Bình Phước: Hiệu quả khi Hội dạy nghề theo “đơn đặt hàng”

Trần Cửu Long Thứ bảy, ngày 12/10/2019 09:52 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về nâng cao trình độ người lao động, nhất là vùng nông thôn, Hội Nông dân (ND) tỉnh Bình Phước đã chú trọng nâng chất công tác dạy nghề bằng việc đào tạo lao động theo nhu cầu thực tế.
Bình luận 0

Theo bà Nguyễn Thị Lanh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Phước, thời gian qua Hội đã tập trung dạy nghề theo nhu cầu của thị trường. Năm 2018, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội ND tỉnh) đã phối hợp Công ty TNHH Cao su Bình Phước, Công ty TNHH Tinh Thần Việt triển khai đào tạo theo địa chỉ.

Sau đào tạo đã có 913 học viên được 2 công ty nhận vào làm công nhân cạo mủ cao su. “Sắp tới, Hội sẽ đào tạo nghề theo yêu cầu của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam” - bà Lanh cho hay.

Dạy theo đơn đặt hàng

img

img

Giảng viên đang hướng dẫn nông dân ghép điều. Ảnh: T.C.L

"Việc hỗ trợ nông dân học nghề và giải quyết việc làm đang từng bước góp phần giảm nghèo, tăng hộ khá, giàu, tạo niềm tin cho nông dân trong xây dựng và phát triển kinh tế nông hộ, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Ông Lê Văn Mãi -
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH

Lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, hiện 58% dân số tỉnh Bình Phước đang trong độ tuổi lao động. Mỗi năm có thêm hàng nghìn người bước vào độ tuổi lao động, tạo sức hấp dẫn các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư. Sở đang đã phối hợp Hội ND tỉnh tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Hội ND tỉnh, năm 2018, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã tổ chức 35 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 1.000 lao động nông thôn gồm: 31 lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; 3 lớp kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gà; 1 lớp kỹ thuật trồng nấm.

Bình Phước là tỉnh có diện tích cao su rất lớn, việc Hội ND tỉnh phối hợp các công ty cao su trên địa bàn mở lớp dạy nghề khai thác mủ cao su đã thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia.

Tính chung, trong 5 năm qua, các cấp hội đã phối hợp tổ chức dạy nghề cho hơn 16.700 hội viên, nông dân, lao động nông thôn, với các ngành nghề như: Kỹ thuật chăm sóc, khai thác cao su; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gà, lợn; kỹ thuật ghép điều, trồng nấm...

Chị Vũ Thị Bích (thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng) tham gia lớp học kỹ thuật nuôi gà do Hội ND tỉnh tổ chức cho biết, sau khi học xong chị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, được Hội ND hỗ trợ giống, vật liệu làm chuồng trại và một ít thức ăn viên. “Nhờ vậy lứa gà đầu tiên tôi nuôi rất thành công, thu hồi vốn rồi tái đàn. Bây giờ tôi đã nuôi thành thục, lúc nào chuồng cũng có 3 lứa gà nuôi gối” - chị Bích thổ lộ.

Cầm tay chỉ việc

Theo bà Lanh, hiện các lớp đào tạo nghề của các cấp Hội ND đều theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, chú trọng hướng dẫn thực hành giúp học viên có thể áp dụng ngay vào quá trình sản xuất, chăn nuôi thực tế. Bên cạnh đó, hội còn tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, hàng năm Hội ND tỉnh còn phối hợp Sở Khoa học- Công nghệ, Sở NNPTNT thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Điển hình như đã chuyển giao kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp; nuôi cá lăng nha; ứng dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn và nuôi gà; thực hiện mô hình hầm khí sinh học biogas cho trang trại nuôi heo.

Đồng thời, chuyển giao mô hình “Ứng dụng khoa học, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm kết hợp với chế phẩm AMS-1 và phân bón hữu cơ sinh học trên cây hồ tiêu”; mô hình tưới nước nhỏ giọt, tưới phun bằng năng lượng mặt trời trên cây tiêu, cây ăn trái, rau trong nhà lưới; xây dựng và phát triển 5 vùng rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP, 3 mô hình VietGAP trên cây bưởi sử dụng phân hữu cơ vi sinh; thí nghiệm 2 mô hình biogas và đệm lót sinh học trong nuôi lợn để đánh giá so sánh nhân rộng.

Với sự hỗ trợ của các cấp hội, nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ từng bước hình thành, được nông dân ứng dụng rộng rãi như: Trồng rau thủy canh, dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới theo công nghệ cao đã có hiệu quả về kinh tế, xã hội cũng như môi trường. Mới đây, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã đầu tư xây dựng các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, nấm bào ngư... để nông dân học tập và nhân rộng.

Ông Lê Văn Mãi - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, những năm qua, công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm của tỉnh đạt được kết quả cao phải ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan. Đặc biệt là mối quan hệ gắn kết giữa Sở LĐTBXH với Hội ND tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem