Bí quyết bón phân Văn Điển cho cây dâu khỏe mạnh

PGS.TS. Mai Quang Vinh (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) Thứ hai, ngày 30/06/2014 07:25 AM (GMT+7)
Sử dụng phân bón chuyên dụng Văn Điển NPK16.8.8  giúp cây dâu phát triển khoẻ mạnh, lá dày, ít nước, nhanh thành thục, tằm ăn an toàn ít bệnh và nâng cao chất lượng kén.
Bình luận 0

Nhu cầu dinh dưỡng cây dâu

Dâu là cây trồng lâu năm có tên khoa học Morusalba L, là cây thân gỗ, sống lâu năm cây bụi hoặc cây to. Lá có răng cưa, hình ngọn mác. Hoa nở theo cụm, thân cành nhiều nhựa không gai, rễ ăn sâu và rộng 2-3m.

Diện tích trồng dâu cả nước hiện nay dao động khoảng 25.000ha là cây có hiệu quả kinh tế cao, trồng một lần thu hoạch 10 – 15 năm mới phải cải tạo. Đất trồng dâu ở Vĩnh Phúc là đất bãi ven sông Hồng có tính chất chua, cát pha, thịt nhẹ, nghề trồng dâu muôi tằm tỏ ra cho lãi hơn trồng lúa, có nơi lãi tới 7 lần.

Dâu trồng 6 tháng có thể cho thu hoạch lá, năm thứ nhất sản lượng bằng một nửa so với năm thứ 2, dâu cho năng suất cao từ năm thứ 2 trở đi. Sản lượng lá dâu bình thường đạt 15 – 20 tấn/ha, nếu đầu tư thâm canh đạt 25 – 30 tấn/ha, do vậy nhu cầu dinh dưỡng của cây dâu rất lớn. Rễ dâu ăn sâu và rộng 2 – 3m nhưng phân bổ nhiều ở tầng đất 10 – 30cm và rộng theo tán cây.

Đất cần tơi xốp, giữ ẩm, giữ nhiệt, tầng canh tác dày, mực nước ngầm thấp, thích hợp với đất có tính kiềm độ pH từ 6,5 – 7. Vì vậy tìm ra một loại phân bón phù hợp để cây dâu tằm cho năng suất cao, lá dâu có chất lượng tốt, con tằm khỏe mạnh, kén tằm dày, năng suất cao là nhiệm vụ cần thiết.

Bón NPK trên cây dâu tằm

Để tìm ra loại phân bón thích hợp cho cây dâu, Trạm Nông hóa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành thực nghiệm đánh giá hiệu lực của Phân bón NPK chuyên dụng NPK 16.8.8 Văn Điển cho cây dâu, kết hợp áp dụng các biện pháp kỹ thuật hợp lý nhằm cung cấp dinh dưỡng cân đối cho cây dâu tằm, tăng năng suất, chất lượng lá dâu và kén tằm.

Loại phân được lựa chọn là phân đa yếu tố NPK 16.8.8 do Công ty Phân lân Văn Điển sản xuất chuyên dùng cho dâu: Chứa N = 16%; P2O5 = 8%; K2O = 8%; CaO = 10%; MgO = 7%; SiO2 = 9%; S = 2%) và rất giàu các chất vi lượng Zn, B, Mo... Tổng hàm lượng dinh dưỡng trên 60%.

Phân bón cho dâu thời kỳ khai thác lá từ 2 năm tuổi trở lên. Mô hình sử dụng 3 giống (lá ngái, tam bội 12, tam bội 28) với 2 cách bón:

- Phân bón phân NPK chuyên dùng Văn Điển: 75kg NPK NPK 16.8.8/sào/năm.

- Phân bón theo địa phương (đối chứng): 40-45kg NPK10.5.5 +40-50 kg urê/sào/năm. Khuyến khích các hộ nông dân sử dụng các loại phân bón qua lá tăng năng suất chất lượng lá dâu và không ảnh hưởng đến tằm.

- Diện tích bón phân NPK chuyên dùng Văn Điển bón theo 4 đợt vào tháng 1, 4, 7, 10.

- Vùng diện tích bón theo địa phương bón theo 2 đợt (sau đốn đông, sau đốn hè) và các đợt phụ trước mỗi đợt hái lá 15 ngày bón thêm 15kg urê/sào (hái 8-10 đợt/năm).

- Đối với dâu được bón phân chuyên dùng Văn Điển (NPK16.8.8):

+ Dâu nảy mầm đều, nhanh, thân mập, lá dày. Kết quả theo dõi cho thấy chất lượng lá dâu tốt. Sau bón phân khoảng 20 ngày, sự khác nhau giữa dâu được bón phân theo địa phương và dâu được bón phân chuyên dùng thể hiện rất rõ, cành mập, lá có màu xanh vàng, lá to và dầy hơn dâu được bón phân theo địa phương.

+ Trước thu hoạch, lá dâu có màu xanh vàng, bản lá to và dầy hơn lá dâu bón phân theo địa phương.

- Phần bón phân theo địa phương: Do nông dân có bón phân đạm urê nên lá mướt, xanh nhạt, mỏng.

- Kết quả thu hoạch lá qua các đợt cho thấy: Phân NPK16.8.8 có tác dụng tốt đối với cây dâu, thể hiện qua kích thước, số lượng, năng suất lá và bước đầu cho thấy năng suất, độ dày kén tăng lên rõ rệt. Năng suất lá dâu được bón phân chuyên dùng tăng hơn so với dâu được bón theo địa phương là 93kg lá/sào/năm (giống dâu lá ngái).

Đối với giống tam bội, qua 4 đợt bón phân chuyên dùng chưa thấy biểu hiện khá hơn về năng suất lá so với ruộng bón phân theo địa phương nhưng chất lượng lá tốt hơn, bước đầu biểu hiện ở năng suất kén (năng suất kén đạt 15kg kén/vòng trứng). Trong đó, tằm sử dụng lá dâu trên ruộng được bón phân theo địa phương chỉ đạt 13kg kén/vòng trứng.

Như vậy, bước đầu cho thấy, khi bón phân NPK Văn Điển chuyên dùng, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật hợp lý đã có tác dụng tốt đối cây dâu, chất lượng lá dâu khá hơn và cho năng suất kén cao hơn. Sử dụng phân bón chuyên dụng Văn Điển NPK16.8.8 giúp cây dâu phát triển khoẻ mạnh, lá dày, ít nước, nhanh thành thục, tằm ăn an toàn ít bệnh và nâng cao chất lượng kén.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem