Cá rô phi hết bị bỏ phí

Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 03/04/2015 06:45 AM (GMT+7)
Cá rô phi vốn dễ nuôi, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon nhưng thời gian qua, nhiều địa phương đã bỏ phí cơ hội mở rộng phát triển. Tuy nhiên, điều này nay đã khác, khi cá rô phi đã được xác định là 1 trong 4 mặt hàng thủy sản chủ lực.
Bình luận 0

Không còn là cá “phụ”

Ông Phạm Văn Đoàn (56 tuổi) ở thôn Đoàn Khuê, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, có diện tích mặt nước 8.000m2, cho biết: Nếu có được giống cá rô phi tốt, mỗi năm sẽ thả gối đầu được 3 vụ, lợi nhuận 200 triệu đồng/năm. Trung bình mỗi lứa nuôi thu được khoảng 3 tấn cá/ao, với giá bán khoảng 34.000 đồng/kg. “Sau 6 tháng nuôi, mỗi con cá rô phi có thể đạt được trọng lượng từ 1-1,2kg. Với ưu điểm thịt thơm ngon, đậm đà hơn nhiều loài cá truyền thống, giá cả phù hợp, dễ chế biến… nên cá rô phi hiện rất được thị trường ưa chuộng” - ông Đoàn nói.

img

Nhiều địa phương đang đẩy mạnh phát triển cá rô phi. Trong ảnh: thu hoạch cá rô phi  ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, Bắc Giang.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở cùng xã Tiên Động có gần 2ha diện tích mặt nước cũng chủ yếu dành để nuôi cá rô phi, trong năm 2014 đã thu về gần 400 triệu đồng. “Cá rô phi nuôi đơn giản, phàm ăn, nhanh lớn, sức đề kháng cao hơn so với các loài cá truyền thống. Nếu được đầu tư tốt, Nhà nước có chính sách hỗ trợ con giống chuẩn và quy trình nuôi cho người dân thì triển vọng xuất khẩu cá rô phi là rất lớn” - ông Thanh nói.

Bà Bùi Thị Liên – Chủ nhiệm HTX Thuỷ sản Tiên Động cho biết, ở Tiên Động có môi trường rất thuận lợi như diện tích mặt nước rộng, khí hậu phù hợp cho phát triển cá rô phi. “Rô phi là loài cá ít dịch bệnh, phàm ăn, có thể sống được ở mật độ dày, rất phù hợp với nuôi công nghiệp. Tuy loài cá này tiêu tốn thức ăn nhưng cũng rất nhanh lớn và được thị trường ưa chuộng, đầu ra rất ổn định”- bà Liên nói.

Theo ông Phan Thành Thiêm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Hải Dương, kết quả nuôi cá rô phi trên địa bàn trong những năm qua là rất hiệu quả, năng suất và giá trị luôn đạt cao trên một đơn vị diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Từ một loài cá chỉ được coi là nuôi phụ, nuôi xen kẽ trong ao với các loài cá truyền thống, ít người quan tâm thì đến nay cá rô phi đã trở thành vật nuôi chính. Năm 2014, diện tích nuôi cá rô phi của Hải Dương đã đạt hơn 4.000ha, sản lượng đạt xấp xỉ 30.000 tấn, năng suất nuôi thâm canh đạt 20 tấn/ha và hứa hẹn nhiều triển vọng.

Chưa chủ động được nguồn giống

Theo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT), hiện diện tích nuôi cá rô phi cả nước đã đạt hơn 17.000ha và hơn 1 triệu m3 lồng bè, tăng gấp 20 lần so với năm 2005. Sản lượng năm 2014 đạt 151.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 30 triệu USD. Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng cho thấy, hiện thị trường Mỹ nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam nhiều nhất với kim ngạch 19 triệu USD năm 2014. Trong 5 năm gần đây, mặt hàng cá rô phi luôn có tốc độ tăng trưởng 30%, giá cũng ổn định ở mức cao. “Nếu trong những năm tới, chúng ta có thị trường tiêu thụ và có chất lượng con giống tốt, sản lượng cá rô phi có thể đạt 200.000 tấn và xuất khẩu đạt 100.000 tấn”- ông Bùi Đức Quý – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) nói.


Ông Bùi Đức Quý
 Cá rô phi ngoài tiêu dùng trong nước, còn xuất khẩu tới 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, thịt cá rô phi thơm ngon, giá rẻ. Tổng cục Thuỷ sản cũng xác định, từ năm 2015-2020, cá rô phi, cá tra, tôm, ngao sẽ là 4 đối tượng nuôi chủ lực của thuỷ sản Việt Nam. 
Cũng theo ông Quý, hiện Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất cá rô phi có tiềm năng lớn với diện tích mặt nước lên tới hàng triệu ha. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất hiện nay là chưa chủ động được nguồn con giống, hiện hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.

 

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc đưa giống cá rô phi vào Việt Nam, ông Nguyễn Đức Chí (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết: “Thời gian để nuôi một lứa cá rô phi rất ngắn, do ít dịch bệnh nên rủi ro cũng ít hơn và năng suất cao hơn so với các loại cá truyền thống như trôi, chép, mè, trắm... Tuy nhiên, điểm hạn chế của loài cá này là hiện Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nguồn giống vào nước ngoài, chưa tự tạo được ra cá giống bố mẹ. “Các doanh nghiệp sản xuất giống cũng chỉ làm công đoạn nhập khẩu cá khoảng 21 ngày tuổi về để nuôi gia công cho tới 30 -45 ngày tuổi thì bán lại cho người dân. Do đó, giá giống vẫn còn cao, dẫn tới giá thành sản xuất cá rô phi của Việt Nam cao hơn Trung Quốc từ 15-20%” - ông Chí cho biết.

Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 4 đơn vị, cả cơ quan của nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia sản xuất giống cá rô phi với lượng giống cung cấp ra khoảng 25 triệu con/năm nhưng cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của thị trường. Như vậy, những người nuôi vẫn phải tự tìm kiếm nguồn giống ở nhiều tỉnh khác, thậm chí vẫn có người phải tự nuôi cá thịt rồi để cho đẻ, tuy vẫn có đủ lượng giống nhưng cá nhanh thoái hoá, năng suất không cao.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem