PGĐ công an Quảng Ngãi: Khó xử trò "mượn tay" bán DA lúa non?

Công Xuân Thứ bảy, ngày 16/11/2019 13:39 PM (GMT+7)
Liên quan đến tình trạng chủ đầu tư "mượn tay" nhà phân phối để bán lúa non tràn lan ở các dự án đầu tư nhà ở và khu dân cư (KDC) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, dù xác nhận đây là việc làm trái quy định nhưng cấp ngành chức năng cho biết rất khó để xử lý.
Bình luận 0

Sáng 16/11, trao đổi với PV Báo Dân Việt, Đại tá Võ Văn Dương - Phó giám đốc công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Tình trạng chủ đầu tư bắt tay các công ty và cá nhân (nhà phân phối) rao bán, nhận tiền đặt cọc dự án khi đang làm dang dở, chưa được cấp thẩm quyền cho phép diễn ra phổ biến. Tập trung chủ yếu là những DA sắp hoàn thành, đã sang ủi mặt bằng. Đây là việc làm vi phạm quy định".

Tuy nhiên rất khó để xử lý vì theo Đại tá Dương, việc rao bán đất theo kiểu trên thường là sự thỏa thuận có khi chỉ bằng miệng giữa chủ đầu tư DA và nhà phân phối. Nên khi bị cơ quan chức năng hỏi, chủ DA thường phủi trách nhiệm và đổ lỗi do nhà phân phối tự ý làm như trường hợp công ty Hà - Mỹ Á, chủ dự án KDC Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa từng trả lời trước đó với Thanh tra Sở Xây dựng (công ty Hà - Mỹ Á chưa ký hợp đồng giao dịch, ủy quyền bán đất với Công ty Minh Minh Land, TP.Đà Nẵng. Việc rao bán đất DA KDC Nghĩa Thuận là do công ty Minh Minh Land tự ý làm).

img

Theo Đại tá Võ Văn Dương Phó giám đốc công an tỉnh Quảng Ngãi, không dễ để xác định và xử lý hình sự đối với hành vi "bán lúa non" ở các dự án KDC.

"Người mua đặt tiền cọc (núp dưới hình thức góp vốn) cho nhà phân phối là sự thỏa thuận dân sự giữa 2 bên và điều này, pháp luật không cấm. Trong khi đó khi công an đến hỏi, người đưa tiền đặt cọc không nói, hay yêu cầu xử lý. Cho dù chứng minh được hành vi nhận tiền trước của nhà phân phối là sai, thì theo quy định cũng không thể xử lý hình sự, mà chỉ xử lý hành chính. Vì vậy nhiều trường hợp sau khi công an vào điều tra xong, cũng đã chuyển cho cấp ngành khác xem xét, xử lý", Đại tá Dương giải thích.

Cũng theo Đại tá Dương, trừ những trường hợp nhà phân phối nhận tiền nhưng không giao đất, hoặc 1 mảnh đất nhưng bán và nhận tiền của nhiều người; đồng thời bị người mua có đơn tố cáo, công an mới điều tra và xử lý được. Chính những lý trên, cơ quan công an đã nhiều lần đưa ra cảnh báo cho số có nhu cầu, nhà đầu tư hết sức thận trọng, tránh rủi ro khi mua đất theo kiểu này.

img

Việc nhận tiền đặt cọc "bán lúa non" các dự án thường được nhà phân phối làm hợp đồng núp dưới danh nghĩa hợp tác đầu tư nhằm lách luật.

Bà Đào Thị Lệ Thắm - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cũng xác nhận: "Không dễ để xác định và thu thập đủ chứng cứ chứng minh, xử lý hành vi "bán lúa non" đối với chủ đầu tư và nhà phân phối".

Điều đáng nói là dù biết việc mua đất như vậy nguy cơ rủi ro và thiệt hại rất lớn, nhưng không ít cá nhân và nhà đầu tư vẫn chấp nhận, để rồi gánh sự lo lắng, phập phồng "như ngồi trên lửa".

Tin vào lời quảng cáo, giới thiệu "có cánh", vào tháng 5/2019, ông "T.M.P", đã chấp thuận đặt cọc tổng cộng gần 1 tỷ đồng (khoảng 95% tổng giá trị của lô đất và có hợp đồng) mua 1 lô đất với diện tích 134m2, tại dự án KDC phía tây cụm công nghiệp La Hà, huyện Tư Nghĩa, cho công ty phân phối H.L, có trụ sở chính tại TP.Đà Nẵng.

Theo đó công ty phân phối H.L cam kết trong vòng 8-12 tháng kể từ khi đặt tiền cọc, sẽ giao Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mảnh đất trên cho ông "T.M.P".

img

Trước đó trả lời Thanh tra Sở Xây dựng, công ty Hà - Mỹ Á khẳng định chưa ký hợp đồng giao dịch, ủy quyền bán đất với Công ty Minh Minh Land, TP.Đà Nẵng. Việc rao bán đất DA KDC Nghĩa Thuận là do công ty Minh Minh Land tự ý làm(?).

Qua đối chiếu với thông tin mà Sở Xây dựng tỉnh đã cung cấp, dự án KDC phía tây cụm công nghiệp La Hà, do công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tiến Châu làm chủ đầu tư (Quyết điịnh chủ trương đầu tư số 988/QĐ-UBND, ngày 26/12/2017), thời gian thực hiện hoàn thành của dự án từ năm 2018-2019.

"Chưa nói đến thời gian thực hiện DA có bị trục trặc, kéo dài thêm so với hạn định hay không, chỉ riêng sau khi hoàn thành và được cấp phép cho bán, đến lúc ra sổ đỏ ít nhất cũng mất cả năm. Vì vậy tìm đường lên trời có khi còn dễ hơn so với chuyện ông T.M.P sẽ nhận được sổ đỏ đúng như lời hứa của nhà phân phối H.L" nhiều chủ đầu tư dự án KDC trên địa bàn khẳng định.

Vì vậy khi hiểu ra điều này, ông "T.M.P" rơi vào cảnh "tiến thối lưỡng nan". Bởi lẽ muốn lấy lại tiền cọc thì chưa được vì thời gian hợp đồng giao sổ đỏ với công ty H.L (từ 8-12 tháng) vẫn còn. Nhưng chờ thì không biết đến đúng thời hạn có được công ty H.L giao sổ đỏ như đã hứa, để bán thu lại vốn.

img

Một trong số dự án đầu tư đất ở, KDC đang xây dựng trên địa bàn huyện Tư Nghĩa.

Như Báo Dân Việt đã có loạt bài phản ánh, tính trong khoảng thời gian chưa đến 36 tháng, gần 100 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư đã được cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi cấp phép và phê duyệt tại các huyện, thành với tổng vốn đầu tư khoảng 20,6 ngàn tỷ đồng. Trong đó số có diện tích dưới 5ha là 33 DA, chiếm tỷ lệ hơn 1/3, số dưới 2ha là 10 DA và nhỏ nhất chỉ khoảng 7000m2, tương đương 0,7ha.

Hàng loạt dự án đang ngổn ngang, dang dở nhưng được nhà phân phối (công ty, doanh nghiệp, cá nhân) rao bán tràn lan và nhận tiền đặt cọc của người mua. Tuy nhiên khi được hỏi, chủ đầu tư lại trả lời không biết, đó là việc làm tự ý của nhà phân phối (?), gây nhiều bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem