6 tháng xử lý 350 vụ vi phạm ô nhiễm: Con số quá nhỏ so với thực tế

Trần Quang Thứ năm, ngày 02/08/2018 08:14 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã duy trì có hiệu quả hoạt động của đường dây nóng tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường cấp Trung ương.
Bình luận 0

Xử lý hàng trăm vụ việc

Đến nay, Tổng cục đã tiếp nhận hơn 700 thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng, chuyển địa phương để xử lý theo thẩm quyền; trong đó có gần 350 vụ việc đã được xử lý. Đồng thời, Tổng cục Môi trường đã chủ động tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh, định hướng kịp thời về các thông tin sai lệch… "Theo đó, Tổng cục Môi trường đã chuyển từ thế bị động sang chủ động ứng phó, giải quyết các sự cố" - ông Tài khẳng định.

Ông Tài cho biết thêm, Tổng cục đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, xử lý 5 vụ việc về ô nhiễm, sự cố môi trường và đa dạng sinh học; duy trì thường xuyên tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam ở tỉnh Hậu Giang, Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; quá trình vận hành dự án của Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

img

 Bisuco bị xử phạt hơn 1,9 tỷ đồng vì xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
ảnh: Tư liệu

Cùng với đó, Tổng cục đã tổ chức cuộc thanh tra đột xuất đối với Công ty CP Thịnh An, 4 cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, TP.Hà Nội; các cơ sở có hoạt động xả thải ra kênh Bắc Hưng Hải thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên…

Trong đó, điển hình như vụ xử lý Công ty CP Đường Bình Định (Bisuco) có trụ sở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, vi phạm xả nước thải tại cửa xả số 2 của nhà máy ra sông Kôn, trong khi chất lượng nước thải ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, có 6 thông số môi trường thông thường trong nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật, trong đó chỉ tiêu coliform vượt đến 8.000 lần với lượng nước thải là 1.900m3/ngày đêm; 5 chỉ tiêu còn lại gồm nhiệt độ, amoni, COD, BOD5, sunfua vượt từ 1,1 đến 2,6 lần so với quy chuẩn quy định.

Sau khi niêm phong nhà máy, tháng 6.2018 vừa qua tỉnh Bình Định ra quyết định xử phạt hành chính công ty này hơn 1,9 tỷ đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường. Theo UBND tỉnh Bình Định, đây là mức phạt hành chính cao nhất từ trước đến nay ở địa phương này đối với một vụ vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường đã theo dõi, kiểm tra việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường của các khu, cụm công nghiệp trên cả nước. Đến nay, cả nước có 228/283 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 80%), tăng 7 khu so với năm 2017; 12 khu công nghiệp đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 4%). Các khu công nghiệp còn lại đang xây dựng lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý

"Ngay từ đầu năm Tổng cục đã xác định mục tiêu trọng tâm là hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường.

Các hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp hiện đã xử lý khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Trong số này, đã có 121 khu đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt tỷ lệ trên 42%. Cả nước hiện có 587/1143 cụm công nghiệp được quy hoạch đã đi vào hoạt động, trong đó có 55 cụm có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 9,7%), tăng 4 cụm so với năm 2017).

Trong đó, Tổng cục đã chỉ đạo sát sao việc xây dựng nghị định sửa đổi bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; xây dựng đề án sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và các luật có liên quan đến nội dung bảo vệ môi trường. Tập trung hoàn thiện, trình ban hành đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao..." - ông Tài cho hay.

Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho rằng: 6 tháng cuối năm 2018, Tổng cục Môi trường phải xây dựng một kế hoạch công tác về bảo vệ môi trường cụ thể, chi tiết. Quyết tâm hoàn thành dứt điểm các văn bản còn nợ đọng từ các năm trước; đặc biệt phải rà soát hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đang có bất cập. Đồng thời, tập trung rà soát, nghiên cứu các vấn đề đang được dư luận rất quan tâm về phế liệu, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Tổng phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

“Cần tập trung xây dựng những đề án, dự án lớn, mang tính chất chiến lược nhằm kiểm soát, quản lý tốt chất lượng môi trường trong thời gian tới như dự án tổng điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ có phát sinh chất thải trên phạm vi toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem