“Cắn răng” mua nước ngọt cho... lợn uống

Quốc Hải Thứ năm, ngày 28/04/2016 15:30 PM (GMT+7)
Ông Trần Ngọc Tam - phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đang khẩn trương thống kê về cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai hạn mặn gây ra để xin Trung ương kinh phí hỗ trợ cho người dân, dự kiến số tiền khoảng 200 tỷ đồng.
Bình luận 0

Tại huyện Ba Tri, nước mặn đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề đối với việc sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Nghị- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, độ mặn từ 3 - 4%o xâm nhập sâu vào nội đồng làm lúa, rau màu và một số cây trồng bị chết hàng loạt. Thống kê đến hiện tại 100% diện tích lúa trên địa bàn đã “mất trắng” do ngập mặn. Đáng lo nhất là nhiều địa phương trong huyện đã cạn nguồn nước ngọt dự trữ nên người dân phải mua nước sinh hoạt khá cao, khoảng 60.000 - 200.000 đồng/m3 nước.

img

Người dân chở nước ngọt về từ hệ thống lọc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Ảnh:  Quốc Hải

Các vật nuôi chủ lực của huyện như bò, lợn cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiếu nước uống và thức ăn. Cụ thể, Ba Tri là huyện có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre với trên 80.000 con nhưng do mất trắng diện tích lúa nên dẫn đến tình trạng thiếu rơm cho đàn bò. Đối với đàn lợn, toàn huyện Ba Tri đã ghi nhận nhiều trường hợp lợn bị hiện tượng tiêu chảy, đàn lợn phát triển không đồng đều, chậm lớn và đang có dấu hiệu lở loét do chuồng không được vệ sinh thường xuyên.

“Hiện nông dân đang nỗ lực tìm nguồn nước ngọt để giữ đàn gia súc, chống chịu qua đợt hạn, mặn này” - ông Nghị nói.

Ông Trần Hoàn ở xã An Đức, huyện Ba Tri cho biết, từ nhiều tuần nay gia đình phải mua nước ngọt về dùng và cho… lợn uống, mỗi m3 có giá từ 60.000 đồng hoặc hơn tùy theo quãng đường vận chuyển. “Trước giờ hay cho lợn uống nước ao nhưng bây giờ mà cho chúng uống thì nó lăn ra bệnh tiêu chảy, chậm lớn. Vì vậy đành phải cắn răng mua nước cho lợn uống cầm cự đến lúc xuất chuồng” - ông Hoàn nói.

Ghi nhận tại huyện Bình Đại, hơn 80% diện tích hàu nuôi của gần 500 hộ dân ở 2 xã Thừa Đức và Thới Thuận vừa bị chết (khoảng 29/36ha), với tổng khối lượng thiệt hại khoảng 2.600 tấn, giá trị ước hơn 45 tỷ đồng. Nguyên nhân xác định ban đầu là do thời tiết nắng nóng kéo dài, kết hợp với nồng độ mặn trong nước quá cao (từ 34 - 37%o).

Trước tình hình hạn, mặn có nguy cơ kéo dài đến giữa tháng 7,  Bến Tre đã phát động  toàn thể nhân dân trong tỉnh phong trào “Đồng khởi” về dự trữ nước mưa để ứng phó với mùa hạn năm 2016 và những năm sau đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem