Cao su Việt Nam gặp quá nhiều thách thức

Minh Trung Thứ hai, ngày 14/12/2015 07:15 AM (GMT+7)
Theo Bộ NNPTNT, từ năm 2012 đến nay, diện tích cao su trồng mới liên tục tăng. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế hậu khủng hoảng 2008 phục hồi yếu làm thay đổi nhu cầu tiêu thụ cao su.
Bình luận 0

Giá dầu thô lao dốc khiến cho khả năng cạnh tranh của cao su tổng hợp -sản phẩm từ dầu thô bị ảnh hưởng. Cung lớn hơn cầu khiến lượng cao su tồn kho tăng cao, gây áp lực làm giá giảm liên tục. Nhiều nơi đã giảm diện tích cao su tiểu điền vì giá bán thấp hơn giá thành.

img

Công nhân Đội sản xuất Cao su Thanh An (CTCP Cao su Điện Biên) trồng mới cao su tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: i.t

Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết: “Cao su Việt Nam có mặt trên 86 thị trường. Trong đó, có những thị trường lớn như Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Đài Loan. Năm 2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng khoảng 3%. Tuy nhiên, giá trị ước đạt 1,6 tỷ USD nhưng giảm khoảng 10% do giá bán ra thấp. Đây là khó khăn không nhỏ cho ngành cao su trong bối cảnh hội nhập hiện tại và các hiệp định thương mại tự do lớn như TPP trong thời gian tới”.

Khẳng định ngành cao su trong những năm qua đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, để phát triển bền vững, cao su Việt Nam phải tập trung vào công nghệ, quản lý chất lượng sản phẩm. Đây là những yếu tố quyết định sự thành bại của cao su trên thị trường thế giới.

Công tác xây dựng thương hiệu và điều chỉnh cơ cấu cao su cũng phải quan tâm đặc biệt. Hiện nay, theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế – IRSG, tổng nhu cầu cao su đến 2020 khoảng 15 triệu tấn, trong đó 72% sản xuất lốp xe. Vì vậy, theo ông Tuấn Anh, Việt Nam phải hướng vào những sản phẩm có nhu cầu cao và nâng sức cạnh tranh của cao su xuất khẩu.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, trong thời gian tới, Hiệp hội Cao su Việt Nam tập trung tăng hiệu quả sử dụng đất và xen canh, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành nhưng vẫn đảm bảo năng suất và thu nhập cho người lao động.

Theo ông Thuận, Chính phủ Việt Nam đã ban hành những quy định, chiến lược đến năm 2030 giúp ngành cao su tái cơ cấu theo hướng tăng giá trị và phát triển bền vững. Thời gian tới, Hiệp hội Cao su cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ người trồng cao su, các ưu đãi thuế về xuất khẩu cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem