Nghiên cứu mới chứng minh rằng khủng long tiến hóa là nhờ... núi lửa

Thứ bảy, ngày 20/11/2021 14:00 PM (GMT+7)
Nghiên cứu mới cho thấy khủng long có thể đã được hỗ trợ trong quá trình tiến hóa của chúng nhờ vào thời kỳ núi lửa hoạt động mạnh.
Bình luận 0
Nghiên cứu mới chứng minh rằng khủng long tiến hóa là nhờ... núi lửa - Ảnh 1.

Nghiên cứu về hóa thạch và trầm tích thời tiền sử đã mang lại cho các nhà khoa học một bước đột phá (Ảnh: GETTY)

Khủng long sống cách đây từ 66 đến 230 triệu năm trước, qua ba thời kỳ được gọi là kỷ Trias, kỷ Jura và kỷ Phấn trắng. Khủng long có nhiều loài đa dạng như khủng long ăn cỏ, khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex (T-rex) và Velociraptor nhanh nhẹn và tinh ranh.

Khả năng tiến hóa và tuổi thọ cao của những sinh vật này đã khiến các nhà khoa học sửng sốt trong nhiều năm. Chưa bao giờ trong lịch sử có một loài động vật nào tồn tại được khoảng thời gian dài như vậy, thậm chí những hậu duệ thời tiền sử của chúng như cá sấu và rùa biển còn sống sót cho đến ngày nay.

Mới đây, một nghiên cứu mới đã đưa ra bằng chứng giải thích lý do tại sao khủng long có thể sống lâu đến vậy.

Trong cuối kỷ Trias, có một khoảng thời gian được gọi là Giai đoạn Carnian Pluvial (CPE), kéo dài từ 232 đến 234 triệu năm trước.

Trước khi có CPE, siêu lục địa Pangea rất khô cằn, nhưng sau khi CPE ra đời cùng với khí hậu gió mùa đã dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm toàn cầu.

Nghiên cứu mới chứng minh rằng khủng long tiến hóa là nhờ... núi lửa - Ảnh 2.

Khủng long từng tự do lang thang khắp thế giới (Ảnh: GETTY)

Theo ghi nhận từ báo cáo của BBC Science Focus, núi lửa có thể là yếu tố tác động đến sự tiến hóa của khủng long. Bên cạnh đó, sự biến đổi này cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống động thực vật.

Giáo sư Jason Hilton, đồng tác giả của bài báo do một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế tập hợp, nói: "Trong vòng hai triệu năm, đời sống động và thực vật trên thế giới đã trải qua những thay đổi lớn, bao gồm cả sự tuyệt chủng có chọn lọc trong thế giới biển và đa dạng hóa các nhóm cây trồng, vật nuôi trên cạn. Những sự kiện này trùng hợp với một khoảng thời gian đáng kể với lượng mưa dữ dội được gọi là Giai đoạn Carnian Pluvial".

Bằng cách phân tích trầm tích và hồ sơ hóa thạch từ miền bắc Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đề xuất rằng hoạt động của núi lửa có thể đã dẫn đến sự thay đổi khí hậu đáng kể trong thời kỳ CPE.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có bốn sự kiện riêng biệt trong CPE, với mỗi sự kiện được thúc đẩy bởi các xung hoạt động mạnh của núi lửa. Những vụ phun trào này sẽ thải ra một lượng khí carbon dioxide khổng lồ vào bầu khí quyển. Điều này sau đó sẽ tiếp tục gây ra sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm toàn cầu.

Tiến sĩ Emma Dunne, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Birmingham, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với Science Focus: "Khoảng thời gian tương đối dài của hoạt động núi lửa và thay đổi môi trường gây ra những ảnh hưởng đáng kể cho động vật trên cạn. Vào thời điểm này, các loài khủng long mới bắt đầu đa dạng hóa, và có khả năng rằng nếu không có sự kiện này, chúng sẽ không bao giờ có thể thống trị hệ sinh thái Trái đất như chúng ta vẫn biết".

Cũng như khủng long, CPE có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một nhóm thực vật được gọi là cây lá kim. Ngoài ra, nó cũng có tác động rất lớn đến sự tiến hóa của dương xỉ, cá sấu, rùa, côn trùng và động vật có vú thời kỳ đầu.

Tiến sĩ Steve Brusatte, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Edinburgh, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: "Khoảng 232 triệu năm trước, thế giới đã trải qua một đợt mưa lớn và ẩm ướt. Đó là khoảng thời gian khủng long mới bắt đầu xuất hiện và đa dạng hóa. Mặc dù các bằng chứng vẫn mang tính chủ quan, nhưng có lý do để tin rằng sự thay đổi từ điều kiện khô sang ẩm ướt hơn đã giúp kích hoạt sự trỗi dậy của loài khủng long".

Lê Phương (express.co.uk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem