Làng thủy hải sản khô tấp nập làm hàng Tết

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 18/12/2014 06:43 AM (GMT+7)
Những ngày này, các làng nghề khai thác, sơ chế, chế biến thủy hải sản nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh lại càng trở nên nhộn nhịp, ai cũng tất bật phơi khô, đóng gói các mặt hàng để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Bình luận 0

Những ngày này, dọc theo các con đường thuộc ấp Động Cao và Định An (xã Đông Hải) và khóm 1, khóm 2 (thị trấn Mỹ Long), hầu hết các khu vực đất trống đều đã được người dân địa phương tận dụng để phơi khô hải sản, đi đến đâu cũng thấy mùi thơm rất đặc trưng của các loài cá biển. Bà Lê Thị Lùng – chủ vựa khô Văn Thắng ở khóm 1 (thị trấn Mỹ Long) đang bán khô cho khách, cho biết: “Hiện vựa khô của chúng tôi đang thuê 5 nhân công, thu nhập trung bình mỗi người khoảng 3 triệu đồng/tháng. Bình quân cơ sở tiêu thụ khoảng 300-400kg cá khô các loại/tháng, nhưng những ngày cận tết thì tiêu thụ rất mạnh, vì vậy ai cũng tất bật với công việc. Nhờ làm khô mà cuộc sống của người dân nơi đây cũng rất khỏe”.

img
Người dân làng nghề làm khô thị trấn Mỹ Long tất bật phơi khô cá.     
Theo khảo sát của chúng tôi, các làng nghề cá khô ở Định An và Mỹ Long hiện có rất nhiều loại khô ngon nổi tiếng như cá đù, cá lưỡi trâu, cá khoai, cá phi... và các loại khô tôm, khô mực, với giá bán dao động từ 25.000 –120.000 đồng/kg tùy loại. Ông Lê Thành Đỏ ở khóm 1 (thị trấn Mỹ Long) đã hơn 30 năm đi biển cho biết: “Hiện nay nguồn cá tôm cung ứng cho các làng nghề khô khá ổn định, trung bình một chuyến đi biển (khoảng 15 ngày), tàu của tôi có thể đánh bắt được 4-5 tấn cá, tôm, với giá bán từ 20.000 - 80.000 đồng/kg (tùy loại và kích cỡ), tôi thu lời khoảng 50 - 60 triệu đồng. Dễ bán lắm, cá về bao nhiêu được mua hết bấy nhiêu”.

Theo ông Dương Tiến Hải - chủ cơ sở tôm cá khô Tiến Hải (xã Đông Hải), từ khi địa phương được công nhận là làng nghề, cơ sở của ông đã được hỗ trợ đăng ký thương hiệu cho một số loại khô nên được nhiều người biết đến, được tham dự hội chợ và đã bắt đầu tiêu thụ trong siêu thị. Ông cho biết sắp tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng mặt hàng đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hàng năm các làng nghề ở Định An và Mỹ Long tiêu thụ khoảng 36.000 tấn cá tôm, chế biến được 14.000- 20.000 tấn thành phẩm khô. Để giúp các làng nghề này phát triển ổn định cũng như nâng cao thu nhập cho người dân, UBND tỉnh Trà Vinh đã công nhận 2 làng nghề này với 1.200 hộ dân làm nghề.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đàn – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con làng nghề phát triển quy mô sản xuất cũng như xây dựng thương hiệu, chúng tôi đang kiến nghị các ngành chức năng hỗ trợ cho địa phương 6 tỷ đồng để làm sân bãi và xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem