Bao giờ cà phê hết là "trái đắng" (Bài 3): Cuộc “rượt đuổi” mới!

Quốc Hải Thứ ba, ngày 12/03/2019 19:04 PM (GMT+7)
Những năm 2016 - 2017 trở về trước, thị trường cà phê Việt chỉ có vài cái tên chi phối như Trung Nguyên, Vinacafe, Nescafe... Nhưng 2 năm trở lại đây, thị phần cà phê Việt Nam càng trở nên “nóng bỏng”, bởi sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
Bình luận 0

Thậm chí, ngay cả một số DN từ trước đến nay chưa tham gia trồng, chế biến cà phê cũng công bố đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào phát triển cà phê với tham vọng chia lại thị trường và hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Tham vọng khẳng định thương hiệu Việt

img

  Chăm sóc vườn cà phê tại Đăk Lăk. Ảnh: Kim Oanh   

Theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), cà phê là mặt hàng có dư địa giá trị gia tăng rất cao, bởi cà phê nhân xuất khẩu hiện mới chỉ hưởng lợi 1/20 trong tổng chuỗi giá trị cà phê toàn cầu. Đặc biệt, nếu Việt Nam xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan, giá trị có thể tăng gấp đôi so với xuất khẩu cà phê nhân. Cụ thể, mỗi tấn cà phê nhân, nếu chỉ xuất thô trong năm 2018, sẽ thu về từ 32 - 36 triệu đồng. Nhưng nếu chế biến sâu, có thể nâng giá trị lên tới 70 - 100 triệu đồng.

Đầu năm 2018, The Coffee House - một startup chuỗi cà phê mới nổi vài năm gần đây - đã công bố mua lại trang trại, kho, hệ thống rang xay để bắt đầu trồng cà phê tại Đà Lạt (Lâm Đồng).

Giám đốc điều hành của The Coffee House là anh Nguyễn Hải Ninh cho biết, dù mới chỉ sở hữu 33ha trồng cà phê, nhưng đây là bước đi đầu tiên để hướng tới mục tiêu xuất khẩu trong 5 năm tới. Theo đó, trong tương lai gần nhất, diện tích trồng cà phê của The Coffee House sở hữu sẽ tăng mạnh lên hàng nghìn ha, bởi doanh nghiệp quyết tâm chủ động nguyên liệu để xuất khẩu sản phẩm này.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hải Ninh: "Chúng tôi nhắm tới việc mở khoảng 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong vòng 5 năm tới, trung bình 10 cửa hàng mới mỗi tháng”.

Cũng gây chú ý không kém, năm 2017, NutiFood - doanh nghiệp chuyên về ngành sữa, đã công bố đầu tư 1.000 tỷ đồng trồng cà phê tại tỉnh Đăk Lăk. Cụ thể, tháng 5.2017, NutiFood ký kết hợp tác đầu tư vào Phước An - nơi sở hữu gần 1.000ha cây cà phê.

Với khoản đầu tư này, NutiFood cho biết sẽ phát triển ngành cà phê từ cây giống, trồng, thu hoạch, xây dựng nhà máy chế biến cà phê cao cấp… để nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm sau cùng. Công ty sẽ tận dụng kênh phân phối có sẵn để đẩy mạnh khai thác thị trường xuất khẩu.

Trả lời hoài nghi về việc đổ vốn nghìn tỷ vào cà phê, ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT NutiFood cho rằng, công ty có tầm nhìn về việc cho ra đời những sản phẩm cà phê sạch, hữu cơ. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ tiến tới đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu cà phê thành phẩm chất lượng cao, trước mắt nhắm đến 2 thị trường Nhật Bản và Mỹ.

Và thực tế, đến tháng 8.2018, DN này chính thức đưa sản phẩm Nuticafé - Cà phê sữa đá tươi - bước chân vào thị trường cà phê đầy tiềm năng và thử thách.

Gia nhập thị trường từ năm 2013, sau 2 năm, Starbucks đã công bố bán dòng cà phê Việt Nam với tên gọi “DaLat Blend” tại hơn 21.500 cửa hàng ở 56 quốc gia của chuỗi cà phê này.

Khốc liệt cuộc chiến “chuỗi” cà phê

Thị trường cà phê Việt được đánh giá là rất hấp dẫn với hơn 90 triệu dân nên vài năm gần đây, cuộc chiến “chuỗi” cà phê càng thêm kịch tính với nhiều cái tên mới nổi như: Cộng Cà phê, The Coffee House… cho tới những tên tuổi lớn hơn như Highlands, Trung Nguyên, Phúc Long và những “ông lớn” thế giới như Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf…

Tuy nhiên, nhìn chung thì hầu hết các chuỗi cà phê lớn hiện nay đều là những thương hiệu Việt Nam, ngoại trừ 2 thương hiệu ngoại là The Coffee Bean và Starbucks.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 11.2018, dẫn đầu thị trường là Highlands Coffee với tổng cộng 233 cửa hàng trên toàn quốc. Kế đến là The Coffee House với 133 cửa hàng; xếp thứ 3 là Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ với 64 cửa hàng. Thứ tự các chuỗi cửa hàng tiếp theo đó là Cộng Cà phê (57 cửa hàng); Starbucks (41 cửa hàng); Phúc Long (40 cửa hàng); The Coffee Bean & Tea Leaf (15 cửa hàng).

Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường “chuỗi” cà phê thể hiện qua con số doanh thu và lợi nhuận trước thuế. Theo đó, năm 2017, Highlands Coffee dẫn đầu với con số doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 1.237 tỷ đồng và 132 tỷ đồng; kế đến là Starbucks, doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 449 tỷ đồng và 22 tỷ đồng.

Phúc Long dù là DN tham gia thị trường từ sớm nhưng doanh thu năm 2017 chỉ đạt 340 tỷ đồng và lợi nhuận 2,2 tỷ đồng; thấp hơn là “đàn em” The Coffee House khi DN này có doanh thu chỉ đạt 346 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế là 14,9 tỷ đồng.

Dù vậy, bước sang năm 2018, với số lượng cửa hàng áp đảo, doanh thu năm 2018 của The Coffee House nhiều khả năng sẽ vượt qua cả Starbucks khi DN này đã có quá trình tăng trưởng rất ấn tượng, từ 42 tỷ đồng năm 2015 lên 143 tỷ đồng năm 2016 và 346 tỷ năm 2017.

Tất nhiên, nếu bàn về phân khúc cao cấp thì The Coffee House không thể so sánh với thương hiệu cà phê Starbucks cao cấp đến từ Mỹ này. Tuy nhiên, ở phân khúc tầm trung giữa một loạt cái tên đầy tham vọng như Highlands, The Coffee House, Cộng Cà phê hay Phúc Long... chắc chắn sự cạnh tranh sẽ càng khốc liệt trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem