Hà Nội chỉ đạo rà soát lại hồ sơ hoàn thiện các chung cư

Trần Văn Kháng Thứ tư, ngày 20/06/2018 06:49 AM (GMT+7)
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và chung cư tái định cư trên địa bàn.
Bình luận 0

Công văn của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng yêu cầu các quận, huyện có liên quan tổ chức rà soát, chỉ đạo việc thành lập, quản lý đội dân phòng và đội PCCC cơ sở theo quy định; phối hợp với Cảnh sát PC&CC tổ chức tập huấn, thực tập, kiểm tra việc chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư cao tầng trên địa bàn; xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, không đảm bảo điều kiện về PCCC.

img

Mua nhà dự án chung cư Starcity (81 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội) gần 5 năm nay nhưng người dân vẫn không nhận được sổ đỏ, không được chủ đầu tư bàn giao căn hộ. (ảnh TK)

Đồng thời, lãnh đạo TP cũng chỉ đạo, các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư có trách nhiệm rà soát lại hồ sơ hoàn công, giải pháp, thiết kế về PCCC để bổ sung, hoàn thiện, lưu trữ hồ sơ, khắc phục thiếu sót, sai sót của hệ thống PCCC theo quy định; duy trì các điều kiện về PCCC... 

Đặc biệt, yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung trên, trước hết là xây dựng phương án PCCC cụ thể cho các toà nhà không thể khắc phục do liên quan đến kiến trúc, kết cấu, hoàn thành trước tháng 9.2018; các nội dung khác phải hoàn thành trong quý III.2018.

img

Nhiều chủ đầu tư bàn giao nhà cho khách hàng khi chưa đủ điều kiện an toàn PCCC, nghiệm thu hoàn công. (ảnh TK)

Từ cuối tháng 5.2018 đến nay, Cảnh sát PCC&CC TP Hà Nội công khai danh sách 199 cơ sở, công trình nhà cao tầng cần khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC (đợt 1+2).  

Về công tác quản lý nhà nước, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dụng làm đầu mối đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện; tổng hợp, báo cáo UBND TP định kỳ 3 tháng một lần. Đồng thời, UBD TP Hà Nội cũng yêu cầu các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy khi giải quyết các hồ sơ có liên quan đến đầu tư xây dựng công trình cao tầng phải kiểm tra, làm rõ vấn đề kết nối giao thông và khả năng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của đường giao thông phục vụ chữa cháy đối với công trình cao tầng, thẩm duyệt chặt chẽ các giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy trước khi cho phép chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư xây dụng công trình trên địa bàn, đặc biệt là việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; mọi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong quá trình đầu tư xây dựng công trình đều phải được xử lý triệt để, yêu cầu dùng triển khai các bước tiếp theo cho đến khi khắc phục xong vi phạm.

Khởi tố đối với những chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành tổ chức, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với những chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Hiện nay theo quy định tại Nghị định 99, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở quy định rõ trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn, Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Thế nhưng đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra được một quyết định cưỡng chế nào dù các trường hợp chiếm dụng quỹ bảo trì được phản ánh rất nhiều lần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem