4h sáng mai, bão mạnh cấp 9 đổ bộ Thanh Hóa - Hà Tĩnh, mưa cực lớn

Đình Thắng Chủ nhật, ngày 16/07/2017 10:46 AM (GMT+7)
Cơn bão số 2 đang di chuyển nhanh vào Vịnh Bắc Bộ, sẽ đổ bộ vào Thanh Hóa, Hà Tĩnh lúc 4 giờ sáng mai (17.7), bão sẽ tác động trực tiếp lên 2 địa phương này từ 1 – 7 giờ sáng 17.7.
Bình luận 0

Sáng nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn với các địa phương để chỉ đạo công tác chuẩn bị phòng chống bão. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì cuộc họp.

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì cuộc họp bão sáng nay (16.7). Ảnh: Đình Thắng

Báo cáo diễn biến mới nhất về cơn bão TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: “Bão đã ở mức cấp 9, lõi bão khoảng 150-160 km, di chuyển ổn định, mạnh lên nhanh, hướng lệch Tây so với đường đi ban đầu, với việc lõi bão nhỏ tập trung như vậy khả năng sẽ gây mưa lớn khi đổ bộ.

Theo các trung tâm khác nhau trên thế giới dự báo trong hôm nay bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, bão di chuyển khá nhanh 24km/giờ sẽ vào Vịnh Bắc bộ trong sáng nay và mạnh cấp 9.

Bão sẽ bờ trong 12 tiếng tới, trọng tâm khu vực ảnh hưởng từ Hải Phòng đến Quảng Bình, vùng trọng điểm hơn là Thanh Hóa tới Hà Tĩnh. 4h sáng mai (17.7), bão sẽ cập bờ, bão sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến Thanh Hóa - Hà Tĩnh từ 1 - 7 giờ sáng mai (17.7).

img

Các tàu thuyền đã biết thông tin vị trí bão, đa số tàu đã vào bờ an toàn tránh bão. Ảnh: IT

Hiện nay bão số 2 đang ở đầu cấp 9 và duy trì cấp độ này, khi vào Vịnh Bắc Bộ bão sẽ mạnh ở cuối cấp 9, gió giật cấp 10,11. Khi bão vào vùng Thanh Hóa Hà Tĩnh bão vẫn duy trì ở cấp 9”.

“Theo quan sát của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cơn bão này sẽ kèm theo lốc xoáy và dông sét cục bộ, gió giật mạnh ở khu vực chịu ảnh hưởng bão, gây mưa to sóng lớn 3-5 mét ở trên biển, bão khi cập bờ có khả năng gây ảnh hưởng lớn vì kèm theo mưa lớn từ 100-200mm cho các tỉnh nằm trong tâm bão, mưa sẽ kéo dài từ hôm nay đến hết ngày 18.7. Sau khi bão đi qua mưa vẫn sẽ tiếp tục kéo dài ở các tỉnh này, tuy lượng mưa sẽ không cao như trong khi xảy ra bão, nên các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh phải hết sức đề phòng” – ông Cường cho biết thêm.

Phía Bắc đồng bằng Bắc Bộ mưa kéo dài hơn nhưng lượng mưa thấp hơn. Đồng bằng Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc mưa trải dài và kéo dài hơn với lượng mưa 100-150mm. Các khu vực Đông Bắc, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế sẽ có lượng mưa 50-70mm.

“Với tần suất mưa như thế nguy cơ lũ quét sạt lở đất sẽ xảy ra ở vùng Thanh Hóa, Hà Tĩnh, cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc (khi các tỉnh này đã có mưa trong nhiều ngày qua, đất đã no nước) là rất cao.

Báo cáo về công tác chuẩn bị phòng chống bão, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, toàn bộ lượng tàu thuyền ven biển và tàu hoạt động xa bờ đến 7 giờ sáng nay đã nhận được thông tin bão số 2. Chúng tôi duy lực lượng thường xuyên ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa để hỗ trợ người dân vùng biển.

Để hạn chế hiện tượng tàu thuyền đỗ quá tải tại các bến cảng, chúng tôi đã thông báo cho các chủ tàu được biết không nhất thiết tàu địa phương nào về địa phương đó, mà có thể duy chuyển đến địa phương gần nhất để tránh trú. Các địa phương có hoạt động du lịch cần hạn chế di chuyển khách từ đảo vào bờ.

Việc cấm biển cần thực hiện đồng loạt để tiện lợi cho lực lượng biên phòng và các lực lượng khác chủ động sắp xếp tàu thuyền vào bờ. Nên cấm biển từ sáng nay.

Cần chuẩn bị phương tiện vận chuyển lương thực ngay từ giờ, bởi vì bão có khả năng sẽ gây chia cắt cục bộ các vùng. Nếu chủ động sắp xếp phương tiện vận chuyển lương thực từ trước sẽ tránh được tình trạng khó khăn di chuyển do chia cắt vùng bão bởi mưa lũ dâng cao.

Đại diện tỉnh  Thanh Hóa cho biết, từ 8.7 đến nay Thanh Hóa liên tục có mưa từ 100-200mm, mưa lớn gây ngập úng cục bộ, nếu bão đổ bộ, khả năng ngập úng trên diện rộng là rất cao, toàn tỉnh có 121/610 hồ không đảm bảo an toàn nếu bão đổ bộ với lượng mưa lớn.

Tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ NNPTNT sớm triển khai dự án an toàn hồ đập, hiện nay các hồ chứ không an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nguy cơ mất an toàn rất lớn.

Cũng với tinh thần chuẩn bị cao nhất phòng chống bão, ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay: “3.912 phương tiện với 18.532 lao động trên biển, đa số tàu thuyền đã tìm được nơi neo đậu an toàn, còn hơn 100 tàu thuyền đang hoạt động trên biển, họ đã biết tin và đang tìm nơi tránh trú. Nghệ An sẽ cấm biển trong chiều nay.

Chúng tôi sẽ tập trung toàn bộ lực lượng từ tỉnh đến các địa phương xử lý ách tắc giao thông, chủ động kiểm tra đê điều, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, chủ động vận hành liên hồ chứa, trực ban 24/24 giờ để chỉ đạo sát sao, hạn chế thiệt hại xảy ra”.

Ở Hà Tĩnh nếu bão vào kèm theo mưa lớn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các hồ đập, ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Tỉnh có 350 đập lớn nhỏ, có một số hồ đã tích nước trên 90%, đây là năm có trữ lượng nước cao nhất trong 10 năm qua. Còn 8 hồ đập đang thi công nên nguy cơ ảnh hưởng bão rất cao. Nếu mưa lớn 200-300mm sẽ ảnh hưởng đến an toàn hồ đập.

Chúng tôi đã thông báo các địa phương và kiểm soát tình hình nuôi trồng thủy sản. Cảnh báo đến bà con về tình hình bão để chủ động phòng chống. Bên cạnh đó khách du lịch hiện đang rất đông, chúng tôi cũng đã triển khai thông báo để du khách đảm bảo an toàn khi tham quan du lịch ở Hà Tĩnh.

Chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho hay: “Các địa phương cùng các ban ngành liên quan cần triển khai những việc cấp bách, trọng tâm sau: thứ nhất, Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để triển khai việc thông báo kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hoàn thành các công việc trên trước 17 giờ ngày 16.7. Chủ động việc cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Thứ hai, Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh (vùng tâm bão dự báo đi qua) quyết liệt triển khai sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn tuyệt đối; đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch hoàn thành trước 17 giờ ngày 16.7.

Thứ ba, Tăng cường công tác thông tin cảnh báo và sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều hạ du các hồ chứa khi có lệnh xả lũ, đặc biệt khu vực hạ lưu thủy điện Hòa Bình sau nhiều năm chưa vận hành xả lũ.

Sẵn sàng các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn để xử lý các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Bão sẽ bờ trong 12 tiếng tới, trọng tâm khu vực ảnh hưởng từ Hải Phòng đến Quảng Bình, vùng trọng điểm hơn là Thanh Hóa tới Hà Tĩnh. 4h sáng mai (17.7), bão sẽ cập bờ, bão sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến Thanh Hóa - Hà Tĩnh từ 1 - 7 giờ sáng mai (17.7).

TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem