Cà Mau: Chỉ trồng dưa leo đẹp như tranh vẽ, thu 500 triệu/năm

Trúc Đào (Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau) Thứ hai, ngày 29/04/2019 19:15 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Chẳng, ấp Đầu Nai, xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau) trồng 1ha dưa leo trên đất ruộng. Mỗi vụ ông thu hoạch dưa leo bán mang về 500 triệu đồng. Đấy là còn chưa kể nguồn thu từ 2 vụ trồng lúa trước đó. Nhưng so với lúa, dưa leo cho thu nhập cao hơn rất nhiều.
Bình luận 0

Trồng màu từ lâu được biết đến là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, nhất là những hộ có ít đất sản xuất. Trong những năm gần đây, nhờ đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt mà chuyện thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nghề trồng rau màu không còn là chuyện quá xa vời của nhiều hộ nông dân trong tỉnh Cà Mau. 

 

img

Mô hình trồng dưa leo của gia đình ông Chẳng cho nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng/vụ. 

 Vườn dưa leo của gia đình ông Nguyễn Văn Chẳng, ấp Đầu Nai, xã Tân Phú, huyện Thới Bình được trồng trên đất ruộng gần 7 năm nay. Khởi điểm ban đầu chỉ là trồng thử vài luống dưa leo để cung cấp rau sạch hàng ngày cho gia đình, nhưng rút kinh nghiệm từ lần đầu tiên ông Chẳng đã mạnh dạn trồng luân canh 2 vụ lúa và 1 vụ màu trên 1ha đất sản xuất của gia đình.

Mặc dù, chưa từng học qua kỹ thuật trồng màu nhưng nhờ cần cù, chịu khó trong từng giai đoạn chăm sóc, bón phân, nhất là mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới tiêu mà nhiều năm nay vườn dưa leo của ông Chẳng luôn phát triển xanh tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh. 

Vụ màu năm 2018, ông Chẳng thu hoạch dưa leo bán với giá 6000 đồng/kg, mỗi công gia đình ông thu nhập gần 60 triệu đồng. Với 1ha đất, sau vụ màu ông Chẳng có nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Chẳng cho biết: “Tôi nghĩ mô hình nào cũng có khó khăn ban đầu, nhưng quan trọng là mình phải kiên trì thì nhất định sẽ đạt được thành công. Hiện tại, tôi chỉ trồng duy nhất giống dưa leo 635. Loại này, mặc dù trái không được đẹp nhưng năng suất đạt được rất cao, giá cả cũng không chênh lệch với các loại khác nên đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình”. 

Từ thành công của mô hình, ông Chẳng cùng một số anh em trong vùng liên kết lại để thành lập tổ hợp tác trồng rau màu. Gần 3 năm đi vào hoạt động, các thành viên trong tổ luôn phối hợp chặt chẽ trong việc chọn giống, trao đổi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình canh tác.

Vụ màu vừa qua, trung bình mỗi tổ viên trồng dưa leo đạt năng suất từ 13-17 tấn/công. Nguyễn Văn Chọn, thành viên Tổ hợp tác trồng màu ấp Đầu Nai, xã Tân Phú cho biết: “Tôi chỉ có 2 công đất trồng lúa nên sản lượng lúa hàng năm cũng không đáng là bao. Thời gian qua, nhờ được anh em trong xóm hỗ trợ tham gia tổ hợp tác, tôi đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm hữu ích trong quá trình trồng màu như: sử dụng phân thuốc sinh học, hạn chế các thuốc bảo vệ thực vật gây hại, nên chất lượng đầu ra được đảm bảo. Điều mà anh em tổ viên chúng tôi mong muốn là hướng đến thành lập hợp tác xã, được bao tiêu sản phẩm để tổ viên có được nguồn thu nhập ổn định”.

 

img

Nông dân Cà Mau đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng màu, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

 Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã bắt đầu tìm tòi áp dụng mô hình trồng rau màu sạch theo hướng VietGAP, trồng màu trong nhà kính, nhà lưới để vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa có nguồn rau chất lượng cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, những hộ này chỉ dừng lại ở mức trồng rau màu nhỏ lẻ, một vài nơi nơi hình thành được vùng sản xuất tập trung nhưng số lượng chưa nhiều. 

Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp Cà Mau đã có nhiều biện pháp, tổ chức sắp xếp lại sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân; tập trung xây dựng, tổ chức thí điểm, trình diễn mô hình sản xuất, đưa các giống cây trồng mới có năng suất chất lượng giá trị cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.  Trong đó, ngành nông nghiệp chú trọng khâu tuyên truyền tập huấn để người dân nhận thức đúng và đầy đủ về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất.

Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Cà Mau - Nguyễn Trần Thức - cho biết: “Để tạo được giá trị bền vững trong sản xuất, nhất là trồng rau màu không phải là vấn đề một sớm một chiều. Bên cạnh sự vào cuộc hỗ trợ của ngành chức năng, người dân cũng cần thay đổi tư duy tập quán sản xuất cũ, hạn chế sử dụng phân bón thuốc trừ sâu có hại, đảm bảo chất lượng sản phẩm rau màu cung ứng ra thị trường. Khi đạt được những điều đó thì việc hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, giúp nông dân làm giàu bền vững từ nông sản sạch là vấn đề trong tầm tay”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem