2.500 ha mắc ca dùng giống chất lượng kém

Đình Thắng Thứ tư, ngày 15/04/2015 09:36 AM (GMT+7)
Thay vì tranh cãi về diện tích trồng mắc ca đến năm 2020, việc cần thiết nhất ở thời điểm này là cần bàn các giải pháp phát triển cây mắc ca một cách hiệu quả nhất, bền vững nhất nhằm đem lại giá trị kinh tế cho đất nước cũng như cho người nông dân. 
Bình luận 0

Ý kiến trên là của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân tại buổi tọa đàm về cây mắc ca với chủ đề: Từ “vì sao” đến “như thế nào”- được tổ chức tại Hà Nội sáng 14.4. 

Tại buổi tọa đàm, GS Hoàng Hòe- nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng công bố thông tin: “Hiện nay nước ta đang trồng khoảng 1 triệu cây mắc ca với diện tích khoảng 5.000 ha. Tuy nhiên có một cảnh báo là chỉ 50% diện tích trồng hiện nay là bằng giống ghép chất lượng tốt từ cây đầu dòng, còn một nửa diện tích còn lại là giống mắc ca thực sinh (trồng từ hạt), cho năng suất chất lượng rất kém. Đây là điều đáng lo ngại nhất cho việc phát triển mắc ca bền vững”.

img
Nông dân huyện Tuy Đức, huyện Đăk Nông chăm sóc vườn mắc ca. Ảnh: Duy Hậu
Việc quy hoạch cây mắc ca rất quan trọng và theo các nhà nghiên cứu phải làm rõ hơn vai trò quản lý của Nhà nước và các bộ ban ngành liên quan. Các cơ quan trên cần xây dựng quy hoạch để làm sao phát triển mắc ca có hiệu quả, làm sao kiểm soát chất lượng nguồn giống, xác định được cụ thể tỉnh nào, khu vực nào thì trồng mắc ca phù hợp.

 TS Trần Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định: “Vấn đề quan trọng then chốt đó là khâu làm giống, quản lý giống. Nếu không quản lý chặt chẽ nguồn giống sẽ dẫn tới việc không kiểm soát được chất lượng và giống tốt-giống kém lẫn lộn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới người nông dân. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn để mang lại năng suất chất lượng cao nhất cho cây mắc ca. Chúng ta cần làm đồng bộ ngay từ khâu quy hoạch, quản lý cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất, chế biến, xuất khẩu…”.

 

Về quản lý chất lượng giống, ông Quách Đại Ninh – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) khẳng định: “Hiện nay Việt Nam đã có 10 giống mắc ca chất lượng được Bộ NNPTNT công nhận với gần 500ha mắc ca có nguồn gốc rõ ràng được đánh giá đủ tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường. Nông dân cần sử dụng những bộ giống này”.

Cũng theo TS Trần Vinh, trong số 10 giống mà viện nghiên cứu thì có 4-5 giống phù hợp với điều kiện của Tây Nguyên. “Về phương thức canh tác, chúng tôi thấy phương pháp trồng xen rất hiệu quả, không ảnh hưởng đến cây khác. Cây cà phê ưa bóng, khi trồng xen mắc ca thì tạo bóng cho cây cà phê, cây mắc ca lại được hưởng từ nước tưới từ cây phê khiến mắc ca có tỷ lệ hoa và đậu quả nhiều hơn. Chúng tôi đánh giá lại rằng mắc ca hoàn toàn trồng được trên đất Tây Nguyên, trồng xen để mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân”- TS Vinh cho biết.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem