Cận Tết về rừng U Minh theo dân đi gác kèo lấy thứ mật ong nức tiếng

Chúc Ly Thứ hai, ngày 13/01/2020 06:30 AM (GMT+7)
Mật ong rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng mật hảo hạng. Nhờ đó, nghề gác kèo ong lất mật đã mang lại thu nhập khá cho người dân. Những ngày gần đây, những người theo nghề càng phấn khởi khi gác kèo ong được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Bình luận 0

Mật ong rừng tràm U Minh Hạ có chất lượng mật vượt trội, để lâu năm không đổi màu, không biến chất và không bị đọng đường, mang hương vị đặc biệt của hoa tràm. Tại đây, nhờ điều kiện sinh trưởng tốt nên các tổ ong thường rất to, có tổ dài hơn 1m, mỗi tổ ong có trung bình từ 3-5 lít mật, có khi cả chục lít. Đây cũng là nguồn lợi tự nhiên mang lại thu nhập cao cho nhiều người thợ chuyên nghề gác kèo ong.

Clip Cận Tết về U Minh Hạ mục sở thị nghề di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Mới đây, nghề truyền thống gác kèo ong thuộc huyện U Minh được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

img

Người đi lấy mật chuẩn bị đuốc thổi khói để lấy mật ong. Ảnh: Chúc Ly.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Nhì (thành viên hợp tác xã 19/5, ngụ ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), người có hơn 44 năm kinh nghiệm trong nghề ăn ong, cho biết: “Người gác kèo phải chọn được vị trí thuận lợi cho ong đến làm tổ thì mới thu được nhiều mật. Điều này dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm, nên nghề gác kèo ong là nghề cha truyền con nối”.

Theo ông Nhì, sau khoảng 15-20 ngày kể từ khi ong xuống làm tổ sẽ cho đợt mật đầu tiên. Sau đó, cứ khoảng hơn 10 ngày lấy được 1 đợt mật. Mật ong rừng U Minh Hạ có 2 mùa, mùa nước (mua mưa) và mùa hạn. Mật ở mùa nước bắt đầu từ cuối tháng 5 đến khoảng tháng 8 âm lịch, mùa hạn bắt đầu từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 âm lịch.

img

img

Nghề gác kèo ong mang lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Chúc Ly.

Hiện mỗi năm ông Nhì có thể thu về từ 500-600 lít mật ong. Mật trong mùa nước thường loãng hơn mùa khô nên có giá thấp hơn với khoảng 500.000 đồng/lít, còn mùa hạn thì có giá 600.000 đồng/lít.

Ông Nguyễn Văn Vững – Giám đốc Hợp tác xã 19/5, cho hay: “Hiện hợp tác xã có khoảng 40 hộ, trong đó có khoảng 25 hộ theo nghề gác kèo ong. Ngoài thu lợi từ khai thác tràm, các thành viên có thu nhập khá từ nghề gác kèo ong. Từ khi nghe tin nghề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia các thành viên rất phấn khởi. Chúng tôi tin rằng mật ong U Minh sẽ ngày càng vươn xa, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con”.

Ông Trần Văn Nhì, thông tin: “Kèo ong được làm bằng cây tràm già dài hơn thước (hoặc cây bình bác), một đầu có cái nhánh con dùng làm mấu. Người gác kèo phải chọn nơi tràm trổ bông kéo dài đủ cho ong lấy mật; kế đến chọn hướng gió, hướng ánh sáng rọi vào tổ và khoảng trống để ong bay lên đi lấy mật và đáp xuống dễ dàng. Sau khi chọn được địa điểm thích hợp, người thợ ong gác chiếc kèo xiên lên cây tràm, rồi dọn sạch cành lá xung quanh để khi lấy mật khỏi bị vướng.

Việc gác kèo ong đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, không phải ai gác ong cũng đến làm tổ. Người ăn ong phải chọn vị trí gác kèo sao cho có ánh mặt trời rọi vào hai cả hai bên của kèo, nghĩa là ở buổi nào, cũng phải có ánh mặt trời chiếu vào, kèo được gác chếch cỡ tầm đầu người”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem