Bí quyết giúp nước mắm Cửa Khe giá cao vẫn bán số lượng "khủng"?

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ sáu, ngày 14/09/2018 18:17 PM (GMT+7)
“Nhất mắm Cửa Khe. Nhì chè An Phú”, đây là câu ca mà người dân xứ Quảng thường nhắc tới khi nói về làng nghề nước mắm Cửa Khe ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Trải qua bao nhiêu thăng trầm, người dân nơi đây vẫn ngày đêm sống khá với nghề sản xuất nước mắm truyền thống.
Bình luận 0

Thương hiệu nước mắm hơn 100 năm tuổi

Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban quản lý Làng nghề nước mắm Cửa Khe cho biết, nghề làm nước mắm ở đây đã có từ thuở cha ông đến khai hoang lập ấp, gắn với nghề đi biển. Làng nghề này đã phát triển qua hơn 100 năm và đang ngày càng phát triển mạnh.

img

Qua nhiều biến cố của lịch sử, người dân Cửa Khe vẫn giữ gìn làng nghề nước mắm truyền thống.

“Hiện nay, Cửa Khe có 65 hộ làm nghề chế biến nước mắm. Ban quản lý làng nghề nước mắm Cửa Khe được thành lập từ năm 2011, đến nay thu hút 11 cơ sở sản xuất lớn tham gia. Nhiều hộ nhờ sản xuất nước mắm mà đã vươn lên làm giàu. Tiêu biểu phải kể đến hộ bà Lê Thị Lợi, Trương Thị Bường, Nguyễn Thị Tám,...” - ông Hải cho hay.

img

Nguồn nguyên liệu nước mắm Cửa Khe là loại cá cơm than do ngư dân đánh bắt quanh khu vực đảo Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.

Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường hàng trăm nghìn lít nước mắm nguyên chất. Những chai nước mắm mang thương hiệu Cửa Khe đã bước đầu có mặt trong các siêu thị, với giá bán 50.000 đồng/lít. Hiện nay, nước mắm Cửa Khe đã được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

img

Nghề truyền thống Cửa Khe giải quyết một lượng lớn lao động cho địa phương.

Giá cao, nhưng “hút khách”

Ông Hải cho biết thêm, các hộ dân sản xuất nước mắm đã được tập huấn về quy trình sản xuất nước mắm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được đi thăm quan những làng nghề nước mắm ở Phú Quốc, Phan Thiết. Nguồn nguyên liệu cá cơm được các cơ sở thu mua là loại cá cơm than do ngư dân đánh bắt quanh khu vực đảo Cù Lao Chàm, Hội An. Những con cá cơm ở đây có chất lượng thịt tốt vì cá thường ăn các loại phù du từ sông Thu Bồn đổ ra khu vực cửa biển. Chính điều này góp phần tạo ra hương vị thơm ngon nức tiếng của nước mắm Cửa Khe. 

img

Với hương vị mặn mòi, thơm ngon, tinh khiết, giàu đạm,…, nước mắm Cửa Khe đã được người tiêu dùng nồng nhiệt đón nhận.

Bà Lê Thị Lợi - Chủ cơ sở nước mắm Bà Lợi (ở thôn 6, làng nước mắm Cửa Khe) nói: “Tham gia vào làng nghề đã giúp cho các hoạt động kinh doanh, tiếp thị sản phẩm được thuận lợi hơn trước rất nhiều. Mặc dù, giá nước mắm của làng nghề cao hơn so với các loại nước mắm khác nhưng khách hàng rất ưa chuộng, nhiều khi không có đủ để cung cấp. Hiện tại, cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình tôi có 4 lao động thường xuyên. Mỗi năm, cơ sở sản xuất và cho ra lò khoảng hơn 7.000 lít/năm, doanh thu khoảng 350 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 150 triệu đồng/năm”.

img

Nước mắm Cửa Khe đang được chính quyền địa phương xây dựng thành sản phẩm đặc trưng xứ Quảng.

“Với hương vị mặn mòi, thơm ngon, tinh khiết, giàu đạm,…, nước mắm Cửa Khe đã được người tiêu dùng nồng nhiệt đón nhận và đã có mặt ở nhiều siêu thị như Co.opMart Tam Kỳ, Big C Đà Nẵng và một số tỉnh thành trong cả nước. Hiện địa phương đang tiếp tiếp tục duy trì và xây dựng thương hiệu làng nghề nước mắm Cửa Khe thành sản phẩm đặc trưng xứ Quảng”, ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem