Bộ trưởng NNPTNT: Quản lý phân bón đang có sự mất trật tự ghê gớm

Lương Kết - Thiên Hương Thứ bảy, ngày 09/06/2018 06:47 AM (GMT+7)
Phát biểu giải trình về các góp ý của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Trồng trọt trong chiều nay 8/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Tại phiên thảo luận tại hội trường, đã có 20 ý kiến tham gia góp ý, còn 8 người đăng ký nhưng chưa được phát biểu.
Bình luận 0

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt chiếm vị trí hết sức quan trọng, hiện đang thu hút tới khoảng 62% lao động. Nếu tính GDP trong nông nghiệp thì trồng trọt đóng góp tới 52%, còn trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản thì giá trị từ ngành trồng trọt chiếm hơn 50%.

img

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: I.T

Trong những mặt hàng xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, riêng trồng trọt chiếm tới 70%. Năm 2017, xuất khẩu 36,52 tỷ USD, thì các mặt hàng trồng trọt chiếm 19 tỷ USD, và dự báo năm nay con số đó có thể tăng lên hơn 20 tỷ USD.

Điều đó cho thấy, việc ra đời Luật Trồng trọt là yêu cầu cần thiết, để chi phối toàn bộ hoạt động của ngành sản xuất quan trọng này.

"Qua góp ý thấy các đại biểu đều thống nhất cao với tên gọi là Luật Trồng trọt. Về bố cục của dự thảo Luật với 7 chương 82 điều, nghiên cứu góp ý của các đại biểu và đọc lại thấy mất cân đối trong thiết kế. Kết cấu phải thay đổi để đảm bảo được tính chất là một ngành hàng trồng trọt. Một số vấn đề mới và then chốt, như bảo vệ thực vật, phân bón nông nghiệp hữu cơ, thì Luật phải nói rõ hơn. Nhưng vấn đề then chốt vừa là yết hầu cần tháo gỡ vừa là lợi thế nếu chúng ta tháo gỡ được thì mới thúc đẩy nông nghiệp của chúng ta phát triển. Đó như là định đề nếu chúng ta không làm được thì nông nghiệp Việt Nam không phát triển được" - Bộ trưởng Cường nói.

Ví dụ, trước vấn đề phân bón, chúng ta có 735 cơ sở sản xuất phân bón, với đăng ký về công suất tới 29 triệu tấn, 20 nghìn tỷ đầu tư cho phân bón, một sự mất trật tự ghê gớm. 90% là phân vô cơ, chỉ có 10% là phân bón hữu cơ.

Bộ trưởng lấy thêm ví dụ nữa, về công tác bảo vệ thực vật, so với các nước, nước ta sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với sản lượng lên tới 100 nghìn tấn/năm/20 triệu ha canh tác, như vậy chưa phải là cao nhưng rất mất cân đối.

"Những nội dung này cần thể hiện rõ trong luật để biểu hiện quyết tâm cao của cơ quan quản lý, phân rõ chức năng, nhiệm vụ để tháo gỡ cho được các nút thắt. Khi xây dựng Luật, phải xác định đây là căn cứ pháp lý quan trọng để cả hệ thống chính trị, nhất là cơ quan quản lý và các đối tượng tham gia tổ chức sản xuất ngành hàng này phải thực hiện" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Việc xây dựng Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem