Biểu tượng của sự kiên cường, sáng tạo

Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch thường trực Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN - (Đình Thắng – Vinh Hải ghi) Thứ sáu, ngày 04/09/2015 07:15 AM (GMT+7)
Có thể nói, giai cấp nông dân (ND) ở bất cứ thời điểm nào vẫn luôn phát huy vai trò chủ thể của mình, phát huy tinh thần cách mạng tiến công, tiến công chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, tiến công chống giặc đói, chống thiên tai, dịch bệnh, không cam chịu đói nghèo để xây dựng, phát triển đất nước.
Bình luận 0

Lực lượng khai quốc

Nhìn vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta rất tự hào về giai cấp ND Việt Nam, họ là những người đóng góp, hy sinh phấn đấu và cống hiến nhiều nhất cho đất nước. Người ND là biểu tượng của ý chí vươn lên, ý chí kiên cường, của lòng vị tha. Đó là truyền thống quý báu, là cái nôi vốn có cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn cách mạng cũng như giai đoạn hiện nay.

Những năm 1930 -1945 của thế kỷ trước, ND đã đứng lên đấu tranh chống thực dân phong kiến, tích cực và chủ động tham gia đấu tranh, diễu binh tuần hành, đứng lên khởi nghĩa. Lực lượng tuần hành đấu tranh phải đến hơn 90% là ND, vừa đấu tranh, vừa sản xuất, tập hợp lực lượng. Đến năm 1945, ND các vùng nông thôn kéo về thành thị dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, vùng lên tham gia các cuộc tuần hành đấu tranh giành độc lập.

img

Phó Chủ tịch thường trực Lại Xuân Môn (phải) thăm mô hình nuôi trồng rong sụn của nông dân Ninh Thuận. Ảnh: T.L

Đã có những bài học tổng kết cách mạng giai đoạn 1930 – 1945 là dựa vào ND, tập hợp sức mạnh từ người ND. Đến giai đoạn lịch sử 1954 - 1975, vai trò của ND càng lớn hơn. Với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, người ND chắc tay súng, vững tay cày, vừa sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, vừa xung phong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1986, Nhà nước đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới về kinh tế. Trong lĩnh vực kinh tế, điểm khởi đầu chính là đổi mới từ nông nghiệp, với một loạt chính sách ra đời như Chỉ thị Khoán 10, giao ruộng đất cho ND. Chính sách này đã tạo ra những đột phá lớn trong sản xuất nông nghiệp. Người ND được làm chủ trên mảnh đất của mình, đã tích cực đầu tư, phát huy truyền thống đoàn kết cần cù lao động sáng tạo, thông minh, chịu khó để vượt qua đói nghèo. Sau khi thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta không chỉ đủ lương thực  để tiêu dùng mà còn dôi dư để xuất khẩu.

Đến nay, nền nông nghiệp nước ta đã có những bước đột phá rất lớn. Từ một đất nước đói triền miên trở thành quốc gia xuất khẩu những mặt hàng nông sản với số lượng đứng nhất nhì thế giới. Kinh tế nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP cho đất nước, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.

Sau 30 năm đổi mới, kinh tế nông nghiệp đã làm vị thế đất nước nâng lên rõ rệt, các nước khác biết đến Việt Nam với những dấu ấn từ các mặt hàng nông nghiệp, họ khâm phục Việt Nam về sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo.

Cần có những giải pháp đột phá

"   Hội NDVN với chức năng của mình, tuyên truyền định hướng vận động ND sản xuất đạt năng suất chất lượng hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Hội hỗ trợ về vốn, vật tư nông nghiệp, đào tạo nghề, thậm chí “cầm tay chỉ việc” cho ND. Hội  đang hết sức cố gắng hỗ trợ hỗ trợ hội viên nâng cao kiến thức, nâng cao tay nghề để góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng”.  
Ông Lại Xuân Môn

 Người ND mặc dù có những đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh bảo vệ và phát triển đất nước nhưng tại sao đến nay đời sống của họ vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong ND là chủ yếu? Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.

Tôi cho rằng do chúng ta chưa kịp thời thay đổi các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp. Sau 30 năm đổi mới, chúng ta thực hiện giao đất cho hộ ND sản xuất, điều đó là đúng đắn, tuy nhiên chúng ta cần có những chính sách để thay đổi tổ chức sản xuất để phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, chúng ta cần kịp thời có chính sách liên kết các nông hộ thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Hiện nay, hộ ND vẫn tổ chức sản xuất khó khăn, nhỏ lẻ, manh mún, thường xuyên gặp tình trạng được mùa mất giá.

Tôi cho rằng, chúng ta cần phải tiếp tục đổi mới về nông nghiệp, nông thôn, ND. Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) để tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng, tuy nhiên công cuộc đổi mới, tái cơ cấu nông nghiệp những năm qua vẫn còn chậm. Tình trạng được mùa rớt giá vẫn diễn ra. Chúng ta chưa có giải pháp đột phá để người ND phát huy truyền thống, khai thác tiềm năng thế mạnh để yên tâm sản xuất, gắn bó với đồng ruộng để đời sống được nâng lên. 

Hội NDVN vẫn thường xuyên đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn. Chúng ta phải quy hoạch lại vùng sản xuất, đâu là chuyên canh, đâu là thâm canh; cần định hướng cho người ND sản xuất theo đúng quy hoạch, theo nhu cầu thị trường; phải tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết hộ ND hợp tác với nhau, các hộ ND phải liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp để nâng chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập cho người ND.

 Nhà nước và doanh nghiệp cũng cần có chính sách hỗ trợ đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho ND. Có như thế chúng ta mới phát huy tối đa vai trò, sức mạnh của ND trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem