15 chiếc tàu 67 bị hư hỏng, Tổng cục Thủy sản khẳng định là ít?

Dũ Tuấn Thứ bảy, ngày 27/05/2017 19:06 PM (GMT+7)
Hợp đồng đóng tàu bằng vỏ thép Hàn, Nhật bị thay thế bằng thép Trung Quốc, chối bỏ trách nhiệm, máy lỗi không chịu thay mới, đổ lỗi cho ngư dân…Toàn cảnh sự kiện tàu vỏ thép 67 hư hỏng tại Bình Định đang nóng “hừng hực”. Thế nhưng câu hỏi trách nhiệm của ai vẫn còn bỏ ngỏ?.
Bình luận 0

Ngày 26.5, PV Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Oai- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) sau khi ông cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT kiểm tra tình hình tàu 67 hư  hỏng tại Bình Định.

“Quy trình rất tốt, chạy đều”

Thưa ông,vừa qua Báo Dân Việt đã phản ánh về việc hàng loạt tàu 67 ở Bình Định bị hư hỏng, qua quá trình kiểm tra của Bộ NNPTNT, ông đánh giá sự việc này như thế nào?

-Phản ánh của báo chí rất đúng với thực tế. Một số tàu hiện nay đang hỏng hóc về máy và trang thiết bị trên tàu hay vỏ tàu có rỉ sét. Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần của báo chí và sẽ tiếp tục kiểm tra vấn đề này.

img

Ông Nguyễn Ngọc Oai- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT): "Quy trình rất tốt, đang chạy đều". Ảnh: Dũ Tuấn

Có rất nhiều con tàu vừa đóng tàu xong giá trị tới cả trên 20 tỷ đồng nhưng đã hỏng, ông có thấy bất ngờ và ngạc nhiên không?

- Tôi thấy không bất ngờ. Trong quá trình triển khai, chúng tôi lường trước sẽ có những phát sinh nhất định, nên trong Nghị định 67 đã có nhóm chính sách đào tạo huấn luyện cho ngư dân vận hành, bảo dưỡng tàu vỏ thép. Thực tế, không có gì là hoàn chỉnh, trục trặc đến đâu chúng tôi sẽ tìm nguyên nhân để điều chỉnh kịp thời.

Hiện nay, rất nhiều ngư dân đang ngồi chờ sửa tàu trên “đống” nợ, tới đây cần có giải pháp nhanh nhất như thế nào để giải quyết cho họ, thưa ông?

- Bước đầu, UBND tỉnh Bình Định đã làm việc và yêu cầu nhà máy đóng tàu, chủ tàu, cũng như Sở NNPTNT phải phối hợp giải quyết sớm nhất những tồn tại đó. Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với đơn vị đóng tàu. Các rỉ sét cần phải sớm được khắc phục vì nếu để lâu sẽ càng tăng độ hư hỏng.

Có nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề giám sát trong quá trình đóng mới tàu bị “thả nổi”. Ông đánh giá vấn đề này ra sao?

-Thực ra, đóng một con tàu có rất nhiều đơn vị giám sát. Đầu tiên là ngư dân, trong quá trình đóng tàu phải giám sát chặt chẽ với nhà máy và nhà máy phải đóng theo đúng quy trình đăng kiểm sẽ giám sát theo các bước riêng. Đến nay, chúng tôi cho rằng các quy trình này đã rất tốt, “chạy” đều rồi nhưng còn vài yếu tố vừa rồi báo chí nêu cần có thời gian để xác định lại.

img

Toàn cảnh sự kiện tàu vỏ thép 67 hư hỏng tại Bình Định đang nóng “hừng hực” nhưng câu hỏi trách nhiệm vẫn còn bỏ ngỏ?. Ảnh: Dũ Tuấn

“Truy” trách nhiệm: Phải chờ

Về vụ việc này, cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là ngành nông nghiệp có trách nhiệm không, thưa ông?

-Thực ra, để xác định được trách nhiệm bên nào thì cần phải có thời gian, chưa thể nói ngay được. Vì vậy, Bộ NNPTNT mới cử đoàn về Bình Định làm việc với các bên có liên quan. Từ nguyên nhân mới xác định được trách nhiệm. Ban đầu, chúng tôi chỉ khẳng định tàu rỉ sét do chất lượng sơn chưa đảm bảo, yêu cầu nhà máy hoàn thiện cho dân để họ sớm ra khơi.

Cũng xin trao đổi, NĐ 67 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chúng ta hiện nay đang triển khai được 379 tàu vỏ thép. Tuy nhiên, chỉ có 15 tàu đang có sự trục trặc về máy, vỏ. Tuy số lượng rất ít nhưng cơ quan Nhà nước vẫn phải xem xét, giải quyết thấu đáo để ngư dân ra khơi...

Nhưng vì sao tỷ lệ hư hỏng lại "rơi" quá nhiều vào Bình Định, thưa ông?

-Chúng tôi không quan trọng tỷ lệ tập trung nhiều ở tỉnh nào nhưng điều quan tâm là xem xét nhà máy nào đóng những con tàu hư hỏng. 

Xin cảm ơn ông!

Ngư dân kiện ra tòa, chính quyền sẽ hỗ trợ

Liên quan đến vấn đề tàu vỏ thép 67 bị hư hỏng, ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã yêu cầu 2 đơn vị đóng tàu gồm: Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có nghĩa vụ sửa chữa tàu cá do đơn vị đóng bị hư hỏng theo hợp đồng đã thỏa thuận với chủ tàu. Việc triển khai thực hiện phải hoàn thành trong tháng 6.2017. Đặc biệt, nếu các đơn vị đóng tàu không thực hiện nghĩa vụ của mình thì Chủ tịch UBND các huyện phối hợp cùng cơ quan liên quan hướng dẫn chủ tàu các thủ tục về pháp lý để tiến hành khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem