“Người rừng" ở Nga: Bị lộ, rồi lại về với rừng

Thứ bảy, ngày 21/09/2013 07:03 AM (GMT+7)
Ở Nga vừa có “người rừng” trở về với dân làng, nhưng chỉ sau vài ngày, anh chàng tóc vàng 20 tuổi Odzhan lại tìm về với rừng núi hoang dã Siberia...
Bình luận 0
Cuộc trở về với xã hội loài người ngắn ngủi của người thanh niên có cái tên gọi Odzhan thu hút sự chú ý của giới truyền thông Nga và quốc tế, gọi anh ta là “Mowgli Siberia”, dựa theo nhân vật chú bé Mowgli được sói cái cho bú trong tiểu tuyết Cuốn sách rừng xanh của nhà văn Ruyard Kipling.
Ảnh Ozdhan và cha mẹ trong túp lều
Ảnh Ozdhan và cha mẹ trong túp lều
Từ bỏ thế giới văn minh

Hãng tin AFP (Pháp) đưa tin dân làng ở gần khu resort Belokurikha (vùng núi Altai ở miền nam Siberia) tìm thấy người thanh niên có tên gọi Odzhan nhưng không rõ tên họ hồi giữa tuần qua. Hóa ra từ lúc anh ta chào đời năm 1993 và sống trong rừng từ năm 1997 khi được 4 tuổi, do cha mẹ anh ta là nhạc sĩ Alexander và họa sĩ Elena từ bỏ cuộc sống xã hội và vào rừng ở, sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Trong rừng vốn cách làng chỉ 3km, Odzhan cùng cha mẹ ngụ trong một túp lều một phòng ngủ. Điều có nghĩa anh ta đã sống trong rừng suốt 16 năm qua. Đến tháng 5.2013, cha mẹ anh ta rời bỏ túp lều và đứa con trai trong rừng rồi không trở lại nữa. Mãi khi mùa hè kết thúc, anh ta mới tìm đến một ngôi làng lân cận để xin giúp đỡ. Một phụ nữ trong làng đưa anh ta đến trình diện chính quyền địa phương, vì bà ta lo ngại anh ta có thể cần sự giúp đỡ để sống qua mùa đông sắp tới. Nhưng sau đó, anh ta lại biến mất vào rừng, có lẽ hiện đang đốn củi chờ đón mùa đông lạnh giá.

Trước đó, lần đầu tiên “Mowgli Siberia” nói chuyện với dân làng Belokurikha, Odzhan cho tờ Siberian Times biết anh ta không thích sống gần người và chỉ ưng túp lều nhỏ của cha mẹ: “Chúng tôi sống khỏe. Thực tế là chúng tôi có cuộc sống ở đây. Dọn về gần thành phố ư, để làm điều đó, chúng tôi cần một xã hội có văn hóa hơn, và dĩ nhiên để thay đổi cuộc sống thì các thành phố phải không ô nhiễm. Tôi sống hạnh phúc ở đây”.

Gia đình anh ta sống qua ngày nhờ bán nấm hoặc các bức tranh do anh ta vẽ cho vài người thợ săn mà họ gặp trong rừng. Một thợ săn kể Alexander từng cho biết Odzhan không phải đi nhà trẻ, không cần đi học ở trường vì “Chúng tôi là những người có học, có văn hóa, có thể dạy con tất cả những gì chúng tôi biết. Tôi không nghĩ việc con không được đi học là một thiệt thòi. Các chương trình học của chúng tôi ngày xưa tốt hơn các chương trình ngày nay. Rộng, sâu, tốt hơn rất nhiều. Con tôi cũng tự học tiếng Anh”.

Rất sợ âm nhạc ngày nay

Odzhan cũng được cha mẹ dạy đọc, viết, thậm chí học được tiếng Anh nhờ có một cuốn tự điển. Odzhan nói anh ta chỉ muốn sử dụng ngoại ngữ này với người Anh: “Tôi đã học tiếng Anh, sử dụng cuốn tự điển với các chữ tiếng Anh có chỉ cách đánh vần và nhấn giọng từng từ. Dĩ nhiên tôi cần thực hành nhiều, phải chi tôi có cơ hội giao tiếp với ai đó không nói tiếng Nga, ít nhất trong một tháng”. Lúc ở với cha mẹ, sau giờ học, Odzhan cũng tập vẽ và đọc các cuốn sách khác. Anh ta kể cha mẹ anh ta muốn đem con trai ra khỏi cuộc sống loài người vì họ muốn con “thông minh, nhân ái và là người đàn ông đích thực”. Cái tên Odzhan có nghĩa “tâm hồn lớn”.

Gia đình “Người rừng” cũng có một chiếc radio để giữ liên lạc với thế giới mà họ từ bỏ. Theo lời kể của một thợ săn, Elena nói: “Sống trong rừng tốt hơn, hạnh phúc hơn sống với nền văn minh. Tôi là nhạc sĩ nhưng tôi buồn và cảm thấy xấu hổ với chất lượng âm nhạc ngày nay. Đó là lý do tôi không muốn trở về với xã hội. Con tôi biết lao động là gì, sáng tạo các công trình là thế nào. Cháu biết đọc, viết từ lúc 5 tuổi một cách tự nhiên”.

Người cha hy vọng Odzhan sẽ trở thành một nghệ sĩ lớn, có thể là một nhà thơ, người mẹ muốn con trở thành một nhà văn, nhưng trên hết, họ ước Odzhan sẽ là một người đàn ông thông minh, nhân ái và là một người đàn ông đích thực.

Để “người rừng” tự do

Sự tồn tại của Odzhan khiến chính quyền địa phương nhức đầu, vì họ chỉ có thể dựa theo lời kể của anh ta để lập giấy khai sinh và thẻ chứng minh nhân dân cho anh ta. Vì lý do này, họ cần xác minh được ngày tháng năm sinh và nơi sinh của anh. Kiểm sát viên Roman Fomin cho biết: Odzhan trông khỏe mạnh và bình thường, nhưng nói chuyện chậm vì anh ta không thường xuyên giao lưu với con người: “Anh ta chỉ sợ không sống qua nổi mùa đông sắp tới mà không có cha mẹ bên cạnh. Nhưng có thể họ đã quay trở lại túp lều của họ trong rừng”.

Các đồng nghiệp của Fomin đã đề nghị tòa án phục hồi các tài liệu nhân thân để “người rừng” có thể tìm sự giúp đỡ của Nhà nước Nga. Nhưng Fomin nói thêm: “Thực tế anh ta thích cuộc sống trong vùng thiên nhiên hoang sơ núi Altai và không muốn trở lại sống giữa mọi người. Tôi không rõ liệu anh ta có cần đến tất cả sự quan tâm này hay không. Chúng tôi không nhắm đến việc đem anh ta trở lại với cuộc sống văn minh. Tôi nghĩ cách anh ta sống trong rừng có thể tốt hơn so với cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ chúng tôi chẳng thể sống nổi trong rừng quá hai tuần. Nhưng chúng tôi chỉ muốn xác minh năm sinh để cấp giấy khai sinh cho anh ta”. Cũng có một số người chọn lối sống trong rừng Siberia vì lý do tôn giáo, nhưng Fomin nói không có lý do này trong cuộc sống của “người rừng”: Gia đình Odzhan chọn lối sống trong rừng theo ý thức của họ.

Fomin cũng cho biết, rằng ông đã quan sát dáng đi của Odzhan, nhận thấy cách bước của anh ta rất khác người “bình thường”. Ông nói: “Có thể nhận thấy ngay anh ta có thể đi bộ đường dài suốt nhiều giờ. Anh ta cho tôi biết anh ta chưa bao giờ đến bệnh viện và không biết chữ “tiêm chủng” có nghĩa là gì. Tôi cho rằng cả đời anh ta chưa hề tiêm chủng phòng bệnh nào, trông anh ta có vẻ chỉ như mới 15, 16 tuổi. Anh ta không được học gì, không có kỹ năng xã hội và không có khái niệm về thế giới bên ngoài cánh rừng”.

Các quan chức chính quyền địa phương giải thích cha mẹ Odzhan không bị buộc tội bỏ rơi con cái, vì anh ta không còn là đứa bé khi họ bỏ con lại trong túp lều. Họ sẽ chỉ bị quy trách nhiệm hình sự nếu đứa trẻ bị tổn hại. Romin nói tội rõ nhất của họ là bỏ bê con cái hoặc ngược đãi con cái, nhưng ngành kiểm sát lại không có được chứng cứ nào. Ông nói có thông tin dân địa phương đã trông thấy cha mẹ Odzhan chuyển đến sống ở đảo Sakhalin trên vùng biển Thái Bình Dương thuộc Nga.

+ Chuyện đời Odzhan giống nhiều vụ những người được tìm thấy ở các vùng hẻo lánh của Siberia, như hồi năm 2004 chú bé 7 tuổi Andrei Tolstyk được tìm thấy sống với đàn chó sau khi bị cha mẹ bỏ rơi. Năm 2007, cô bé Alesha được đàn sói nuôi đã được tìm thấy, nhưng sau đó cô bé trốn thoát khỏi sự bảo vệ của cảnh sát.
+ Việc tìm thấy những “người rừng” Siberia đe dọa sức khỏe loài người, do họ không được tiêm chủng phòng chống các dịch bệnh. Gia đình Lykov từng sống khỏe trong rừng Taiga từ thời Stalin làm lãnh tụ Liên Xô, nhưng nhiều gia đình khác trốn mất tăm sau khi tiếp xúc lại với “thế giới văn minh”, họ được các nhà nghiên cứu địa chất trông thấy họ từ trực thăng. Ngày nay hiện có bà cụ Agafya 69 tuổi sống trong rừng Siberia.
+ Năm 2007, các nhà hoạt động xã hội ở thành phố Volgograd tìm thấy một chú bé 6 tuổi bị mẹ nhốt trong căn hộ. Cậu bé không biết nói, nhưng hót như chim vì cố bắt chước đàn chim sống trong căn hộ với cậu.
+Vụ “Người rừng” Odzhan giống vụ “Cậu bé rừng rú” năm 2012 vừa được cảnh sát Đức phát hiện. Cậu ta tên Ray (người Anh), cùng người cha sống 5 năm trong một cánh rừng Trung Âu. Sau đó Ray phải chôn cha chết đột ngột... Cuộc điều tra cuối cùng phát hiện Ray có tên thật là Robin Van Helsum người Hà Lan, 21 tuổi. Anh ta “dựng chuyện” để trốn nợ chủ nhà và trốn cả cô bạn gái “dính bầu”.

Thế giới & Hội nhập (Theo Thế giới & Hội nhập)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem