Cà phê nhuộm lõi pin: Do thiếu quy chuẩn cà phê rang xay, hòa tan?

Minh Anh Thứ sáu, ngày 20/04/2018 06:05 AM (GMT+7)
Vụ việc lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở chế biến, rang xay cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Nông dùng phụ phẩm để chế biến cà phê và nhuộm đen bằng lõi pin đã cho thấy một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý bởi đến thời điểm này vẫn chưa có quy chuẩn cho cà phê rang xay và cà phê hòa tan.
Bình luận 0

Nhập nhằng bẩn – sạch

Là nước xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới với sản lượng hàng triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng triệu đô la, nhưng có một nghịch lý là người dân Việt Nam muốn mua cà phê sạch 100% khó như… hái sao trên trời.

Theo báo cáo thường niên của Bộ Nông nghiệp Mỹ, niên vụ 2015 - 2016, lượng tiêu thụ cà phê rang xay nội địa tại Việt Nam ước đạt 2,25 triệu bao, tương đương 135 triệu kg cà phê nguyên liệu. Quy đổi theo số lượng này, mỗi năm người Việt tiêu thụ gần 17 tỷ ly cà phê - một  con số không hề nhỏ.

img

Cho đến nay vẫn chưa có quy chuẩn cho café rang xay. Ảnh: IT

img

   Một vụ việc pha trộn tạp chất bẩn trong cà phê được phát hiện tại Gia Lai.  Ảnh: IT

Lượng tiêu thụ cà phê rang xay nội địa tại Việt Nam ước đạt 2,25 triệu bao, tương đương 135 triệu kilôgam cà phê nguyên liệu, số ly cà phê người Việt tiêu thụ gần 17 tỷ ly/năm.

Trong một cuộc tọa đàm, Giám đốc kinh doanh của Vinacafe - một doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến, kinh doanh cà phê đã thừa nhận: Cà phê của công ty không phải là cà phê nguyên chất mà có trộn thêm đậu nành. “Năm 2012, đứng trước sức ép của thị trường, sức ép của gu thưởng thức cà phê mới, chúng tôi đã làm ra hai sản phẩm Wake-up và Phinn có trộn đậu nành vào trong cà phê" - vị CEO này thừa nhận.

Cũng vì gu riêng, vì lợi nhuận… mà nhiều triệu người Việt Nam chưa được thưởng thức một ly cà phê đúng nghĩa, cho dù có tận 35 triệu ly cà phê được bán ra mỗi ngày. “50% cà phê trên thị trường không phải cà phê nguyên chất. Chúng ta đứng số 1 về cà phê Robusta, thứ 2 về xuất khẩu cà phê nói chung, nhưng người Việt Nam không được uống cà phê thực sự” - đại diện Vinacafe cho biết. Ngay cả Nestle cũng thừa nhận phải trộn thêm bột đậu nành và cà phê để… chiều lòng khách hàng.

Nhưng dù sao những doanh nghiệp lớn, sản xuất theo quy trình đã được kiểm tra nghiêm ngặt thì chất lượng cà phê rang xay, cà phê hòa tan vẫn được đảm bảo. Còn những cơ sở, doanh nghiệp chế biến nhỏ lẻ thì quản lý ra sao? Dư luận cho rằng, vụ việc cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp (Đăk Nông) bị phát hiện trộn tạp chất, nhuộm cà phê bằng lõi pin chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Bởi theo theo hồ sơ lưu tại Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NNPTNT Đăk Nông), nhiều mẫu cà phê sau khi được kiểm định bởi cơ quan có thẩm quyền đã thu được kết quả là tỷ lệ caffein bằng 0, có nghĩa là không có thành phần của cà phê trong sản phẩm cà phê bột.

Điều đó đồng nghĩa với việc chủ nhiều cơ sở rang xay cà phê không hề sử dụng hạt cà phê để rang, mà chỉ sử dụng bắp, đậu nành và một số loại khác, chưa kể sử dụng tổng hợp hóa chất, hương liệu trôi nổi trên thị trường.

Vẫn chưa có quy chuẩn

Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; việc quản lý chất lượng sản phẩm nông sản thuộc trách nhiệm của Bộ NNPTNT.

Trên cơ sở này, năm 2016, Bộ NNPTNT đã ban hành 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc tế về cà phê, bao gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở chế biến cà phê – điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm QCVN 01-06 và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cà phê nhân – các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm QCVN 01 – 26.

Cũng trong năm 2016, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5251:2015 về cà phê bột được ban hành nhưng cũng chỉ xác định một số chỉ tiêu chung chung về màu sắc (màu nâu đặc trưng của sản phẩm), mùi (thơm đặc trưng của sản phẩm), vị (đặc trưng của sản phẩm), trạng thái (dạng bột mịn, không vón cục), cà phê pha (có màu đặc trưng của sản phẩm), độ mịn, hàm lượng cafein (tính theo phần trăm khối lượng, không nhỏ lớn 1%)… Tiêu chuẩn này đáng tiếc không phải là một quy chuẩn cụ thể về chất lượng cà phê rang xay, cà phê bột.

Như vậy, cho đến thời điểm này, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu với cà phê nhân, còn quản lý chất lượng cà phê rang xay, cà phê hòa tan vẫn bị bỏ ngỏ.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay sáng 19.4, ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cho biết: “Cho đến nay vẫn chưa có quy chuẩn cho cà phê rang xay mặc dù Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Y tế, Bộ NNPTNT rất nhiều lần”.

Ông Vinh cho rằng, cần thiết phải có một quy chuẩn cụ thể cho cà phê rang xay, trong đó phải nêu rõ quy định thành phần trong cà phê gồm những gì, được phép pha trộn tỷ lệ bao nhiêu phần trăm để đảm bảo sức khỏe con người. Đáng tiếc, ngoài những quy định rất chung chung về màu sắc, mùi vị, những quy chuẩn khác chưa hề có. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp chế biến thích làm gì thì làm.

Đồng quan điểm, trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam khẳng định: “Chúng ta đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với cà phê nhân nhưng chưa có quy chuẩn cho cà phê rang xay và cà phê hòa tan nên khâu đó còn bỏ ngỏ, dẫn đến hậu quả là không kiểm soát được chất lượng cà phê trong nước”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem