45.000 tỷ đồng cho đặc sản nông nghiệp địa phương

Đình Thắng Thứ tư, ngày 07/11/2018 16:17 PM (GMT+7)
Đây số tiền huy động để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP) nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Hiện, OCOP đang được xem là giải pháp trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0

Phát triển đặc sản nông nghiệp địa phương

Từ thành công của OCOP triển khai tại Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2016, chương trình đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành. Vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định phê duyệt thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 trên phạm vi cả nước, với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

img

Miến dong Bình Liêu (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) là một trong các sản phẩm dự kiến lựa chọn sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia.  Tư liệu

Từ nay tới năm 2020, Chương trình OCOP sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 8 - 10 mô hình Làng văn hóa du lịch; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia OCOP; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia OCOP.

Ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng Ban Điều phối NTM T.Ư cho biết: “Đây là chương trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình xây dựng NTM, góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến xây dựng NTM bền vững”.

Theo chương trình đã được phê duyệt, các sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Ngoài ra, OCOP sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường…

Chương trình sẽ xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ T.Ư đến địa phương; ban hành bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm; ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ.

Quyết định cũng đưa ra tổng kinh phí dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn xã hội.

Tạo ra nhiều nông sản chất lượng cao

Kết quả rà soát của Bộ NNPTNT cho thấy, khu vực nông thôn cả nước có 8.978 xã, trong đó có 8.911 xã xây dựng NTM. Do vậy, chương trình này sẽ thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, cơ cấu lại sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM.

Thực tiễn tại tỉnh Quảng Ninh cho thấy, sau 3 năm (2013-2016) triển khai thí điểm đã phát triển được 210 sản phẩm, trong đó đã cấp giấy chứng nhận cho 39 sản phẩm có lợi thế quốc gia như tôm thẻ chân trắng, thủy sản chế biến... Tỉnh Quảng Ninh cũng đã quy hoạch 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và hơn 50 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, cấp xã để khai thác tiềm năng, lợi thế một cách có hệ thống.

Còn ở TP.Hà Nội, với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung như nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai), phật thủ Yên Sở, Đắc Sở (huyện Hoài Đức), gà đồi Sóc Sơn…, các địa phương của Thủ đô có lợi thế lớn để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, làm giàu cho nông dân gắn với xây dựng NTM.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Chương trình OCOP không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất, mà còn giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng và căn cơ như: giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem