Bên trong nhà máy sấy hồng bằng công nghệ "khủng" của Nhật có gì?

Văn Long Thứ sáu, ngày 22/11/2019 06:15 AM (GMT+7)
Việc đưa vào vận hành nhà máy sấy hồng theo công nghệ mô phỏng khí hậu tại Nhật Bản đã nâng tầm giá trị cũng như thương hiệu hồng sấy của TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).
Bình luận 0

Quy trình thực hiện các công đoạn sấy hồng theo công nghệ mô phỏng khí hậu Nhật Bản ngay tại TP. Đà Lạt.

Hồng sấy gió được xem là đặc sản, là sản phẩm đặc trưng của TP. Đà Lạt. Tuy nhiên, vào thời điểm làm hồng treo từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm đều có mưa, ảnh hưởng rất lớn đến quy trình làm hồng sấy của người dân địa phương. Trăn trở về điều này nên ông Tô Hùng Xô (TP. Đà Lạt) đã quyết định đầu tư tiền tỷ để xây dựng nhà máy hàng ngàn m2 và nhập thiết bị, máy móc của Nhật Bản về để sấy hồng. 

img

Ông Xô (ngoài cùng bên trái) giới thiệu sản phẩm hồng sấy tại nhà máy của mình.

Việc thực hiện quy trình này, thay vì treo hồng và phụ thuộc thời tiết tự nhiên thì ông Xô đã mô phỏng khí hậu của đất nước Nhật Bản để sấy hồng trong nhà xưởng. Ông Kazuharu Ikeda – Quản lý sản xuất nhà máy sấy hồng này cho biết: "Lịch sử của hồng sấy treo tại Nhật Bản đã được 1.000 năm. Hiện nay, hồng sấy treo tại Nhật chủ yếu nằm ở tỉnh Nagano. Công nghệ làm hồng của Nhật Bản được chúng tôi mang đến Việt Nam có tên gọi là Ichidagaki, chất chát bên trong trái hồng có tên gọi là Tamin, trong quá trình sản xuất, công việc của chúng tôi là chuyển hóa làm sao chất chát này dần biến mất, thay vào đó là đường trong trái hồng sẽ xuất hiện và đi ra bề mặt tạo thành một lớp phấn trắng của sản phẩm. Chúng tôi sẽ tạo một dao động sốc đối với trái hồng để tạo được lớp phấn trắng này".

Ông Ikeda cũng cho hay, mùa đông là thời gian làm hồng ở Nhật Bản, thời tiết có nhiệt độ từ 10 - 15 độ C. Ông Ikeda rất bất ngờ về việc mùa làm hồng treo ở Việt Nam khá dài từ 5 - 6 tháng, nhiều hơn ở Nhật Bản rất nhiều. Thế nhưng theo ông Ikeda, trái hồng ở Đà Lạt có chất lượng tương tự tại Nhật Bản nên khi áp dụng công nghệ sấy treo không gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, mỗi công đoạn đều được thực hiện dưới sự kiểm soát chính xác về nhiệt độ, độ ẩm và gió nhờ các thiết bị máy móc hiện đại.

Hiện, nhà máy sấy hồng có diện tích xưởng chế biến trên 3.000m2, công suất tối đa 5 tấn tươi/ngày. Theo thiết kế, ngoài chế biến hồng, mỗi năm nhà máy này chế biến từ 150 - 180 tấn trái cây đặc sản khác.

Cùng phóng viên Báo Dân Việt tham quan quy trình sấy hồng theo công nghệ Nhật Bản tại Lâm Đồng:

img

img

Những trái hồng sau khi thu hoạch được đưa về nhà máy phân loại sau đó được rửa sạch bằng hệ thống tự động.

img

Sau đó, hồng tươi sẽ được đưa vào khu vực khác để gọt vỏ và cuỗng trước khi được các công nhân treo lên giàn.

img

Tiếp theo, những giàn treo hồng sẽ được đưa vào lò sấy khô khoảng 24 tiếng. Ông Ikeda cho biết, điều này giúp cho trái hồng được săn lại và không bị rụng cuống. 

img

Bước tiếp theo, giàn treo hồng tiếp tục được di chuyển đến phòng lạnh có nhiệt độ từ 10 - 15 độ C để treo. Nhiệt độ bên trong phòng được mô phỏng giống như khí hậu thực tế tại đất nước Nhật Bản.

img

Kế tiếp, sau thời gian treo trong phòng lạnh, hồng được đưa vào để tạo dao động sốc giúp cho lượng đường bên trong chuyển thành lớp phấn màu trắng bao quanh bề mặt trái hồng. Quá trình này góp phần làm cho quả hồng đạt đến độ ngọt mà vẫn giữ hương thơm, dẻo.

img

Những trái hồng được phủ một lớp phấn trắng, đủ điều kiện đưa ra thị trường.

img

Trước khi đóng gói, hồng phải trải qua một công đoạn sơ chế, phân loại cuối cùng, phần thừa của cuống trái hồng được loại bỏ.

img

Hồng được cân và chuyển qua công đoạn đóng gói cuối cùng trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.

Ông Xô cho biết, hiện nhà máy vẫn chưa phát huy được hết công suất, tuy nhiên lượng hồng thành phẩm công ty làm ra vẫn không đủ đáp ứng ra bên ngoài thị trường. Sau khi chế biến, giá thành phẩm của hồng treo công nghệ Nhật Bản dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/kg. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem