Nông nghiệp 4.0: Đã đến lúc nông dân "về hưu" sớm để máy móc làm việc

Thứ năm, ngày 22/03/2018 12:19 PM (GMT+7)
Chuyên gia thị trường Trần Anh Tuấn nói rằng: “Nông dân có thể áp dụng tư duy 4.0 để tiếp thị tài nguyên bản địa”. Điều này đáng suy nghĩ lắm. Hãy ngồi xuống, rồi nghĩ cho kỹ.
Bình luận 0

Tư duy kinh doanh 4.0 đâu chỉ đề cao vai trò công nghệ. Nó còn là triết lý kinh doanh coi trọng con người, coi trọng môi trường và tận dụng hết khả năng của công nghệ để phục vụ con người. Thật vậy, bằng trí tuệ nhân tạo và khai thác dữ liệu lớn, nó giúp ta hiểu hành vi, thái độ, nhu cầu từng con người trong một tổng thể từng nhóm người, từng cộng đồng lớn hơn để đáp ứng sát nhất, thiết thực nhất. Ứng dụng công nghệ 4.0 để nghiên cứu, sản xuất và chế biến tài nguyên bản địa là lợi thế cạnh tranh của nhiều nhà kinh doanh Việt đang theo, như Vinamilk, TH True Milk, Vinamit, Trung An, Lương Quới, Betrimex, Co.op Organic… nhưng không thể không chú tâm việc ứng dụng 4.0 trong tiếp thị, bán hàng, xây dựng thương hiệu.

Tiếp thị kỹ thuật số vào kinh doanh

Tôi có một số ví dụ. Việc tạo nội dung tiếp thị và xây dựng thương hiệu “con mắm An Giang” là một ví dụ thú vị khi xây dựng lợi ích và giá trị độc nhất theo thang nhu cầu Maslow, tương ứng cho từng giai đoạn marketing từ 1.0, 2.0, 3.0 và 4.0, từ đó giúp điều chỉnh các yếu tố 4P, 4C, định vị, câu chuyện thương hiệu, trải nghiệm, giải pháp, truyền thông phù hợp với hành vi tiêu dùng mới của xã hội… nhằm tăng cường sức thu hút của…con mắm!

Người Việt “nghiện” mắm, đi xa vài ngày là nhớ nước mắm, thèm lẩu mắm không chỉ vì nhu cầu ăn ngon, bây giờ họ còn chú ý tính an toàn và yên tâm cho sức khoẻ (mắm sạch, độ mặn phù hợp), tính tiện lợi (thay vì bưng xách mấy con mắm lỉnh kỉnh đậm mùi), tính kết nối và duy trì tình thân bạn bè, tình cảm gia đình, cả sự tự hào bản thân vì tài năng nấu nướng và tính gắn kết với đồng hương, xứ sở…

Nước mắm TP Foods vừa được FDA cấp phép sản xuất ngay tại Mỹ, thực ra cũng phải dùng cá đánh từ biển Phú Quốc Việt Nam (Mỹ làm gì có cá thích hợp để làm nước mắm truyền thống Việt?) và làm bán thành phẩm đảm bảo đúng chuẩn chất FDA từ Việt Nam, rồi mới xuất “bán thành phẩm” qua Mỹ.

Đích đến sau cùng là làm thế nào để giúp sản phẩm địa phương gia tăng giá trị, tính độc đáo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng theo sở thích riêng, đồng thời thu hút người tiêu dùng hứng thú và chủ động tham gia đóng góp vào quá trình sáng tạo và trải nghiệm thương hiệu từ kênh truyền thống đến online. Dải ứng dụng 4.0 vào nông nghiệp Việt đang ngày càng dài ra, với sự tham gia của những chuyên gia công nghệ và thị trường.

img

Hình ảnh trích từ tạp chí thời trang của nông dân trẻ Pháp.

Tại cuộc trò chuyện với đại diện hội Phụ nữ và hội Nông dân Đồng Tháp cuối tuần rồi, có ý kiến: “tự hào khi phụ nữ làm được tất cả mọi việc đồng áng như đàn ông”. Tôi không thấy vui lắm với điều này. Nếu phụ nữ tự lái máy cày, vác lúa chạy ngời ngời có gì hấp dẫn? Mà đàn ông đâu thay được họ trong phát hiện khẩu vị tinh tế của gia đình để đưa ra các sản phẩm mới, hay đưa ra bí truyền khiến thực phẩm thật độc đáo, thật ngon hương vị địa phương? Chỉ có điều nhận diện các sản phẩm mới, như chả cá thác lác, từ cách làm: lóc xương pha chế gia vị rồi đưa vào bên trong da cá như con cá còn nguyên thực ra đã thành ra món chả cá dai, vừa miệng; hay như món mứt dừa ngũ sắc, bánh tét lá cẩm nhân trứng muối “thần thánh” là đặc tài của các chị, bây giờ phải nhờ tới công nghệ để đo tiêu chuẩn chất lượng, để chế biến và bảo quản… Những việc không dành riêng cho phụ nữ.

Các nhà nghiên cứu, chắc đa số là quý ông sẽ giúp ứng dụng công nghệ trong “chuyển đổi kỹ thuật số” cho nông sản Việt. Không có công nghệ “sấy lạnh” thay cho sấy gia nhiệt sao có yaourt đông khô ngon tuyệt vời của Vinamit, làm say mê khách hàng dịp tết mới đây, hay làm sao có dầu dừa trắng tinh xức tóc, làm massage thật vi diệu cho các chị làm đẹp?

Vượt qua nỗi sợ chính mình

Nỗi lo cạnh tranh với thế giới đã ám ảnh các nhà sản xuất kinh doanh nông sản từ lâu, nay hình như có những lời giải gần gụi, công nghiệp 4.0. Tôi nhớ mười năm trước, khi đưa 30 nhà sản xuất đặc sản An Giang về thăm các shop bán quà tặng mỹ nghệ cho khách du lịch. Khi đưa lụa Tân Châu ra, chủ một cửa hàng lớn đem tấm lụa Thái đặt bên cạnh, rồi nói: “Xét về màu, hoa văn và độ mềm, mình có phần yếu hơn”. Từ nay, khi ngồi dệt ở Tân Châu các chị đừng quên so sánh với thợ dệt Bangkok. Không biết thì phải tìm hiểu, phải làm hay hơn khách mới mua. Trên xe đi về, chị bán lụa chép miệng: “kiểu này chắc bỏ nghề quá, biết họ ở đâu mà cạnh tranh”. Biết những đối thủ cạnh tranh của mình ở đâu, họ đang làm gì? Dễ quá, hỏi ông Gúc Gồ ra hết. Con cái các anh chị bây giờ xử mấy phần mềm đó nhoay nhoáy.

img

Hình ảnh trích từ tạp chí thời trang của nông dân trẻ Pháp.

Chiều thứ ba ngày 13.3.2018, 12 doanh nghiệp hữu cơ Việt ngồi họp ở văn phòng BSA với thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, về việc chuẩn bị đoàn triển lãm, chào hàng hữu cơ tại chợ đầu mối Rungis (Pháp) vào tháng 6 tới. Đem hàng tới tận nhà họ, lấy ra khoe, phải đủ tự tin là không ngán gì sản phẩm của Pháp và các nước mới có thể cạnh tranh.

Tôi có một tài liệu ấn tượng. Cuốn tạp chí thời trang của nông dân trẻ Pháp. Có tạp chí bán trên thị trường là đã có thị trường. Họ quan tâm gì? Cũng giày bốt, áo quần jeans bụi bặm nhưng trên tay, trên đầu họ là drone (máy bay không người lái), là AR (thiết bị thực tế ảo), là tai nghe điện tử… Cùng với hình ảnh là những bài ngắn giới thiệu về “lớp trẻ mới hiện đại của nhà quê Pháp”. Những ông bà chủ trẻ mới nông thôn… Đó, chúng ta cạnh tranh với họ. Sẽ cùng cạnh tranh về tiêu chuẩn, chất lượng, tính dễ truy xuất nguốn gốc, công nghệ bảo quản, chế biến. Nhưng còn một thứ mà ta “độc bá võ lâm”: đặc điểm bản địa của nông sản nhiệt đới: xoài cát Hoà Lộc, quýt hồng Lai Vung, vú sữa Lò Rèn, hạt điều Bình Phước, thanh long Bình Thuận, Long An… với công nghệ bảo quản và chế biến 4.0.

“Nông dân có thể áp dụng tư duy 4.0 để tiếp thị tài nguyên bản địa”. Điều này đáng suy nghĩ lắm. Hãy ngồi xuống, rồi nghĩ cho kỹ. Tư duy 4.0 đâu chỉ đề cao vai trò công nghệ.

Đồng hành để người nông dân bỏ qua ám ảnh phải cạnh tranh cùng những đối thủ giấu mặt đáng sợ, họ chỉ gắng sản xuất ra những sản phẩm hữu cơ, an toàn, còn lại là công việc của các nhà quản trị, kinh doanh với lợi thế ứng dụng 4.0. Khi đem nông sản tươi và chế biến qua Rungis, đối thủ của nông dân mình chính là những nông dân trẻ dễ thương của nước Pháp. Nếu chúng ta biết cách cạnh tranh sẽ không còn sợ họ, mà còn thấy họ dễ thương nữa chứ.

Kim Hạnh (Thế giới tiếp thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem