổ chức về quê Nam Định thăm bố mẹ. Theo anh Tài, quê anh ở xa nơi anh công tác, ngày thường khó có thể về thăm bố mẹ. Tranh thủ dịp nghỉ lễ này, anh cùng vợ con vừa là thăm ông bà nội vừa kết hợp nghỉ ngơi lấy lại sức lực sau những ngày làm việc mệt mỏi: “Về thăm gia đình là tôi cảm thấy ý nghĩa nhất”.

Cũng theo anh Tài, khi về quê, các gia đình chơi thân thay phiên nhau tổ chức ăn uống, những bữa tiệc như thế thường rất đông vui. Trẻ con của các gia đình có dịp vui chơi, còn bố mẹ có dịp giao lưu về cuộc sống và công việc, rất bổ ích. Đồng thời, đây cũng là dịp để chị em trổ tài nấu nướng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem