"Hạt ngọc" ở Bản Phố

Thứ năm, ngày 24/06/2010 22:14 PM (GMT+7)
(NTNN) - Từ bao đời nay, cây ngô trồng trên núi đá được đồng bào Mông ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai trân trọng như những hạt ngọc quý. Và nấu rượu ngô là một nét văn hoá đặc trưng của người Mông Bản Phố...
Bình luận 0
img
Nấu rượu ngô ở Bản Phố.

Chạy hơn 110km từ thành phố Lào Cai lên thị trấn Bắc Hà, ngược đường đất chừng vài cây số nữa là có thể nhận ra thoảng trong hương rừng hương đất Bản Phố mùi rượu ngô thơm lừng, quyến rũ.

Đặc sản núi đá

Đã bao đời nay, trong những ngôi nhà của người Mông trên núi cao không thể thiếu những chum rượu ngô to chừng hai người ôm đặt ở góc nhà. Theo ông Lý Seo Sai, một người nấu rượu có tiếng ở Bản Phố, để có mẻ rượu ngon trước hết phải có nguyên liệu chuẩn là ngô và cây hồng mi (làm men).

Năm 2009, Bản Phố thu 6,45 tỷ đồng từ nghề nấu rượu truyền thống.

Ngô nấu rượu không trồng ở nương hay thung lũng mà phải trồng ở trên núi đá. Mỗi năm, người Mông chỉ trồng được một vụ. Sau hơn 5 tháng gieo trồng nhọc nhằn trên những hốc đá, ngô cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch, ngô được giữ nguyên bắp, phơi khô và bảo quản cẩn thận để nấu rượu dần. Ngô trồng trên núi năng suất không cao nhưng hạt mềm, thơm và nhiều dinh dưỡng.

Nghe ông Sai kể, chúng tôi quyết định ngủ lại bản một hôm để có thể "mục sở thị" tài nấu rượu của người Mông vào buổi sáng hôm sau. Ông Sai dẫn chúng tôi đến nhà anh Vù Seo Giáo - một người bà con trong thôn. 5 giờ sáng khi con gà trống gáy, vợ Giáo đã lục đục dậy dắt trâu lên rừng. Anh Giáo đánh thức chúng tôi dậy nhóm lò nấu rượu ngô. Buổi sáng mùa hè ở thôn Quán Dín Ngài núi heo hút này dường như đến sớm hơn so với các thôn bản khác. Khi những giọt rượu đầu tiên bắt đầu chảy xuống thì mặt trời mới ló.

Bên nồi rượu thơm nồng, Giáo chia sẻ: "Theo những người già ở Bản Phố truyền lại, rượu ngô của người Mông ở đây uống vào buổi sáng tựa như có vị thần truyền cho sức mạnh nên lên nương xuống rẫy, trèo đèo lội suối suốt sáng sớm đến chiều tối vẫn không biết mệt mỏi. Còn uống ban đêm, những cuộc chuyện trò của bằng hữu, gái trai sẽ thêm nồng đượm. Rượu ngô với người Bản Phố là sự sống, là văn hoá gắn liền bao đời nay".

Chăm chút "hạt ngọc"

Theo thống kê của UBND xã, Bản Phố có 375 hộ nấu rượu ngô quanh năm và 273 hộ nấu theo thời vụ. 100% hộ trong xã đều nấu rượu ngô. Ông Giàng Seo Sa - Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, rượu ngô Bản Phố đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước, tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống bà con, từng bước đẩy lùi đói nghèo".

Để có những giọt rượu ngon, ngoài những "bí quyết" như làm men, nguồn nước… điều không thể thiếu là những hạt ngô trên núi đá. Nếu mua ngô ở các cửa hàng, đại lý chất lượng rượu không ngon mà giá thành rất cao" - ông Giàng Seo Sẩu, một người nấu rượu nổi tiếng ở Bản Phố cho biết.

Những ngày tháng 6, khi chúng tôi đến Bản Phố, các nương ngô trải dài trên núi đá đang trong giai đoạn trổ lá, một số nương ngô đã trổ cờ, ước tính phải hơn 2 tháng nữa mới cho thu hoạch. Ông Trưởng thôn Hán Dù, Lý Lao Vu bảo: "Ngô là ngọc quý của người Mông. Bây giờ đang mùa giáp hạt. Ngô nhà nào cũng gần hết cả. Không có ngô, không nấu được rượu, cái bụng mình không no thì con trâu, con ngựa cũng đói".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem