Cà rốt mất giá, nông dân mất tết

Trần Quang Thứ tư, ngày 14/01/2015 08:10 AM (GMT+7)
Đang vào vụ thu hoạch, song do giá cà rốt giảm sâu nên nông dân không đoái hoài gì,  khiến hàng trăm ha cây trồng này ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh)  bị bỏ mặc ngoài ruộng.
Bình luận 0

“Mang về cho bò, lợn ăn thôi”

Trái ngược hẳn với năm 2013, vụ thu hoạch năm nay trên cánh đồng trồng cà rốt của xã Cao Đức, huyện Gia Bình vẫn vắng ngắt, thi thoảng mới có bóng nông dân phóng xe máy đảo qua thăm ruộng. Vừa nhổ kiểm tra cà rốt, thấy chúng tôi đến bắt chuyện, anh Nguyễn Văn Kiên (thôn Trại Than) buồn rầu bảo: Năm nay thời tiết thất thường, mưa nhiều, dù gia đình đã chăm bón tốt, song, cà rốt vẫn kém củ, sản lượng đạt hơn 1 tấn/sào - bằng một nửa các năm trước. Đã thế các tư thương còn ép giá xuống thấp khiến nông dân chúng tôi buồn chả muốn nhổ bán nữa”.

img
Lo ngại giá giảm sâu thêm, một số hộ dân ở xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình đã bắt đầu nhổ cà rốt bán đổ bán tháo cho tư thương. (Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Bến đóng bao cà rốt cân bán tại ruộng).  
Anh Kiên cũng cho biết, năm nay nhà anh trồng hơn 1 mẫu cà rốt, tính ra tiền đầu tư lên đến trên 20 triệu đồng. Từ đầu vụ đến giờ có nhiều tư thương đến hỏi mua nhưng toàn ép giá, có khi họ còn trả đến 400 đồng/kg nên anh không nhổ bán, cứ để ở ruộng chờ giá lên mới bán. “Gần chục năm trồng và kinh doanh cà rốt nhưng chưa khi nào tôi thấy giá cà rốt lại tuột dốc thê thảm như năm nay. Nếu tính thu hoạch 1 sào, trừ gần 50% cà rốt loại 2, 3 (gồm loại củ to quá kích cỡ và nhỏ bỏ lại không bán được), tiền thuê công nhổ gần 100.000 đồng/người/ngày…, cà rốt loại 1 bán với giá từ 3.000 đồng/kg thì chủ ruộng không những không hòa vốn mà còn lỗ nặng”- anh Kiên nói thêm.

 

Ngoài hộ nhà anh Kiên, còn cả trăm hộ trong xã với hàng trăm ha cà rốt cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. “Mọi năm, thường bà con nhổ bán cân cho một doanh nghiệp tư nhân ở Hải Dương để họ sơ chế xuất khẩu còn được chút lời lãi. Nhưng năm nay lại khác, từ đầu vụ đến giờ họ ép giá, trả rẻ quá, bà con đành loay hoay tìm mối khác nhưng càng bị ép giá mạnh hơn nên nản lắm”- anh Kiên thở dài nói.

Tại cánh đồng xã Vạn Ninh, theo quan sát của chúng tôi, cũng đã có một hộ bắt đầu thu hoạch cà rốt cân cho tư thương đánh tận ô tô vào ruộng mua. Vừa đóng bao cà rốt, anh Nguyễn Văn Bến cho biết, anh quê ở Hải Dương, lên Vạn Ninh thuê đất trồng hơn 3 mẫu cà rốt. Từ đầu tháng đến nay thấy giá lên, vợ chồng anh đang mừng, nhưng đến lúc cà rốt được thu hoạch thì giá càng ngày càng giảm, lo ngại nên anh đã phải huy động hơn 10 nhân công để nhổ bán vội. “Đấy nhà báo xem, đã bán đổ, bán tháo cho họ cà rốt loại 1 giá 3.000 đồng/kg, mà loại 2 (củ to quá cỡ) họ trả có 400 đồng/kg, rẻ quá đành mang về cho bò, lợn ăn thôi”- anh Bến ngậm ngùi.

Đúng như lời anh Bến nói, tại ruộng tư thương chỉ chọn mua những củ đẹp vừa cỡ (được coi là loại 1) còn lại củ to và nhỏ quá, vứt khắp ruộng, một số nông dân nhổ thuê thấy tiếc nên xin hàng gánh mang về làm thức ăn cho lợn, bò.

Sẽ chuyển đổi sang cây trồng mới

Theo khảo sát của phóng viên NTNN, không chỉ riêng nông dân ở 2 xã Vạn Ninh và Cao Đức hứng chịu tình trạng trên, mà hàng trăm hộ dân ở các vùng trồng cà rốt cùng huyện Gia Bình như Thái Bảo, Đại Lai… cũng đang rơi vào tình cảnh thê thảm không kém. Phần lớn nông dân vẫn giữ cà rốt lại ruộng, chờ giá lên mới nhổ bán. Nhưng theo các hộ dân ở đây cho biết, cà rốt càng để dài ngày thì củ càng to, đến khi thu hoạch cũng khó mà bán được.

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Công Viện – Phó phòng Nông nghiệp huyện Gia Bình cho biết: Toàn huyện có diện tích cà rốt khoảng trên 370ha, phần lớn diện tích này nằm ngoài đất bãi, giáp sông Đuống. Trong đó, 5 xã trồng chủ yếu là Thái Bảo, Vạn Ninh, Cao Đức, Giang Sơn, Đại Lai. Xã Cao Đức có diện tích trồng nhiều hơn cả khoảng hơn 130ha. “Loại cây nông nghiệp này, dù đã trồng ở huyện được gần 10 năm, song phần lớn là bà con trồng tự phát, nên thời tiết thuận, được mùa thì thắng, còn nếu thua thì cũng đành chịu thôi” - ông Viện khẳng định.

Theo ông Viện, trong cơ cấu vụ đông 2014 vừa qua, cây chủ lực của huyện vẫn là cây ngô với 560ha, ngoài ra còn một số loại cây khác như đỗ tương, hành, tỏi… “Riêng về cây cà rốt thì huyện không có chủ trương đưa vào cơ cấu mùa vụ, cũng như khuyến khích nông dân trồng loại cây này vì giá cả quá bấp bênh, nên rủi ro thất bại là rất cao”- ông Viện nhấn mạnh.

Ông Viện thông tin thêm, đối với diện tích ngoài bãi khoảng 800ha, huyện đang có kế hoạch sẽ vận động các hộ dân tại các xã có đất ở đó chuyển đổi sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ví như trồng cây măng tây xanh, hiện đang trồng thử nghiệm diện tích gần 4ha tại 2 xã Thái Bảo và Vũ Ninh, đã có kết quả cho thu nhập cao hay trồng chuối tiêu hồng. Đối với diện tích đất trũng giáp sông Đuống, sẽ chuyển đổi sang chăn nuôi thủy sản chất lượng cao…

Không chỉ riêng nông dân ở 2 xã Vạn Ninh và Cao Đức hứng chịu tình trạng trên, mà hàng trăm hộ dân ở các vùng trồng cà rốt cùng huyện Gia Bình như Thái Bảo, Đại Lai… cũng đang rơi vào tình cảnh thê thảm không kém. Phần lớn nông dân vẫn giữ cà rốt lại ruộng, chờ giá lên mới nhổ bán.   


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem