Nhà báo và doanh nhân - 2 trong 1

Phan Thế Hải Thứ ba, ngày 21/06/2016 13:06 PM (GMT+7)
Muốn trở thành một nhà báo giỏi, phải hiểu doanh nhân và ngược lại: Làm doanh nhân không hiểu báo chí, khó lớn mạnh...
Bình luận 0

Trong cơn lốc toàn cầu hóa, doanh nghiệp muốn tồn tại cần phải khẳng định được mình là ai. Sự nhận biết của công chúng với doanh nghiệp, doanh nhân đồng nghĩa với việc thừa nhận chất lượng hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp đó cung cấp. Sự nhận biết của công chúng với hàng hóa, với doanh nghiệp được gọi là thương hiệu.

img

Tên tuổi doanh nghiệp, doanh nhân được biết đến rộng rãi có sự đóng góp của báo chí.  Ảnh: T.L

Giữa nhà báo với doanh nhân luôn có một khoảng chồng lấn, hai trong một. Muốn thành công, các nhà báo và các doanh nhân thực phải cùng đồng hành với nhau. Sự đồng hành không chỉ giúp cho mỗi bên thành công mà còn cống hiến cho lợi ích chung của đất nước, của cộng đồng…

Doanh nghiệp muốn “quen mặt” hay muốn có “thương hiệu”, phải có sự tham gia của giới truyền thông. Không có truyền thông, việc phát triển của thương hiệu như người vượt đại dương mà không có tàu thuyền.

Trong một thị trường đang được khu vực hóa và toàn cầu hóa, báo chí không chỉ là cơ quan truyền thông, cung cấp những thông tin quan trọng nhất cho doanh nghiệp mà còn là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu, tiếp cận thị trường, phát hiện những nhu cầu xã hội, những cơ hội làm ăn mới, kết nối các đối tác với nhau.

Báo chí cũng là lực lượng truyền thông giúp cho dư luận xã hội hiểu và chia sẻ với hoạt động của doanh nghiệp. Bằng cách tôn vinh doanh nghiệp, báo chí đã góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân trong các tầng lớp xã hội. Những thuật ngữ, định kiến về doanh nghiệp như “con buôn”, “tư thương”, “trục lợi”… ngày càng ít người dùng.

Thay vào đó là những thiện chí, nhưng danh hiệu mà dư luận xã hội dành cho doanh nghiệp, doanh nhân như: Sao vàng Đất Việt; Hàng Việt Nam chất lượng cao, Doanh nhân tiêu biểu…

Báo chí cũng là lực lượng sớm phát hiện thấy những bất hợp lý của cung cách quản lý tập trung, quan liêu bao cấp, đề xuất với Nhà nước sửa đổi chính sách, đưa đất nước hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Trong công cuộc chấn hưng nền kinh tế, hội nhập với thế giới, báo chí là cầu nối quan trọng để doanh nghiệp doanh nhân hiểu thế giới, cũng như thế giới hiểu các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy là người bạn đồng hành, nhưng giữa doanh nghiệp và báo chí không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Không ít những doanh nghiệp với báo chí, có nhiều phen “cơm không lành, canh không ngọt”.

Với sứ mạng cung cấp những thông tin mới nhất cho độc giả, báo chí thường là người hay “chõ mũi” vào chuyện “thâm cung bí sử” của doanh nghiệp. Đặc biệt là những chuyện thiếu rạch ròi, tiêu cực, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Có không ít doanh nghiệp “thân bại danh liệt” chỉ vì bị báo chí phanh phui hoặc bị “đánh hội đồng” của một số tờ báo. Trong khi đó các doanh nghiệp lại vụng về và chưa có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông, vậy là khốn đốn, thậm chí phá sản. Đây là những tác động ngoài mong muốn.

Cũng do trình độ tác nghiệp của phóng viên non kém nên không ít vấn đề báo chí đưa tin thiếu chuẩn xác, không đầy đủ theo kiểu “thầy bói xem voi”. Khen không đúng lúc, chê không đúng nơi làm tổn hại đến uy tín doanh nghiệp.

Cũng có một số phóng viên, nhà báo, lợi dụng ưu thế nghề nghiệp đến quấy rầy doanh nghiệp kiếm chác, xin quảng cáo, trong khi đó không phải doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu.

Đó là lý do để một số doanh nghiệp dị ứng với báo chí!

Sự không hiểu nhau giữa doanh nghiệp và báo chí đã làm tổn hại không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cả cho báo chí. Doanh nghiệp xa lánh báo chí, không chỉ thiếu thông tin mà còn thiếu hẳn một kênh truyền thông quan trọng.

Báo chí xa doanh nghiệp, là xa một tầng lớp năng động nhất, tiên tiến nhất trong xã hội và cũng là xa rời một nguồn thông tin hấp dẫn nhất mà bạn đọc quan tâm. Đó là chưa nói đến việc xa một khách hàng tiềm năng, có sức mua, có khả năng thanh toán.

Trong cơ chế thị trường, các tòa soạn báo đều phải tự biết phải làm gì để thu hút bạn đọc, có như thế mới tăng lượng bạn đọc, tăng lượng phát hành, tăng doanh thu quảng cáo để tự cân đối tài chính. Trong trường hợp này, nhà báo đã là một doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh thông tin.

Với các doanh nghiệp, muốn khách hàng biết đến mình, muốn mở rộng thị phần cũng cần phải biết “khoe khoang”, quảng bá sản phẩm dịch vụ, nghĩa là phải biết truyền thông. Vậy là họ đang làm nghiệp vụ của một nhà báo.

Muốn trở thành một nhà báo giỏi, phải hiểu doanh nhân và ngược lại - làm doanh nhân không hiểu báo chí, khó lớn… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem