Họp khẩn cấp về 2 áp thấp nhiệt đới: Đường đi lắt léo, nguy hiểm

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 03/09/2019 12:57 PM (GMT+7)
Trước đường đi phức tạp, lắt léo của áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương kiểm soát chặt hệ thống tàu thuyền trên biển, đồng thời đảm bảo an toàn hồ đập, di dời dân khỏi những vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống lũ quét.
Bình luận 0

Diễn biến khó lường

Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai bàn giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn sáng 3/9, các ý kiến đều nhận định, đường đi của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) khó lường, lắt léo, có thể gây nguy hiểm cho tàu bè nếu không được cảnh báo sớm và kịp thời.

Theo báo cáo của ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào 01h00 sáng ngày 03/9, ATNĐ đã ở trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế gây mưa to tại các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế với tổng lượng mưa từ 1h00-4h00 từ 150-200mm. 

Trong khi đó, ATNĐ trên khu vực giữa biển Đông cũng diễn biến phức tạp. Hồi 04h00 ngày 03/9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15km.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

"Cảnh báo từ ngày 03-06/9, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế 500-700 mm/đợt). Các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên" - ông Khiêm cảnh báo.

Về tình hình tàu thuyền, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 06h00 ngày 03/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.462 phương tiện/312.630 người. Trong đó có 67.072 tàu/280.303 người neo đậu tại các bến; 4.279 tàu/31.513 người hoạt động ở khu vực biển khác; 111 tàu/814 người hoạt động khu vực Quần đảo Hoàng Sa, các phương tiện đã nắm được thông tin về ATNĐ và đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm.

Về tình hình các hồ chứa, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết các hồ thủy lợi ở khu vực miền Trung hiện tại đang thấp, tại khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 40-60% dung tích thiết kế; khu vực Tây Nguyên ở mức 65-80% dung tích thiết kế. Trong khu vực có 104 hồ xung yếu.

"Tuy nhiên với lượng mưa lớn như dự báo đối với khu vực miền Trung thì có khả năng các hồ chứa thủy lợi nhỏ sẽ đầy nước và nhiều nguy cơ nên cần chú ý" - ông Tỉnh lo ngại.

Lo ngại cho tàu thuyền

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là đội ngũ tàu còn hoạt động trên biển, nếu ATNĐ diễn biến dị thường, đường đi khó đoán, rất có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền trên biển.

img

Các địa phương cần đặc biệt lưu ý kiểm đếm các phương tiện hoạt động trên biển do đường đi của áp thấp nhiệt đới rất dị thường. Ảnh: I.T

"Vì vậy, cần chú ý tiếp tục theo dõi tình hình tàu thuyền, không được chủ quan, trong đó đặc biệt lưu ý các tàu vận tải nhỏ. Để ứng phó với diễn biến mưa lớn tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cần chỉ đạo quyết liệt sẵn sàng cho việc tiêu úng đồng thời khẩn trương tổ chức thu hoạch diện tích lúa còn lại. Đảm bảo công tác an toàn giao thông đặc biệt tuyến đường sắt Bắc Nam, đường mòn có khả năng bị chia cắt do lũ. Đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian khai giảng" - ông Hoài nói.

Phát biểu chỉ đại tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định sự xuất hiện của 2 áp thấp nhiệt đới cùng lúc, kèm theo các tác động cơn bão Lingling ở ngoài khơi vùng biển Philippines, khiến tình hình thời tiết khu vực biển và đất liền ở Trung Bộ trở nên tiêu cực, khó lường.

"Việc liên tục xuất hiện những dạng hình khí tượng rất bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của tuyến biển, đồng thời tác động cực đoan đến thời tiết đất liền" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định. 

"Thông thường, áp thấp nhiệt đới sẽ tan ngay khi vào trong đất liền nhưng hướng di chuyển của cơn này rất dị thường. Sau khi đi vào các tỉnh, áp thấp nhiệt đới này sẽ quay trở lại khu vực đông bắc, phát triển ra phía ngoài khu vực biển và mạnh lên thành bão", Bộ trưởng NNPTNT nhấn mạnh

Theo đó, cơn Kajiki có thể chịu thêm ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực giữa Biển Đông khiến hướng di chuyển và cường độ thay đổi. Hoàn lưu của cơn áp thấp nhiệt đới này không chỉ chạy theo một trục là hướng tây mà chạy quanh quẩn theo vòng tròn, đây cũng là hiện tượng cần đặc biệt lưu ý. 

Cùng với đó, cơn bão Lingling phía bên ngoài vùng biển ngoài khơi Philippines cũng đang có hướng phát triển lên phía bắc. Khi cả 3 hình thái tương tác với nhau có thể gây ra các dạng hình mới thay đổi cả về cường độ, tác động và hướng di chuyển.

Theo dự báo, vùng nguy hiểm trên biển của nước ta bắt đầu từ vĩ độ 13, đây là khu vực có nhiều tàu thuyền hoạt động. Tác động của các trạng thái gió cũng trở nên khó lường, các cơn có thể liên tục phát triển về kích thước và không đồng nhất về hướng đi.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cần đặc biệt lưu ý những diễn biến mới của các hình thái thời tiết, xâu chuỗi và đưa ra những đánh giá cụ thể về ảnh hưởng của các hình thái này đến thời tiết biển và đất liền.

Từ ngày 03-06/9, mưa cục bộ lớn xảy ra tại khu vực Nam Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, khu vực có sông ngắn và dốc có thể khiến lũ lên nhanh, cần chú sẵn sàng phương án phòng chống lũ, sạt lở, lũ ống, lũ quét, tai biến địa chất.

Kiểm tra, rà soát công tác vận hành, phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công. Tại Thừa Thiên Huế cần chú ý 03 hồ chứa lớn đặc biệt hồ Tả Trạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem