Người Nhật không phải trữ hàng Nhật khi đến TP.HCM

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 14/12/2021 14:01 PM (GMT+7)
Cách đây khoảng 10 năm, người Nhật đến TP.HCM phải mang theo nhiều thực phẩm Nhật để dự trữ, nhưng bây giờ thì việc này không cần nữa.
Bình luận 0

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH) tại TP.HCM khẳng định thông tin trên tại sự kiện "Kỷ niệm 20 năm Hội nghị bàn tròn Nhật Bản tại TP.HCM", diễn ra ngày 14/12.  

Đây là hoạt động do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cùng với các sở, ban ngành TP và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản phối hợp tổ chức.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật đến TP.HCM

Ông Nakagawa Motohisa - Trưởng ban Môi trường Kinh doanh kiêm Trưởng ban Pháp luật của JCCH, cho biết 10 năm trở lại đây, các siêu thị, trung tâm thương mại Nhật Bản như Aeon, Takashimaya đã có mặt tại nhiều nơi tại TP.HCM.

"Nếu như năm 2011, tôi đến Việt Nam phải mang theo rất nhiều thực phẩm Nhật đến TP.HCM thì bây giờ không cần nữa", ông Nakagawa Motohisa nói.

Người Nhật không phải trữ hàng Nhật khi đến TP.HCM - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại siêu thị Aeon Tân Phú. Ảnh: Hồng Phúc

Theo ông Nakagawa Motohisa, ngay tại TP.HCM, số nhà hàng Nhật Bản với chất lượng sản phẩm, dịch vụ tương đương tại nước Nhật đang có mặt ngày càng nhiều hơn. 

Tại TP.HCM, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng số dự án của nhà đầu tư Nhật Bản là 3.218, bao gồm 1.479 dự án đầu tư trực tiếp và 1.739 trường hợp đầu tư gián tiếp thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. 

Tổng vốn đầu tư đạt 7,419 tỷ USD (chiếm tỷ lệ 10,44% tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn), đứng vị trí thứ 4/116 quốc gia và vùng lãnh thổ về tổng vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn. 

Các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; bất động sản; vận tải-kho bãi…

Chủ tịch JCCH - ông Mizushima Kozo, cho rằng một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư Nhật Bản đến TP.HCM là TP cung cấp nguồn lao động trẻ, dồi dào, mức lương nhìn chung khá thấp so với các nước trong khu vực. 

Người Nhật không phải trữ hàng Nhật khi đến TP.HCM - Ảnh 3.

Nhà bán lẻ thời trang, đồ gia dụng Nhật Bản đang có mặt tại Việt Nam ngày càng nhiều. Ảnh: Hồng Phúc

"TP.HCM đang nổi lên trở thành thị trường tiêu thụ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư với quy mô dân số lớn nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ", ông Mizushima Kozo nói.

Chủ tịch JCCH cũng cho rằng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có nền chính trị ổn định và gần gũi với Nhật Bản. Số người Nhật sinh sống tại TP.HCM tăng nhanh, năm 2015 chỉ hơn 7.000 người thì đến năm 2020 đã gần 12.500 người. Số lượng hội viên của JCCH vượt 1.000 doanh nghiệp, xếp thứ ba trong số các Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài, sau Thượng Hải và Bangkok.

TP.HCM cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, TP.HCM có được thành tựu phát triển mạnh mẽ, trở thành đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% vào GDP và hơn 26% vào ngân sách quốc gia, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng. 

Người Nhật không phải trữ hàng Nhật khi đến TP.HCM - Ảnh 3.

"Kỷ niệm 20 năm Hội nghị bàn tròn Nhật Bản tại TP.HCM" diễn ra tại TP.HCM ngày 14/12. Ảnh: Hồng Phúc

FDI đã trở thành động lực, tạo ra "cú hích" cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM. Riêng đối với dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào TP có sự tăng trưởng ấn tượng dù có nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Qua đó, thể hiện niềm tin của doanh nghiệp FDI Nhật Bản vào sức hút của thị trường Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định chính quyền TP sẽ tiếp tục phối hợp với JCCH thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản với trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới, quan tâm đầu tư vào TP trong những lĩnh vực định hướng ưu tiên. Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, mang lại lợi ích cho các bên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem