Nghị quyết của Quốc hội đề cập gì về cải cách tiền lương?

PVCT Thứ ba, ngày 27/07/2021 18:10 PM (GMT+7)
Trong nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Tập trung mọi nguồn lực để cải cách tiền lương, triển khai thực hiện từ 01/7/2022; không sử dụng nguồn kết dư từ cải cách tiền lương để sử dụng cho đầu tư và các mục đích khác.
Bình luận 0

Chiều nay (27/7), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Các chỉ tiêu chủ yếu đáng chú ý trong Nghị quyết, như về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD.

Nghị quyết của Quốc hội đề cập gì về cải cách tiền lương? - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết (Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Các chỉ tiêu về xã hội: Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 67 năm; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện bao gồm: Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và an sinh xã hội.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.

Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết của Quốc hội đề cập gì về cải cách tiền lương? - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo.

Ở nhóm giải pháp này, Nghị quyết nêu rõ xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, chuyên nghiệp; xây dựng và thực hiện Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Tiếp tục cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tập trung mọi nguồn lực để cải cách tiền lương, triển khai thực hiện từ 01/7/2022; không sử dụng nguồn kết dư từ cải cách tiền lương để sử dụng cho đầu tư và các mục đích khác. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm thực thi công vụ gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. 

Hoàn thiện quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. 

Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp. Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc phức tạp tồn đọng, kéo dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem