3 năm tới, nông nghiệp ĐBSCL có thể kiệt quệ

Anh Thư Thứ ba, ngày 15/03/2016 06:22 AM (GMT+7)
Theo thông tin tại hội thảo, đến trung tuần tháng 3, toàn bộ 13/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã bị nước mặn xâm nhập, trong đó có nhiều tỉnh bị mặn xâm nhập nặng nề như Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang...
Bình luận 0

Hội thảo giải pháp phòng, chống hạn, mặn cho cây trồng và vật nuôi vùng ĐBSCL được ĐH Cần Thơ tổ chức ngày 14.3. Theo thông tin tại hội thảo, đến trung tuần tháng 3, toàn bộ 13/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã bị nước mặn xâm nhập, trong đó có nhiều tỉnh bị mặn xâm nhập nặng nề như Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang... Riêng tại tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh chỉ còn 4 xã tại địa bàn huyện Chợ Lách là chưa bị nước mặn xâm nhập.

imgHàu chết do nước nhiễm mặn, nông dân huyện Bình Đại (Bến Tre) phải đổ bỏ.  Ảnh: V.N.N

Mức độ xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL vào sâu khu vực nội đồng dao động ở mức 40-60 km, với tỷ lệ độ mặn từ 1-3 phần nghìn, có nơi lên đến 5-6 phần nghìn và dự báo sẽ còn tăng cao, kéo dài cho đến tháng 5. Thành phố Cần Thơ trước đây chưa bao giờ bị xâm nhập mặn, thì từ đầu tháng 3 đến nay, nước mặn đã xâm nhập đến quận Cái Răng, với độ mặn dao động từ 1-2 phần nghìn. Tại Cái Răng, theo quy định các nhà máy xử lý nước sinh hoạt sẽ không được lấy nước để xử lý, vì nước mặn đã vượt mức quy chuẩn dưới 0,75 phần nghìn.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, một số khu vực tại ĐBSCL từ nay đến tháng 5 khi có gió chướng cấp 5-6 trở lên độ mặn sẽ tăng cao. Nếu tháng 5 có mưa tại ĐBSCL và lưu vực sông Mekong thì độ mặn sẽ giảm nhiều so với dự báo.

PGS-TS Đỗ Võ Anh Khoa - Trưởng bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho biết, nếu tốc độ xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn như hiện nay, trong 3 năm tới, nền nông nghiệp ở ĐBSCL có thể sẽ bị kiệt quệ; đất nông nghiệp, lương thực trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Cũng theo ông Khoa, ĐBSCL sẽ giảm bớt diện tích nông nghiệp, giảm diện tích đất trồng cỏ cho gia súc, giảm phát triển chăn nuôi gia súc; đồng thời sẽ tăng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Nền nông nghiệp ĐBSCL sẽ co hẹp đáng kể.

Còn theo GS-TS Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn. Sự ảnh hưởng của hạn, mặn đang ngày một hiện hữu, rõ nét với khu vực này và đang có những tác động lớn đến nông nghiệp cũng như đời sống người dân nơi đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem