Ai cũng mừng vì muối năm nay đã ...“ngọt”

Thứ bảy, ngày 24/03/2018 13:00 PM (GMT+7)
Từ TP Cà Mau, mất hơn 2 giờ chạy xe mới đến được làng muối Tân Thuận (thuộc ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi), nơi sản xuất muối lâu đời và duy nhất của tỉnh.
Bình luận 0

img

Muối không chỉ kết tinh từ nước biển mà trong đó còn có vị mặn mồ hôi của diêm dân.

Từ TP Cà Mau, mất hơn 2 giờ chạy xe mới đến được làng muối Tân Thuận (thuộc ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi), nơi sản xuất muối lâu đời và duy nhất của tỉnh.

Đặc biệt, phần lớn những hộ làm nghề cha truyền con nối này là người xứ Ba Tri - Bến Tre. Với tính cần mẫn, tỉ mỉ, những hạt muối họ làm ra trắng ngần, đậm đà vị mặn của biển Gành Hào.

Làng muối Tân Thuận có 74 hộ làm nghề với 180 ha. Mặc dù là làng nghề sản xuất thủ công truyền thống, nhưng mỗi năm, làng muối Tân Thuận cho năng suất khá cao, khoảng 70 tấn/ha.

img

Làm đất, khâu quan trọng trong nhiều công đoạn (dẫn nước, tạo lắng...) trước khi hạt muối được kết tinh.

Năm nay, diêm dân bắt đầu vụ muối từ tháng 11 âm lịch. Mặt trời đứng bóng, nắng như đổ lửa, vậy mà gương mặt ai cũng tươi rói.

Ông Tư Minh (Dương Văn Minh, ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận) là dân Bến Tre về đây làm nghề muối gần 30 năm nay, nhưng chưa năm nào ông thấy muối có giá như năm nay. Với diện tích 3 ha, bắt đầu thu hoạch muối mới hơn 1 tháng nay, ông đã thu được hơn 3.000 giạ muối.

img

Sau 20 ngày, nước biển khô đi, để lại những hạt muối trắng ngần.

Ông Tư Minh mừng: “Đầu vụ, nhờ trời nắng tốt nên chưa qua Tết là có muối bán rồi. Thêm trúng mùa biển đầu năm, ghe, vựa mua muối nhiều nên muối lên giá được 50.000-60.000 đồng/giạ, gần gấp đôi năm trước. Mỗi vụ, trung bình 1 ha thu được từ 3.000-4.000 giạ muối. Nếu từ nay đến cuối vụ thuận lợi như vầy thì tui lời gần 100 triệu đồng/ha”.

img

Phụ nữ cũng thành thạo nghề làm muối truyền thống.

img

Việc áp dụng tấm trải bạt vào sản xuất muối giúp tăng sản lượng từ 10-12% so với cách làm muối truyền thống.

Ông Trần Văn Ngộ là hộ đầu tiên thực hiện sản xuất muối trải bạt với diện tích 1.300 m2, được Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ kinh phí hơn 100 triệu đồng.

Ưu điểm của mô hình này là nước đưa vào ruộng không bị thấm xuống nền đất, giúp muối kết tinh nhanh hơn, hạt muối trắng, sạch và năng suất cao hơn từ 10-12% so với cách làm truyền thống.

Muối được mùa, được giá, diêm dân tất bật thu hoạch để bán cho thương lái. 6 tháng ròng rã “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, hạt muối Tân Thuận được diêm dân tạo ra mang hương vị rất riêng, được đánh giá cao trên thị trường.

Mỗi hạt muối là kết tinh của biển, mồ hôi và khát vọng với nghề của diêm dân. Ai cũng mừng vì muối năm nay đã “ngọt”.

PV (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem