Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hồi 23h ngày 10/11, bão số 6 đã đổ bộ vào khu vực ven biển các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.
Hồi 4h ngày 11/11, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
Trong sáng 11/11, khu vực ven biển và trên đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4m, biển động.
Kè Nhơn Hải (Bình Định) bị hư hỏng nặng từ bão số 5. Ảnh: Dũ Tuấn.
Qua trao đổi nhanh với trực ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, đến nay không có thiệt hại về người do ảnh hưởng trực tiếp của bão. Tuy nhiên có 2 người chết do bị tai nạn trong lúc chằng chống nhà cửa (1 người ở Phú Yên bị điện giật, 1 người ở Bình Định bị trượt chân ngã).
Tại Phú Yên xảy ra mất điện cục bộ. Đến 6h ngày 11/11 còn 53/112 xã bị mất điện (hiện đã khôi phục được điện tại 9 xã); ngập cục bộ 50ha mía.
Tại Bình Định, 15,2 ha cây ăn quả gãy, đổ (huyện Hoài Ân); 250m bờ sông, suối bị sạt lở; 2 tàu cá bị hỏng máy ngày 9/11 khi đang hoạt động ở vùng biển nằm ngoài khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của bão, hiện đang được các tàu bạn lai dắt về bờ.
Tại Khánh Hòa, 100m kênh mương bị hư hỏng; 40m đường giao thông bị sạt lở; 330ha lúa, 20ha hoa màu bị ngập. Thiệt hại 10 bè nuôi trồng thủy hải sản; chìm 2 thuyền (dưới 30CV) do đứt dây neo; 1 công trình hạ tầng bị tốc mái.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 6 cần kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão gây ra. Đồng thời, khẩn trương khôi phục hệ thống điện bị sự cố ở Phú Yên và vệ sinh môi trường sau bão.
Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu để chủ động sơ tán người dân và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.
Theo dõi sát diễn biến mưa lũ, tổ chức vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du cũng như đảm bảo nguồn nước phát điện, phục vụ sản xuất.
Tổ chức trực ban nghiêm túc để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra. Ngoài ra, các địa phương cần làm tốt việc đưa người dân từ nơi sơ tán trở về, căn cứ tình hình cho tàu thuyền ra khơi./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.