Người trồng cây đặc sản ở Hà Tĩnh xót xa khi quả rụng, thối rụng la liệt sau lũ

Tập Thỏa Thứ sáu, ngày 17/11/2023 18:52 PM (GMT+7)
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích cam, bưởi của các xã huyện miền núi Hà Tĩnh ngập sâu trong nước nhiều ngày. Những vườn cam bị nhuốm đầy bùn đất, rụng quả, nhiều cây bị chết sau lũ khiến nông dân có nguy cơ mất trắng.
Bình luận 0

Quả rụng, thối đầy gốc, nông dân kêu trời

Tại Hà Tĩnh có khoảng 7.700 ha diện tích trồng cam, trong đó diện tích cây cam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap khoảng 2.000ha. 

Hà Tĩnh: Nông dân khóc ròng, nguy cơ mất trắng vì cây đặc sản rụng thối quả hàng loạt sau lũ - Ảnh 1.

Hội Nông dân huyện Vũ Quang (Quảng Trị) phối hợp với Công ty TNHH sinh học WAO hướng dẫn hội viên khắc phục. Ảnh: PV

Cây cam được xem là một trong các cây trồng chủ lực, sản phẩm OCOP tiêu biểu, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân các huyện miền núi như: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc…. tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua tại Hà Tĩnh thời tiết mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích cam, bưởi của các xã huyện miền núi Hà Tĩnh ngập sâu trong nước nhiều ngày. 

Nhiều vườn cây ăn quả bị nhuốm đầy bùn đất, rụng quả, nhiều cây bị chết khiến nông dân có nguy cơ mất trắng.

Bận rộn xử lý cam rụng ở vườn tránh lây bệnh cho những cây khỏe hơn, bà Võ Thắm (trú tại xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang) buồn bã: "Gia đình tôi có truyền thống trồng cam đã nhiều năm trên diện tích hơn 2ha. Theo dự tính của gia đình, năm nay cam đạt chất lượng tốt có thể thu về khoảng 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, trận mưa lớn vừa qua khiến vườn cam chúng tôi ngập nhiều ngày trong nước. Nước rút cũng là lúc cam rụng hàng loạt. Nhìn cây cam cả năm chăm sóc, nay đến kỳ thu hoạch lại rụng khiến tôi đau xót".

Hà Tĩnh: Nông dân khóc ròng, nguy cơ mất trắng vì cây đặc sản rụng thối quả hàng loạt sau lũ - Ảnh 2.

Diện tích trồng cam, bưởi của xã huyện miền núi Hà Tĩnh bị ngập chết do ngập lũ. Ảnh: PV

Hà Tĩnh: Nông dân khóc ròng, nguy cơ mất trắng vì cây đặc sản rụng thối quả hàng loạt sau lũ - Ảnh 3.

Gia đình chị Võ Thắm, trú tại xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang thiệt hại lớn vì cam rụng hàng hoạt. Ảnh: PV

Nguy cơ nông dân trắng tay

"Hiện nay cam trong vườn chúng tôi đã rụng 1/3 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trồng cam nhiều năm nhưng chưa khi nào tôi chứng kiến hiện tượng trên. Nguyên nhân có thể do nước ngập khiến nấm bệnh phát triển làm cam rụng", bà Thắm buồn bã nói.

Hà Tĩnh: Nông dân khóc ròng, nguy cơ mất trắng vì cây đặc sản rụng thối quả hàng loạt sau lũ - Ảnh 4.

Nông dân nhanh chóng ra vườn xử lý quả rụng, thối tránh lây lan bệnh nấm. Ảnh: PV

Không riêng gia đình chị Thắm, nhiều gia đình trong xã Quang Thọ (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cũng gặp hiện tượng trên.

Hà Tĩnh: Nông dân khóc ròng, nguy cơ mất trắng vì cây đặc sản rụng thối quả hàng loạt sau lũ - Ảnh 5.

Cam rụng gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế các hộ nông dân. Ảnh: PV

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Tịnh (ở xóm 1, xã Quang Thọ, Vũ Quang) trồng hơn 150 gốc cam đang cho thu hoạch. 

Tuy nhiên, mưa lớn khiến quả trong vườn gia đình ông Tịnh rụng nhiều. Ước tính của gia đình ông Tịnh, mưa lớn khiến gia đình ông rụng, hư hỏng hơn 1 tấn cam, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.

Tại huyện Hương Khê, thời gian qua mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích trồng cây ăn quả ngập sâu nhiều ngày. 

Sau trận lũ, khoảng 540ha cây ăn quả bị ngập, trong đó, 500 ha bưởi Phúc Trạch, 36 ha cam các loại, chủ yếu tập trung ở các xã Hương Trạch (90ha), Lộc Yên (85ha), Hương Xuân (35ha), Phú Gia (15ha), Hương Thủy (115ha), Gia Phố (30ha), Hương Giang (17ha).

Ngay sau khi nước lũ rút, Hội Nông dân huyện Hương Khê phối hợp với Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê đã tổ chức khảo sát thực trạng, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung...

Hai đơn vị cũng phân công cán bộ kỹ thuật, phối hợp với các xã về tận hộ dân, đến các vườn bưởi Phúc Trạch bị ngập lụt để hướng dẫn cho bà con nhân dân cách xử lý nấm bệnh và chăm sóc cây bưởi sau mưa lũ.

Hà Tĩnh: Nông dân khóc ròng, nguy cơ mất trắng vì cây đặc sản rụng thối quả hàng loạt sau lũ - Ảnh 6.

Nông dân khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũ để dưỡng cây, phục vụ tốt cho vụ mùa năm sau. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Trần Thị Hồng Vững- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũ Quang, cho biết. "Trên địa bàn huyện có khoảng gần 1.800 ha diện tích trồng cam (trong đó, hơn 1.500 ha diện tích cho thu hoạch) sản lượng ước tính đạt trên 10.000 tấn/năm. Đây được xem là loại cây đặc sản, chủ lực về phát triển kinh tế của huyện Vũ Quang.

Hiện nay cam Vũ Quang đang bước vào thời điểm sắp thu hoạch thì nhiều diện tích bị rụng gây thiệt hại kinh tế đối với bà con. Để giảm tối đa thiệt hại, giúp bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả do lũ lụt, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành chuyên môn đã xuống các địa phương hướng dẫn xử lý nấm bệnh và chăm sóc cây cam sau mưa lũ".

Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều diện tích cam đã và đang bị rụng quả. Nguyên nhân do thời gian vừa qua mưa lớn kéo dài gây nên hiện tượng úng nước, ẩm độ đất cao, cây bị ảnh hưởng bộ rễ dẫn đến đào thải quả, rụng quả. Đặc biệt là những vườn thấp bằng, những cây trồng sâu gốc; mưa kéo dài cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm, vi khuẩn phát sinh gây hại ... Để hạn chế hiện tượng rụng quả và thiệt hại kinh tế các nhà vườn cần thực hiện một số biện pháp sau:

1. Tiến hành bao bọc những cây, những quả chưa đến độ chín để ngăn ngừa ruồi vàng và ngài chích hút.

2. Đào xẻ rãnh để thoát nước, thoát ẩm cho những cây trồng sâu gốc, những thấp bằng.

3. Tiến hành xử lý chế phẩm nấm đối kháng, kháng nấm vào đất (từ gốc ra tán cây), phun chế phẩm vi sinh kháng nấm lên tán lá. Làm nhắc lại 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày.

4. Những vườn trồng thấp bằng, những cây trồng sâu gốc khó có khả năng phục hồi và hạn chế rụng quả, thì cần chủ động thu hoạch những quả, những cây có khả năng bị rụng để tần thu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem